Xây dựng kết cấu hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Thời gian qua, huyện Phù Ninh đã chỉ đạo quyết liệt tập trung các nguồn lực đầu tư thực hiện khâu đột phá về xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhờ đó kinh tế - xã hội đạt được những kết quả toàn diện, diện mạo mới của huyện thêm khởi sắc, văn minh, hiện đại, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao.

Kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của Phù Ninh.

Kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của Phù Ninh.

Để thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU, ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng huyện Phù Ninh giai đoạn 2021-2025, cấp ủy, chính quyền huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xác định thứ tự ưu tiên việc huy động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, động viên, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong hoạt động đầu tư cho các dự án quan trọng, tạo tiền đề phát triển các ngành, các lĩnh vực, đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành các dự án đảm bảo đúng tiến độ.

Đồng chí Lê Phúc Tuất - Trưởng phòng Kinh tế, Hạ tầng huyện thông tin: Trong giai đoạn 2020-2025, nhiều dự án lớn của Trung ương, tỉnh, huyện đã được triển khai thực hiện đầu tư như: Cải tạo, nâng cấp mặt đường và hệ thống thoát nước quốc lộ 2; tuyến đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ; cải tạo, gia cố, nâng cấp đường Âu Cơ; sửa chữa hư hỏng nền, mặt đường và các công trình trên đường tỉnh 323D; đường giao thông kết nối đường tỉnh 323 đi quốc lộ 2; đường giao thông nối từ đường tỉnh 325B (Cụm công nghiệp Bắc Lâm Thao) - quốc lộ 2 - đường tỉnh 323H - đường huyện P2 (Cụm công nghiệp Phú Gia); đường giao thông kết nối từ quốc lộ 2 đi đường tránh thị trấn Phong Châu; các tuyến đường huyện, đường xã.

Cùng với đó, các dự án đầu tư nâng cấp hạ tầng các lĩnh vực: Điện năng, y tế, giáo dục, văn hóa, thủy lợi - cấp thoát nước, thương mại, dịch vụ; các dự án đầu tư mới và mở rộng phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN - TTCN) trên địa bàn... Nhiều dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả cao.

Nằm trong vùng kinh tế động lực của tỉnh, các công trình giao thông được đầu tư trên địa bàn huyện đã tạo sự kết nối liên thông giữa các vùng sản xuất và giao thương với các vùng lân cận; thu hút các nhà đầu tư vào kinh doanh hạ tầng, sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp (CCN).

Trên địa bàn hiện có 3 CCN gồm CCN Đồng Lạng, CCN Tử Đà - An Đạo, CCN Phú Gia. Hiện nay, các hoạt động sản xuất CN - TTCN được duy trì ổn định, các doanh nghiệp FDI phát triển nhanh, đóng góp tăng trưởng kinh tế trên địa bàn.

Tính đến tháng 8, huyện có 147 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư trên 16.325 tỷ đồng. Trong đó, CCN có 58 dự án với tổng vốn đầu tư 217.595.442 USD, tương đương hơn 5.004 tỷ đồng Việt Nam; ngoài CCN có 82 dự án với tổng vốn đầu tư trên 8.594 tỷ đồng, dự án về phát triển nhà ở có 7 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 2.726 tỷ đồng.

Kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất được đầu tư xây dựng nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh trong phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản. Huyện tập trung chỉ đạo thực hiện các chương trình sản xuất nông, lâm nghiệp trọng điểm để phát triển các sản phẩm chủ lực gắn với lợi thế của địa phương.

Trong đó, diện tích cây ăn quả và diện tích nuôi trồng thủy sản được mở rộng quy mô; quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với diện tích trên 60ha tại các xã An Đạo, Bình Phú, vùng trồng cây ăn quả đặc sản hồng Gia Thanh, vùng trồng rau an toàn, cây cảnh ở các xã phía nam huyện, các xã có lợi thế và khu vực trung tâm huyện với diện tích trên 55ha; tổ chức thực hiện tốt Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), phát triển làng nghề. Đến nay, huyện đã có 23 sản phẩm và 1 nhóm sản phẩm OCOP khẳng định được thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường.

Cùng với đó, hạ tầng thông tin phát triển nhanh, huyện nâng cấp hệ thống truyền thanh (đài FM) các xã, hạ tầng kỹ thuật số của các nhà mạng phục vụ đời sống Nhân dân. Hạ tầng văn hóa được đầu tư với 93,4% nhà văn hóa khu dân cư được nâng cấp, hoàn thiện thiết chế; tiếp tục bảo tồn, tu bổ, phát huy giá trị văn hóa các di tích lịch sử.

Mạng lưới y tế từ huyện đến cơ sở được đầu tư theo hướng chuẩn hóa; 100% các xã, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia về y tế giai đoạn đến năm 2030; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm đạt 92,8%. Hạ tầng giáo dục tiếp tục được quan tâm, huyện lãnh đạo cải tạo nâng cấp khuôn viên, cơ sở vật chất, duy trì trường học đạt chuẩn Quốc gia theo kế hoạch.

Đến nay, huyện đã được UBND tỉnh phê duyệt xong Quy hoạch xây dựng vùng huyện Phù Ninh đến năm 2035, tầm nhìn 2050, tỷ lệ 1/25.000; hoàn thành phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng các xã giai đoạn 2021-2030; trình thẩm định, phê duyệt điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng thị trấn Phong Châu và các vùng phụ cận, huyện Phù Ninh đến năm 2035, tỷ lệ 1/5.000; thực hiện đầu tư để duy trì, nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM); rà soát các tiêu chí, đầu tư xây dựng đô thị văn minh, xã NTM nâng cao, huyện NTM.

Đồng thời, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển, quyết liệt chỉ đạo thực hiện hiệu quả khâu đột phá về xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng then chốt để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM. Trên cơ sở phát huy những tiềm năng, lợi thế, với sự đồng lòng, quyết tâm chính trị cao của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân trong huyện sẽ tạo nên thế và lực mới để Phù Ninh ngày càng phát triển toàn diện, vững chắc.

Thanh Nga

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/xay-dung-ket-cau-ha-tang-thuc-day-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-217309.htm