Xây dựng huyện đảo Trường Sa thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển
48 năm từ ngày giải phóng (29/4/1975-29/4/2023), hơn 40 năm thành lập, đến nay, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa đã vươn lên mạnh mẽ, hiên ngang, sừng sững giữa trùng khơi. Huyện Trường Sa đang từng bước thực hiện nhiệm vụ trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước và là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Lớp học ở Trường Tiểu học xã Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa là lớp ghép, có 6 học sinh, chia thành 2 nhóm thuộc 2 khối lớp. Mấy năm qua, còn khó khăn nhưng sự nghiệp giáo dục huyện Trường Sa đã thực hiện đúng kế hoạch, 100% học sinh Tiểu học đều đạt yêu cầu về các năng lực và phẩm chất. Toàn huyện có 3 trường Tiểu học, đội ngũ giáo viên được tuyển dụng, điều động đã giúp nâng cao chất lượng dạy và học.
Thầy giáo Nguyễn Hữu Phú, Trường Tiểu học Song Tử Tây, huyện Trường Sa cho biết: “Mô hình lớp ghép trong lớp có nhiều trình độ khác nhau, dạy học cũng khó khăn, vất vả hơn việc mình dạy ở đất liền. Ở đảo xa gia đình, nhớ nhà cũng rất là nhớ, do tình hình biển, đảo ở đây. Mình cống hiến một phần của mình cho đất nước. Anh em, cán bộ, chiến sỹ, người dân ở đây cũng rất là quan tâm”.
Thay đổi lớn nhất của huyện đảo Trường Sa trong những năm qua là hệ thống cơ sở hạ tầng. Ngoài 3 trường học, trên các đảo đã 10 trạm y tế, 9 ngôi chùa, 2 nhà truyền thống, 1 cầu cảng, 1 sân bay, 2 làng chài… 100% nhà ở của người dân được xây dựng kiên cố, khang trang; thông tin liên lạc, hệ thống đường giao thông, đường bê tông, bể chứa nước ngọt được xây dựng đầy đủ. Đặc biệt, hệ thống năng lượng sạch từ điện gió, điện mặt trời được đầu tư xây dựng làm thay đổi mạnh mẽ diện mạo, đời sống trên các đảo, tăng cường bảo đảm an ninh quốc phòng.
Trung tá Trần Danh Hoàng, Đảo trưởng Đảo Sinh Tồn cho biết: “Hệ thống năng lượng sạch được đầu tư, phát triển rất hiệu quả, giảm thiểu được vận hành máy nổ, đỡ tác động môi trường cũng như hoạt động của đơn vị. Giúp người dân, cán bộ chiến sỹ trên đảo đảm bảo được một phần rất quan trọng, bảo đảm đời sống của người dân, sẵn sàng chiến đấu của đảo”.
Những hộ dân sống trên các đảo được chính quyền địa phương hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện phát triển kinh tế, chăn nuôi và chăm sóc cây trồng, đánh bắt thủy sản phù hợp với môi trường biển đảo. Mỗi hộ gia đình sinh sống trong một căn nhà rộng 70 m2 thiết kế đẹp, vững chắc, có đủ phòng khách, 2 phòng ngủ, bếp và thiết bị sinh hoạt như giường, tủ, tivi…
Chị Nguyễn Thị Lan, người dân xã Song Tử Tây, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa cho biết: Bây giờ ở huyện đảo có đủ trường học, nhà văn hóa, được chăm sóc sức khỏe, phúc lợi xã hội được đảm bảo, giúp người dân an tâm bám biển, bám đảo: “Chúng tôi cảm thấy cuộc sống bình yên, mình cố gắng tăng gia, sản xuất, đánh bắt cá gần bờ, phục vụ cho đời sống. Cảm ơn sự quan tâm, động viên của các cơ quan, đoàn thể trong đất liền đã động viên, chia sẻ để cuộc sống chúng tôi ở đảo đủ đầy hơn”.
Huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa giờ đã được đầu tư xây dựng 4 âu tàu: Song Tử Tây, Đá Tây, Trường Sa, Sinh Tồn cùng các Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá. 5 năm qua, Đồn Biên phòng Trường Sa đã tiếp nhận gần 390 lượt phương tiện với gần 6.000 lao động vào tránh trú trong âu tàu của các đảo, hơn 440 thuyền viên được cấp cứu do tai nạn lao động trên biển. Ông Nguyễn Đức Toàn, ngư dân đánh bắt tại ngư trường Trường Sa cho biết, các âu tàu được xây dựng đồng bộ, cung cấp các dịch vụ hậu cần nghề biển, dịch vụ hậu cần kỹ thuật, giúp ngư dân an tâm bám biển dài ngày, giảm chi phí đáng kể trong mỗi chuyến đi biển.
“Tàu mình bị chết máy, cách đảo bao nhiêu hải lý nhưng trước mắt mình điện cấp cứu, cứu hộ, cứu nạn của đất liền. Đất liền có thông tin ra đảo, nhờ đảo, tàu của đảo chạy ra kéo vào để khắc phục. Những trường hợp đó rất nhiều”, ông Toàn nói.
Tiếp tục triển khai xây dựng hệ thống chính trị và tổ chức đời sống dân cư tại các xã, thị trấn thuộc huyện Trường Sa là một trong những yêu cầu để phát triển toàn diện tỉnh Khánh Hòa. Triển khai Nghị quyết số 09/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, huyện đảo Trường Sa tập trung đầu tư xây dựng hệ thống năng lượng, hệ thống lọc nước ngọt công suất lớn kết hợp với xây dựng cơ sở hạ tầng các khu dịch vụ hậu cần nghề cá. Qua đó, tạo nền tảng cho nhân dân địa phương khai thác nguồn lợi hải sản, phát triển kinh tế; Đồng thời thu hút các đội tàu đánh bắt xa bờ của các tỉnh duyên hải miền Trung đến với Trường Sa. Tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, tổ chức liên quan vận dụng và thực hiện cơ chế chính sách hỗ trợ ngư dân sinh sống và tổ chức sản xuất ngư nghiệp tại làng chài thuộc các xã đảo.
Ông Lê Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa cho biết, huyện Trường Sa lấy xây dựng chính trị làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp, đồng thời ra sức phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo đời sống an sinh, phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn: “Quân và dân huyện Trường Sa xác định rèn luyện ý chí quyết tâm, giữ vững niềm tin cùng cả nước trong hành trình ra biển lớn. Xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng và Nhân dân cả nước. Đặc biệt, quân và dân huyện Trường Sa quyết tâm quán triệt và thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị, trong đó, tập trung kết hợp tập trung kết hợ chặt chẽ phát triển kinh tế xã hội và quốc phòng- an ninh. Đẩy mạnh xây dựng và phát triển huyện Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước, là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”./.