Xây dựng kế hoạch, mô hình bắt đầu từ cơ sở
'Phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch, mô hình của từng lĩnh vực kịp thời, chặt chẽ, sát với tình hình thực tế. Phải đi từ cơ sở lên', Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử chỉ đạo Sở NN&PTNT tại hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của đơn vị, chiều 9/1.
Năm 2023, ngành NN&PTNT tỉnh đã triển khai thực hiện nhiệm vụ đạt nhiều kết quả nổi bật. Có 17/23 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Cụ thể, tổng sản lượng lúa đạt trên 549.000 tấn, tăng 9,92% so với kế hoạch; rau màu xuống giống trên 6.700 ha; tổng đàn heo xuất chuồng 220.000 con, tổng đàn gia cầm xuất chuồng 6 triệu con; diện tích trồng rừng thâm canh, nhất là tràm và keo lai đạt trên 24.000 ha;… Đến nay đã công nhận được 156 sản phẩm đạt OCOP của 74 chủ thể; có 58/82 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Tổng sản phẩm GRDP của ngành ước trên 14.700 tỷ đồng, đạt 100,38% so với kế hoạch, tăng 3,37% so với cùng kỳ.
Tổng sản lượng thủy sản trên 600.000 tấn, trong đó sản lượng tôm trên 240.000 tấn, đạt 99,92% so với kế hoạch, tăng 6,64% so với cùng kỳ, với tổng diện tích nuôi tôm đến nay trên 278.000 ha (diện tích nuôi tôm quảng canh kết hợp trên 88.000 ha; nuôi tôm quảng canh cải tiến trên 183.000 ha; nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh trên 6.600 ha).
Kết quả sản lượng tôm chưa đạt theo kế hoạch đề ra, theo ông Nguyễn Văn Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản phân tích, nguyên nhân do giá tôm nguyên liệu giảm thấp kéo dài trong khi giá vật tư đầu vào tăng cao đã làm giảm sức đầu tư của người dân. Môi trường nước nuôi trồng thủy sản ngày càng bị tác động xấu do việc phát triển các loại hình nuôi tôm siêu thâm canh và từ nguồn nước thải của các doanh nghiệp. Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp chưa có giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả,…
Ngành tôm vẫn là ngành kinh tế chủ lực của tỉnh và còn nhiều dư địa để phát triển. Phó giám đốc Sở NN&PTNT Châu Công Bằng phân tích thêm, năng suất tôm bình quân chung toàn tỉnh khoảng 837 kg/ha/năm là rất thấp so với các tỉnh trong khu vực. Không chỉ vậy, một số loại hình nuôi với diện tích rất lớn nhưng năng suất còn rất thấp, tiêu biểu như diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến, diện tích khoảng 190.000 ha nhưng năng suất chỉ khoảng 525kg/ha/năm; hay như nuôi quảng canh kết hợp, hiện có hơn 81.450 ha nhưng năng suất chỉ đạt 345 kg/ha/năm. Do đó, ngành tôm vẫn còn dư địa rất lớn để phát triển trong thời gian tới.
Theo kế hoạch năm 2024, toàn tỉnh vẫn giữ diện tích nuôi tôm ổn định 278.000 ha, trong đó nuôi thâm canh 1.750 ha, nuôi siêu thâm canh 4.800 ha, còn lại là nuôi tôm quảng canh cải tiến 190.000 ha và nuôi quảng canh kết hợp 81.450 ha. Đặc biệt, tăng năng suất bình quân ngành hàng tôm nuôi lên khoảng 980 kg/ha/năm; trong đó, nuôi theo mô hình thâm canh đạt năng suất 7,5 tấn/ha/năm và siêu thâm canh là 75 tấn/ha/năm.
Để đạt những chỉ tiêu này trong bối cảnh dự báo vẫn còn rất nhiều khó khăn từ ảnh hưởng suy thoái kinh tế của thế giới cho đến tình hình thiên tai, thời tiết, dịch bệnh,… ông Trung kiến nghị cần có giải pháp bình ổn giá tôm nguyên liệu, thức ăn nuôi tôm, vi sinh, hóa chất,… để người dân an tâm và chủ động sản xuất. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ có chính sách về việc giảm lãi suất ngân hàng và có chính sách đặc thù ưu đãi cho lĩnh vực nuôi tôm và người nuôi tiếp cận các nguồn vốn vay phát triển sản xuất.
Trên cơ sở nhận định trong năm 2024 lĩnh vực nông nghiệp, nhất là con tôm tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử chỉ đạo, Sở NN&PTNT xác định được mục tiêu nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm và cụ thể cho từng lĩnh vực, với thời gian cụ thể để thực hiện hoàn thành. Tập trung tổ chức lại sản xuất; phát triển nông thôn toàn diện, đồng bộ, xây dựng nông thôn mới hiệu quả, thiết thực; nông nghiệp xanh, tuần hoàn, sinh thái,... Thực hiện có hiệu quả, thực chất các chương trình, đề án, dự án lớn của ngành.
Riêng đối với lĩnh vực thủy sản, phải thực hiện quyết liệt, có hiệu quả công tác chống khai thác IUU, đồng thời phải có kế hoạch, đề án phát triển con cua, sò huyết và cả việc giải quyết vấn đề tranh chấp ngư trường, chống khai thác bằng xung điện,…
Đối với sản xuất, cần tổ chức theo hướng hàng hóa gắn với công nghiệp chế biến hiện đại, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển loại hình nuôi phù hợp từng vùng sinh thái; ứng dụng khoa học công nghệ mới và áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận quốc tế.
Phó chủ tịch UBND tỉnh đồng thời chỉ đạo, giữ ổn định diện tích trồng trọt nhưng nâng cao chất lượng theo hướng sinh thái, hữu cơ. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, loại hình sản xuất phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường phổ biến, chuyển giao giống cây trồng mới có chất lượng, giá trị cao vào sản xuất; đẩy mạnh liên kết và tiêu thụ sản phẩm.
Tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp, du lịch sinh thái, kinh tế dưới tán rừng; quan tâm đến công tác phòng cháy chữa cháy rừng. Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đảm bảo thực chất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân./.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/xay-dung-ke-hoach-mo-hinh-bat-dau-tu-co-so-a30845.html