Xây dựng kho dữ liệu số về bất động sản, làm cơ sở xây dựng cách thức đánh thuế
Xung quanh việc sử dụng công cụ thuế để điều chỉnh thị trường bất động sản, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế đã trao đổi với TBTCVN về một số khuyến nghị từ việc đúc rút kinh nghiệm của một số quốc gia.
PV: Trên thế giới, thuế bất động sản (BĐS) là một loại thuế quan trọng của chính quyền địa phương, bởi đây là nguồn thu lớn và thường xuyên được dùng đề đầu tư, tu bổ hạ tầng, chi trả cho các dịch vụ địa phương, đáp ứng an sinh xã hội. Hiện nay, các nước trên thế giới áp dụng thuế cho BĐS như thế nào, xin ông chia sẻ?
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Theo thống kê, mức thu về thuế BĐS của hầu hết các nước công nghiệp phát triển đều đạt trên 2% GDP, trong đó Anh, Canada và Hoa Kỳ đạt xấp xỉ 3% GDP. Australia, Nhật Bản, Israel, Pháp đạt xấp xỉ 2,5% GDP. Trung Quốc, Thái Lan, Philippines đạt xấp xỉ 0,3% GDP.
Trong thực tế, thuế BĐS không được ưa chuộng bởi người chịu thuế thường không có thu nhập phát sinh từ việc quyền sở hữu bị đánh thuế. Việc thực hiện các chính sách thuế đòi hỏi phải có sự kết hợp nhiều lựa chọn liên quan đến căn cứ tính thuế, đối tượng chịu thuế, mức thuế cụ thể.
Kinh nghiệm từ nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, cách thức đánh thuế, cơ sở tính thuế và mức thuế suất được các quốc gia áp dụng cụ thể tùy thuộc vào mục đích của Nhà nước và điều kiện thực tế để đem lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước địa phương, điều tiết thu nhập của dân cư và đảm bảo công bằng trong xã hội.
Các quốc gia phát triển trên thế giới đã sử dụng thuế tài sản từ rất lâu và lựa chọn các cách thức đánh thuế tài sản khác nhau để thực hiện mục tiêu do Chính phủ đề ra. Theo một nghiên cứu về cách đánh thuế vào đất đai và tài sản đầu tư trên đất của các quốc gia thì có 44 nước đánh thuế đất theo diện tích, 16 nước đánh thuế đất theo giá trị, 8 nước đánh thuế riêng biệt về đất và tài sản gắn liền với đất, 52 nước đánh thuế theo giá trị BĐS gồm cả đất và tài sản gắn liền, 4 nước chỉ đánh thuế đối với tài sản gắn liền với đất mà không đánh thuế đất, 37 nước đánh thuế theo giá thuê đối với BĐS.
Đồng thời, để thực hiện các mục đích điều tiết thu nhập, đảm bảo công bằng, chống đầu cơ và tăng cường hiệu quả sử dụng đất đai, các quốc gia sử dụng các loại thuế đánh trên giá trị tài sản, đánh trên diện tích sử dụng đất, đánh thuế trên thời gian mua bán, chuyển nhượng tài sản, thuế đánh trên sở hữu nhiều tài sản, thuế đánh trên tài sản sử dụng không hiệu quả....
PV: Vậy tại Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về thực trạng sử dụng thuế đối với BĐS hiện nay, thưa ông?
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Tại Việt Nam, thuế đất đai là một nguồn thu chính, bền vững cho ngân sách nhà nước, đồng thời cũng tạo nguồn lực tài chính chủ yếu cho đầu tư phát triển, đặc biệt là với ngân sách địa phương.
Mức độ phát triển càng cao, hạ tầng đô thị càng phát triển thì thuế đất thu được càng tăng. Bên cạnh việc tạo nguồn thu chủ yếu cho ngân sách nhà nước, thuế đất còn là công cụ điều tiết các hoạt động kinh tế - xã hội như: điều tiết luồng di cư, lao động nhập cư từ nông thôn về các đô thị.
Đó cũng là công cụ ngăn chặn tình trạng đầu cơ, tích trữ BĐS khi thuế suất có mức lũy tiến phù hợp đối với những trường hợp sử dụng nhiều đất, nhiều nhà; là công cụ để thu được giá trị tăng thêm của BĐS do đầu tư hạ tầng của Nhà nước hoặc đầu tư của bên ngoài mang lại.
PV: Thực tế hiện nay, dù thể chế chính sách quản lý BĐS đã ngày càng được hoàn thiện, tuy nhiên, để thuế trở thành một cộng cụ điều tiết hoạt động của thị trường BĐS, một công cụ đảm bảo tính công bằng, bình đẳng giữa các chủ thể thì vẫn cần sự xem xét, thực thi nhiều biện pháp. Ở góc độ nghiên cứu, ông có kiến nghị gì?
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Theo tôi, cần tập trung vào mấy điểm. Trước tiên là cần triển khai các luật và nghị định có liên quan đến thị trường BĐS như: Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS... một cách nhanh chóng, đầy đủ và toàn diện nhằm tháo gỡ các khó khăn cho thị trường.
Sau đó là có giải pháp gia tăng nguồn cung trên thị trường BĐS, đảm bảo cân đối cung - cầu của thị trường sẽ là môi trường thuận lợi để công cụ thuế phát huy tính độc lập công bằng, bình đẳng.
Theo xu hướng, cần đẩy mạnh số hóa công tác quản lý, kinh doanh BĐS, xây dựng kho dữ liệu số về BĐS một cách đầy đủ, toàn diện là cơ sở cho việc quản lý thị trường BĐS và là cơ sở cho việc xem xét đưa ra các cách thức đánh thuế BĐS phù hợp và hiệu quả.
Trên cơ sở kho dữ liệu số về BĐS, hoàn toàn có thể sử dụng cách tính thuế lũy tiến dựa trên hạn mức sử dụng đất cho các hộ gia đình. Đối với diện tích sử dụng trong hạn mức có thể đưa ra một mức thuế đất đai thấp hoặc miễn thuế. Với những người sử dụng đất đai càng vượt hạn mức cao sẽ chịu thuế càng cao.
Dĩ nhiên, hạn mức đất ở cần được quy định theo diện tích đất ở bình quân đầu người cho các đô thị loại 1, 2, 3, 4 và đất ở nông thôn cho phù hợp với từng vùng. Biện pháp này sẽ vừa đảm bảo đánh thuế công bằng, đúng đối tượng, tránh tình trạng nhờ người thân đứng tên hộ quyền sở hữu các tài sản, cũng tránh sự mất công bằng trong trường hợp đánh thuế với ngôi nhà thứ 2, thứ 3...
Đề phòng chống việc đầu cơ BĐS và tăng nguồn cung cho thị trường, cần đề xuất đánh thuế quyền sử dụng lũy thoái theo thời gian nắm giữ BĐS. Thuế đối với BĐS mua và bán ngay trong năm cần đánh thuế cao, các năm nắm giữ thứ 2, 3, 4, 5 thuế sẽ giảm dần theo thời gian nắm giữ. Sau 5 năm nắm giữ thuế chuyển quyền sử dụng có mức thấp nhất hoặc không phải đóng thuế.
Để chống đầu cơ và tránh hiện tượng bỏ trống nhà cửa, cần xem xét mức thuế nhà bỏ trống lũy tiến cao đối với những nhà bỏ trống theo thời gian chưa đưa vào sử dụng. BĐS càng chậm đưa vào sử dụng sẽ phải chịu thuế suất càng cao.
PV: Xin cảm ơn ông!