Xây dựng Ðiện Biên ngày càng giàu mạnh
Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám 1945 là mốc son chói lọi, bước ngoặt vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Cho đến nay, bài học về phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bài học về tinh thần tự lực, tự cường, bài học về nắm thời cơ vẫn vẹn nguyên giá trị. Vận dụng sáng tạo bài học và kinh nghiệm quý báu đó, cùng với sự đổi mới của đất nước, Ðảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Ðiện Biên đã luôn đoàn kết một lòng, xây dựng quê hương cực Tây Tổ quốc ngày càng ấm no, giàu mạnh.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và việc thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, làm thay đổi căn bản vận mệnh của đất nước và dân tộc ta, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Thành quả vĩ đại và những bài học lịch sử vô giá của Cách mạng Tháng Tám, trong đó nhân tố có ý nghĩa quyết định là Ðảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát huy cao độ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành hành trang, động lực thôi thúc toàn dân và toàn quân ta, dưới sự lãnh đạo của Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiến hành các cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ, đánh thắng các thế lực thực dân, đế quốc xâm lược; lập nên những chiến công hiển hách mà đỉnh cao là Chiến thắng Ðiện Biên Phủ năm 1954 và Ðại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Tinh thần và ý chí quật cường của Cách mạng Tháng Tám tiếp tục soi đường, cổ vũ nhân dân ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách để giành thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp đổi mới. Ðất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Nhân dân ta có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc. Uy tín và vị thế nước ta ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.
Tự hào và phát huy tinh thần quật cường cùng bài học kinh nghiệm quý báu của Cách mạng Tháng Tám, hòa nhịp cùng với công cuộc đổi thay của đất nước, những năm qua Ðảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân các dân tộc tỉnh Ðiện Biên đã đoàn kết một lòng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tập trung phát triển toàn diện mọi mặt của đời sống xã hội; củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Ðặc biệt, từ một tỉnh nghèo, cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thấp kém, kinh tế chậm phát triển, đời sống người dân khó khăn, Ðiện Biên đã và đang có những bước chuyển mình ấn tượng trên mọi mặt.
Nổi bật, bức tranh kinh tế tăng trưởng khá, năm 2022 tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 10,19%, vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra và là năm đầu tiên kể từ năm 2010 đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng ấn tượng, đạt 2 con số, xếp thứ hạng 14/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và đứng thứ 2/14 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc. GRDP bình quân ước đạt 39,68 triệu đồng/người/năm... Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng, giảm tỷ trọng khu vực I (nông, lâm nghiệp, thủy sản) tăng tỷ trọng khu vực II (công nghiệp, xây dựng) và khu vực III (dịch vụ). Cụ thể, khu vực I chiếm 16,86%; khu vực II chiếm 21,25%; khu vực III 57,7%.
Kết cấu hạ tầng được cải thiện đáng kể; ưu tiên, huy động nguồn lực triển khai thực hiện các dự án giao thông trọng điểm, có tính kết nối vùng cao. Các tuyến đường liên huyện, liên xã, đường nông thôn, đường ra cửa khẩu, lối mở, đường tuần tra biên giới được quan tâm đầu tư xây dựng mới và nâng cấp, cải tạo, sửa chữa đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân vùng khó đi lại, kết nối, giao thương hàng hóa. Ðặc biệt, tận dụng lợi thế đặc trưng về tiểu vùng khí hậu, các địa phương trong tỉnh đã từng bước hình thành vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp đặc trưng theo chuỗi giá trị (đến nay, toàn tỉnh có 56 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh).
Hơn 1 thập kỷ triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh, cùng với sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư của Ðảng, Nhà nước; tỉnh ta đã đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, khơi gợi ý chí, tinh thần đoàn kết, tích cực vận động nhân dân hiến kế, hiến đất, hiến công chung tay hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Ước thực hiện 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 21/115 xã đạt chuẩn NTM, 120 thôn, bản được công nhận đạt chuẩn NTM và NTM kiểu mẫu; bình quân tiêu chí đạt 13,07 tiêu chí/xã, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn 36,57%.
Ðặc biệt, là tỉnh miền núi, biên giới với 19 dân tộc, chủ yếu là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS). Vì thế, những năm qua tỉnh ta đã triển khai thực hiện đồng bộ, linh hoạt các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và từng bước thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTTS. Các chương trình, chính sách tập trung vào giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; phát triển sản xuất nông lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... Năm 2023, tổng vốn huy động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh là 1.335,632 tỷ đồng.
78 năm kể từ mùa thu độc lập 1945, quê hương cách mạng Ðiện Biên Phủ anh hùng đã có những bước phát triển toàn diện trên chặng đường đổi mới. Mỗi người dân Ðiện Biên nguyện chung một ý chí, đồng sức, đồng lòng, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên, ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIV, từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa Ðiện Biên trở thành tỉnh có kinh tế - xã hội phát triển khá trong khu vực trung du miền núi phía Bắc.