Xây dựng không gian văn hóa Phật giáo Tây Yên Tử bằng triết lý 'Cư trần lạc đạo'

Mọi ý tưởng xây dựng không gian văn hóa Phật giáo Tây Yên Tử phải hướng tới mục đích của Phật hoàng Trần Nhân Tông là làm cho triết lý, tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm thăng hoa, sống mãi trong tâm trí của mỗi người con đất Việt, sống mãi với thời gian, không gian trên đất nước Việt Nam thân thương

FacebookEmail

Mục lục bài viết

1. ĐẶT VẤN ĐỀ
2. BÀI HỌC TỪ “CƯ TRẦN LẠC ĐẠO”
3. NHỮNG GỢI Ý CHO VIỆC XÂY DỰNG KHÔNG GIAN VĂN HÓA PHẬT GIÁO TÂY YÊN TỬ THEO TRIẾT LÝ CƯ TRẦN LẠC ĐẠO
4. KẾT LUẬN

Mọi ý tưởng xây dựng không gian văn hóa Phật giáo Tây Yên Tử phải hướng tới mục đích của Phật hoàng Trần Nhân Tông là làm cho triết lý, tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm thăng hoa, sống mãi trong tâm trí của mỗi người con đất Việt, sống mãi với thời gian, không gian trên đất nước Việt Nam thân thương

PGS. Lê Văn Canh, Nguyên giảng viên Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN;
ThS. Đào Thị Ngân, Trường THPT Yên Dũng I, Bắc Giang.

Tóm tắt: Trong bài viết này chúng tôi đưa ra một gợi ý về việc xây dựng không gian Phật giáo Tây Yên Tử theo triết lý của “Cư trần lạc đạo”. Mục đích chính là làm sao xây dựng được một không gian Phật giáo thể hiện được tinh thần trung đạo của “Cư trần lạc đạo”, kết hợp hài hòa giữa phát triển giá trị văn hóa Phật giáo Trúc Lâm – Yên Tử với phát triển kinh tế, xã hội đồng thời xiển dương những giá trị to lớn của Phật giáo Trúc Lâm – Yên Tử trong một Thế giới đang gắn kết với nhau dưới tác động của kinh tế thị trường và công nghệ 4.0.
Từ khóa: Không gian văn hóa, Tây Yên Tử, “Cư trần lạc đạo”, Phật giáo.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Bắc Giang là một trong những trung tâm Phật giáo của Đại Việt thời Lý – Trần, đặc biệt là thời nhà Trần khi Phật giáo ở Bắc Giang gắn liền với Thiền phái Trúc Lâm. Phật giáo Trúc Lâm trên địa bàn tỉnh Bắc Giang như một thực thể tôn giáo sinh động trong đời sống tinh thần của người dân Bắc Giang nói riêng và trong vùng nói chung. Tiêu biểu cho sự hiện diện của Thiền phái Trúc Lâm ở Bắc Giang là chùa Vĩnh Nghiêm (xã Trí Yên, huyện Yên Dũng), một trong số ít những ngôi chùa Phật giáo cổ còn tồn tại cho đến ngày nay. Chùa được xây dựng từ thời nhà Lý và được Phật hoàng Trần Nhân Tông tu bổ, xây dựng thành trung tâm Phật giáo của Thiền phái Trúc Lâm. Có thể nói là trường Phật giáo chính quy đầu tiên của nước ta theo nghĩa trường có chương trình, giáo trình, thiền sư và thiền sinh, cư sĩ. Những mộc bản đang được lưu giữ ở chùa Vĩnh Nghiêm là bằng chứng Thiền phái Trúc Lâm lấy việc nghiên cứu, học tập kinh điển để làm cơ sở y cứ việc hành trì chứng ngộ.

