Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy và hoạt động thanh tra CAND ngày càng chính quy, tinh nhuệ, chuyên nghiệp và hiện đại

Bộ Công an dự thảo Nghị định quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra Công an nhân dân để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân.

Dự thảo Nghị định quy định đối tượng áp dụng gồm: Cơ quan quản lý nhà nước, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước; các đơn vị trực thuộc Bộ Công an và Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; cơ quan thanh tra và Thủ trưởng cơ quan thanh tra Công an nhân dân; Thanh tra viên, cán bộ thanh tra chuyên trách, kiêm nhiệm; Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra.

Đối tượng thanh tra quy định tại Điều 4 dự thảo Nghị định này và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động thanh tra Công an nhân dân.

Trường hợp quy định của Nghị định này khác với quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

Trung tướng Trần Đức Tuấn, Chánh Thanh tra Bộ công bố Quyết định về việc xác minh tài sản, thu nhập năm 2024 của người có chức vụ, quyền hạn trong Công an nhân dân.

Trung tướng Trần Đức Tuấn, Chánh Thanh tra Bộ công bố Quyết định về việc xác minh tài sản, thu nhập năm 2024 của người có chức vụ, quyền hạn trong Công an nhân dân.

Trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, cơ quan thanh tra Công an nhân dân giúp Thủ trưởng Công an cùng cấp thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiến hành thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.

Theo đó, đối tượng thanh tra gồm có: Cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của Bộ Công an; Cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam có nghĩa vụ chấp hành pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công an; Cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có liên quan đến pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công an.

Cùng với đó, Điều 7 dự thảo Nghị định quy định về Cơ quan thực hiện chức năng thanh tra trong Công an nhân dân, trong đó phân chia thành 03 nhóm là Cơ quan thanh tra Công an nhân dân; Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; Cán bộ thanh tra chuyên trách được bố trí tại Công an huyện, thị xã, quận, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương và Công an các đơn vị có quân số từ 200 cán bộ, chiến sĩ trở lên; cán bộ thanh tra kiêm nhiệm được bố trí tại Công an các đơn vị có quân số dưới 200 cán bộ, chiến sĩ.

Về hoạt động thanh tra Công an nhân dân, dự thảo Nghị định quy định tại Chương IV gồm 18 điều. Đáng chú ý, Điều 21 quy định về hình thức thanh tra và căn cứ ra quyết định thanh tra; cơ bản thống nhất với quy định tại Điều 46 và Điều 51 Luật Thanh tra, gồm 02 hình thức và 04 căn cứ. Trên cơ sở quy định của Luật Thanh tra về căn cứ ra quyết định thanh tra, dự thảo Nghị định cụ thể hóa 04 căn cứ ra quyết định thanh tra để áp dụng thực hiện phù hợp và bám sát hơn trong hoạt động thanh tra Công an nhân dân, cụ thể là: (1) Thanh tra theo kế hoạch được tiến hành căn cứ theo kế hoạch thanh tra hằng năm của lực lượng Công an nhân dân; (2) Thanh tra đột xuất được tiến hành khi có một trong các căn cứ như: yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Công an, Giám đốc Công an cấp tỉnh hoặc yêu cầu của Thanh tra Chính phủ; khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền và phạm vi quản lý của Bộ Công an; yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của lực lượng Công an nhân dân.

Tại căn cứ ra quyết định thanh tra đột xuất (căn cứ thứ nhất), dự thảo bổ sung căn cứ “yêu cầu của Thanh tra Chính phủ”. Căn cứ này phù hợp với thực tiễn công tác nhiều năm qua của Thanh tra Bộ, phải tham mưu tiến hành nhiều cuộc thanh tra đột xuất theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ; đồng thời phù hợp với quy định về vị trí, chức năng của Thanh tra Bộ tại Điều 8 của dự thảo Nghị định: Thanh tra Bộ chịu sự chỉ đạo về công tác, hướng dẫn về nghiệp vụ thanh tra của Thanh tra Chính phủ.

Toàn văn dự thảo Nghị định được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp trong thời gian 60 ngày kể từ ngày đăng. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể xem toàn văn dự thảo và tham gia đóng góp ý kiến tại đây.

Theo bocongan.gov.vn

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/xay-dung-hoan-thien-to-chuc-bo-may-va-hoat-dong-thanh-tra-cand-ngay-cang-chinh-quy-tinh-nhue-chuyen-nghiep-va-hien-dai-221579.html