Xây dựng huyện Phúc Thọ thành vùng chuyên canh lớn của Thủ đô

Sáng 31-12, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã chủ trì buổi làm việc với Huyện ủy Phúc Thọ về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2020, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2021.

Đồng chí Vương Đình Huệ,Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy phát biểu ý kiến tại buổi làm việc. Ảnh: DUY LINH

Đồng chí Vương Đình Huệ,Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy phát biểu ý kiến tại buổi làm việc. Ảnh: DUY LINH

Sáng 31-12, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã chủ trì buổi làm việc với Huyện ủy Phúc Thọ về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2020, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2021.

Năm 2020, Huyện ủy Phúc Thọ đã lãnh đạo và triển khai toàn diện các nhiệm vụ, đạt kết quả tích cực. Huyện ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thành công 360 đại hội chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, 45 tổ chức cơ sở Đảng và Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 21 (nhiệm kỳ 2020-2025). Huyện tập trung hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn đơn vị hành chính cấp thôn, xã; sau sáp nhập đã giảm hai xã, 15 thôn; củng cố xong 9/9 đảng bộ xã, thị trấn và không còn vụ việc có đơn, thư phức tạp.

Năm 2020, huyện Phúc Thọ đã thực hiện thành công “nhiệm vụ kép”: Vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa đạt và vượt 18/22 chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Trong đó, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt hơn 415 tỷ đồng, bằng 133% dự toán thành phố giao. Đến nay, 20/20 xã của huyện đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; huyện cũng đạt 9/9 tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới và đã nộp hồ sơ đề nghị T.Ư công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Phát biểu kết luận, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đánh giá cao kết quả huyện Phúc Thọ đạt được trong năm 2020. Về nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí yêu cầu huyện phải nhận thức rõ hơn về điều kiện, đặc thù, vị thế của huyện. Đó là huyện nông nghiệp nằm ở cửa ngõ tây bắc Thủ đô; mật độ dân số không cao; giao thông khá thuận tiện; có bề dày lịch sử, truyền thống cách mạng, nhiều di tích văn hóa giá trị, lễ hội truyền thống, làng nghề nổi tiếng... Trên cơ sở đó, huyện cần chú trọng công tác quy hoạch, phối hợp chặt chẽ, tranh thủ sự vào cuộc của các sở, ngành liên quan, khẩn trương hoàn thành Quy hoạch vùng huyện Phúc Thọ, Quy hoạch khu sinh thái Cẩm Đình - Hiệp Thuận và Quy hoạch tổng thể di tích quốc gia đặc biệt đền Hát Môn. Các sở, ngành của thành phố cũng cần vào cuộc tháo gỡ các vướng mắc trên địa bàn.

Trong đó, Sở Giao thông vận tải tổng hợp báo cáo thành phố để triển khai các dự án giao thông trọng điểm, không chỉ có ý nghĩa đối với Phúc Thọ, mà còn với sự phát triển cả khu vực tây bắc của thành phố, trong đó có dự án nâng cấp Quốc lộ 32 và xây dựng đường trục tây Thăng Long. Sở Công thương cần quan tâm, triển khai xây dựng các chợ còn thiếu trên địa bàn huyện Phúc Thọ để phát triển thương mại, dịch vụ.

Đồng chí cũng nhấn mạnh, Phúc Thọ cần phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới điển hình, kiểu mẫu của không chỉ thành phố, mà còn của cả nước; là vành đai xanh của Thủ đô. Muốn vậy, huyện cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học -công nghệ và tổ chức lại sản xuất; hiện thực hóa mục tiêu trở thành vùng chuyên canh để sản xuất hàng hóa quy mô lớn.

 Đồng chí Vương Đình Huệ tham quan gian trưng bày các sản phẩm nông sản huyện Phúc Thọ. Ảnh: DUY LINH.

Đồng chí Vương Đình Huệ tham quan gian trưng bày các sản phẩm nông sản huyện Phúc Thọ. Ảnh: DUY LINH.

Nhấn mạnh yêu cầu xây dựng “môi trường xanh, nông nghiệp sạch, văn hóa đẹp”, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nêu rõ, Huyện ủy Phúc Thọ phải trở thành trung tâm phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất. Đồng thời, thường xuyên rà soát, đánh giá, xây dựng, củng cố các tổ chức cơ sở Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh gắn với giải quyết những vụ việc còn tồn đọng, những vấn đề dân sinh bức xúc theo tinh thần chỉ đạo của Thành ủy.

QUỐC TOẢN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/xay-dung-huyen-phuc-tho-thanh-vung-chuyen-canh-lon-cua-thu-do-630254/