Về khía cạnh di sản, chùa Vĩnh Nghiêm cùng với dấu tích của các ngôi chùa thời Trần bên phía tây dãy Yên Tử thuộc địa bàn tỉnh Bắc Giang có một giá trị văn hóa quan trọng trong không gian Phật giáo Yên Tử. Đây là ngôi chùa cổ có từ thời Lý, đến thế kỷ XIII được Phật hoàng Trần Nhân Tông làm trụ sở trung tâm của Phật giáo Trúc Lâm, là nơi các thiền sư và thiền sinh, cư sĩ nghiên cứu Phật pháp và núi Yên Tử làm nơi hành thiền. Như vậy con đường từ chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) phía tây Yên Tử đến núi Yên Tử (Quảng Ninh) phía đông Yên Tử chính là con đường hoằng dương Phật pháp của Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Qua các phương tiện thông tin đại chúng chúng tôi biết hiện nay Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang đang hoàn thiện đề án khôi phục không gian văn hóa Phật giáo Tây Yên Tử với mục tiêu “tạo thành một quần thể các công trình tôn giáo, giúp hồi sinh lại thánh địa Phật giáo Trúc Lâm – một điểm nhấn về du lịch văn hóa tâm linh, mang đậm các bản sắc riêng cho tỉnh Bắc Giang”. Một trong những thách thức của đề án này là làm sao để đề án thể hiện quan điểm phát triển phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, gắn với việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, cảnh quan thiên nhiên. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XIX cũng khẳng định mục tiêu “gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa.”

Bài viết này dựa trên đường hướng lấy giá trị làm gốc (values-based approach), một đường hướng được phát triển vào thập niên 1980 tại các quốc gia châu Âu, đối với việc bảo tồn các di sản văn hóa kể cả di sản tâm linh. Đường hướng này cho rằng khi quyết định xây dựng và bảo tồn các di sản văn hóa cần xác định rõ cái gì là giá trị quan trọng trong di sản văn hóa cần được bảo tồn, quan trọng về mặt nào và quan trọng với ai. Giá trị của di sản được định nghĩa là “giá trị mỹ học, lịch sử, khoa học, xã hội hoặc tâm linh đối với các thế hệ quá khứ, hiện tại và tương lai.” Dựa trên đường hướng lấy giá trị làm gốc, trong bài viết này chúng tôi đưa ra một gợi ý về việc xây dựng không gian Phật giáo Bắc Giang theo triết lý của Cư trần lạc đạo. Nội dung chính của bài viết là làm sao xây dựng được một không gian Phật giáo thể hiện được tinh thần trung đạo của Cư trần lạc đạo, kết hợp hài hòa giữa phát triển giá trị văn hóa Phật giáo Trúc Lâm với phát triển kinh tế, xã hội đồng thời xiển dương những giá trị to lớn của Phật giáo Trúc Lâm trong một Thế giới đang gắn kết với nhau dưới tác động của kinh tế thị trường và công nghệ 4.0.

2. BÀI HỌC TỪ “CƯ TRẦN LẠC ĐẠO”

Cuối đời Lý đầu Trần, nước ta phải đối diện các vấn đề khủng hoảng khiến thiền sư Đạo Huệ than “loạn lạc tứ tung do tham ái mà tới”. Trong bối cảnh đó, Trần Nhân Tông lập ra Thiền phái Trúc Lâm thể hiện ý chí của Ngài là xây dựng một quốc gia Đại Việt độc lập cả về lãnh thổ, chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục và tín ngưỡng tâm lý bằng minh triết của Đại Việt. Minh triết đó được cụ thể hóa bằng triết lý Cư trần lạc đạo được diễn đạt đơn giản bằng một ngôn ngữ bình dân:

Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Đói ăn, mệt mỏi phải ngủ liền
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Đối cảnh vô tâm chơ hỏi Thiền
(Bản dịch của Nguyễn Thanh Huy)

Có thể nói Cư trần lạc đạo là sự kết tinh những gì tinh túy nhất của các dòng thiền hiện có lúc bấy giờ như Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường, của sự kết hợp Nho – Lão – Phật thể hiện tư tưởng “tam giáo đồng nguyên, hào quang đồng trần” với truyền thống tâm linh Phật giáo Việt Nam. Từ tuệ giác và định lực của mình, Trần Nhân Tông đã xây dựng một triết lý trung đạo, hay triết lý hành động thực tiễn được gói gọn trong hai từ: Cư trần và lạc đạo. Trần Nhân Tông đã vượt lên tư tưởng nhị nguyên đương thời đối lập đời với đạo để làm cho đạo và đời hòa quyện vào nhau: trong đạo có đời; trong đạo có đời. Đó chính là tinh thần nhập thế của Thiền phái Trúc Lâm – Yên Tử để làm cho Phật giáo Việt Nam thuần Việt, không giống với bất cứ trường phái Phật giáo nào khác. Cái vĩ đại trong tư tưởng nhất nguyên luận của Cư trần lạc đạo, “vượt lên trên cái nhìn nhị nguyên, không thuộc thế gian, cũng không thuộc xuất thế gian nhưng không xa rời chúng”. Nói cách khác, nhất nguyên luận không phải là sự quy giản đạo và đời vào một sự thống nhất bản thể mà là đạo vẫn là đạo, đời vẫn là đời nhưng đạo và đời có quan hệ hữu cơ với nhau, tương hỗ với nhau theo nguyên lý duyên khởi của tư tưởng Hoa Nghiêm. Chính triết lý “cư trần lạc đạo” này đã làm cho Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước cũng như trong công cuộc kiến thiết xây dựng, giao lưu, hội nhập kinh tế và văn hóa của dân tộc Việt Nam bằng sức mạnh và khát vọng Việt Nam.

“Cư trần” là nền móng, là vấn đề cơ bản nhất của con người. Do vậy, các giáo lý nhà Phật phải gắn với đời sống bình dị, tự nhiên của con người, của đất nước và của thời đại. Chưa “cư trần” thì đừng nói gì đến “lạc đạo”. Chưa giải quyết được những vấn đề con người đang phải đối mặt trong thực tế thường nhật mà cứ nói đến những giáo lý cao xa, huyền diệu thì đó chỉ là những lời giáo điều, không thể đi vào lòng người. Mọi giáo lý nếu không xuất phát từ thực tế và không giúp giải quyết những vấn đề do thực tế cuộc sống đặt ra, không mang lại sự an lạc cho con người thì dù có hay mấy đi nữa những giáo lý đó chỉ là sự giáo điều.

Lạc đạo khi dựa trên “cư trần” thì chính là con đường tìm lại chính mình. Con đường đó được khơi mở bằng suối nguồn tâm linh và đưa con người đến chỗ nhận ra Phật không ở đâu xa mà Phật ở ngay chính trong ta, hay “Phật là ta”. Nói theo lời của Quốc sư Phù Vân thì, “trong núi vốn không có Phật, Phật ở ngay trong lòng, lòng lặng mà hiểu, đó chính là chân Phật”. Thiên đường không đâu xa mà thiên đường ở ngay trong cuộc sống của mỗi con người khi họ nhận ra Phật trong chính thân thể họ. Như vậy, “lạc đạo” là tùy duyên. Tùy duyên là biết sống thích ứng theo môi trường tự nhiên, môi trường xã hội và hơi thở của thời đại. Tùy duyên không phải là sống buông thả như cánh bèo trôi trên sông. Tùy duyên là sống theo minh triết rằng tất cả vạn pháp hiện hữu đều do duyên sinh, duyên khởi, tương tục và tương tác. Đó là con đường “lạc đạo”. Cư trần lạc đạo của kẻ đắc pháp không phải là cái tùy tục vô nguyên tắc, đem cái lòng tục hòa với cái tục của đời. Điều vĩ đại của triết lý Cư trần lạc đạo là ở trung đạo, hợp nhất giữa thiên đường và hạ giới, giữa trần tục và thiêng liêng, giữa vật chất và tinh thần, giữa chủ nghĩa duy vật và duy linh.

“Cư trần” hàm nghĩa không thể bỏ qua đời sống vật chất, không thể không quan tâm đến phát triển cuộc sống vật chất vì suy cho cùng “có thực mới vực được đạo”. Nhưng phát triển kinh tế theo con đường vô minh thì sẽ mang đến kết quả tự hủy diệt. Phát triển kinh tế theo tinh thần “lạc đạo” là làm giàu để giúp tha nhân giàu, kinh doanh là mang lại lợi ích cho cộng đồng.

Cư trần lạc đạo không chỉ là Phật pháp mà còn là một triết lý sống cho mọi chúng sinh. Do cuộc sống biến đổi không ngừng, khó lường nên con người cần hiểu đạo tùy duyên, lấy đó làm ánh đuốc soi cho con đường đời của mình để có thể sống an vui. Để hiểu được đạo tùy duyên thì phải thực hành tu tập chuyển hóa thân tâm bằng con đường hướng nội. Ở quy mô dân tộc, một dân tộc biết tìm sức mạnh của chính mình ngay trong những giá trị tinh thần của dân tộc thì dân tộc đó sẽ có một sức mạnh đoàn kết toàn dân không một kẻ thù nào có thể chinh phục được. Đây là một giá trị văn hóa và lịch sử vô giá đối với dân tộc Việt Nam ta và các thế hệ người Việt Nam có trách nhiệm giữ gìn, phát huy và quảng bá giá trị đó với nhân loại.

Triết lý trong Cư trần lạc đạo có thể gói gọn vào mấy từ nhập thế, tùy tục, tùy duyên nhưng bất biến để thích ứng với những biến động không ngừng của cuộc sống tự nhiên và xã hội. Trong một Thế giới đang thay đổi nhanh chóng vượt lên mọi dự báo dưới tác động của toàn cầu hóa, chủ nghĩa tân tự do, công nghệ số, biến đổi khí hậu, chiến tranh, dịch bệnh, như Thế giới chúng ta đang trải qua thì triết lý này là vô giá, là cái bến bờ vững chắc nơi mỗi con người, mỗi quốc gia neo đậu. Vì vậy, triết lý này cần được phát triển, cần được xiển dương muôn đời. Đây là nền móng cho ý tưởng xây dựng không gian Phật giáo Tây Yên Tử.

3. NHỮNG GỢI Ý CHO VIỆC XÂY DỰNG KHÔNG GIAN VĂN HÓA PHẬT GIÁO TÂY YÊN TỬ THEO TRIẾT LÝ CƯ TRẦN LẠC ĐẠO

Nói đến không gian văn hóa Phật giáo là nói đến một không gian văn hóa tiêu biểu đặc sắc gắn liền với lịch sử phát triển Phật giáo tại một không gian và thời gian cụ thể. Không gian văn hóa Phật giáo đó phải mang đậm những giá trị tiêu biểu của tư tưởng Phật giáo có tầm ảnh hưởng sâu rộng không chỉ ở phạm vi địa phương mà còn ở phạm vi quốc gia, dân tộc. Giá trị đó ở không gian văn hóa Bắc Giang chính là giá trị văn hóa của dòng Thiền Trúc Lâm – Yên Tử được thể hiện trong Cư trần lạc đạo của Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Nói đến không gian Phật giáo Tây Yên Tử là nói đến một di sản văn hóa. Mọi di sản văn hóa đều có hai bình diện: bình diện vật chất hay văn hóa vật thể và bình diện phi vật thể. Bình diện vật chất bao gồm chùa, tượng, các vật thể văn hóa, cảnh quan còn bình diện phi vật chất là những lễ hội, giá trị, tín ngưỡng, đức tin, v.v… Hai bình diện đó là hai mặt của “đồng xu di sản văn hóa”, không thể có cái này mà không có cái kia. Di sản văn hóa là một thành tố quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc, hàm chứa những ý nghĩa và giá trị của một quốc gia trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Trong bối cảnh phát triển hiện nay, di sản văn hóa được coi như vừa là động lực vừa là chất xúc tác cho sự phát triển kinh tế – xã hội. Di sản có thể tự nó là một ngành kinh tế dưới cái tên “ngành công nghiệp di sản” hay một thành tố của phát triển kinh tế, hay là một công cụ để quản lý kinh tế ở các quy mô không gian khác nhau như quốc tế hay quốc gia, quốc gia hay địa phương. Nói một cách ngắn gọn thì di sản văn hóa vừa là một thành tố của quá trình phát triển kinh tế – xã hội vừa là công cụ cho quá trình đó. Theo nghĩa đó, di sản văn hóa là một loại vốn văn hóa (cultural capital). Ngoài giá trị kinh tế do di sản văn hóa mang lại, giá trị văn hóa của di sản văn hóa ở chỗ mở rộng kiến thức về lịch sử gắn với di sản hay còn gọi là giá trị văn hóa đặc thù của di sản. Chính những giá trị văn hóa phi vật thể mang tính đặc thù của di sản là yếu tố thu hút khách du lịch từ các nền văn hóa khác. Khác với tài nguyên thiên nhiên, giá trị văn hóa nếu biết khai thác với tinh thần tỉnh thức của đạo Phật thì giá trị đó sẽ là, càng khai thác càng phát triển. Triết lý trung đạo gắn đời với đạo, trong đạo có đời, trong đời có đạo của Cư trần lạc đạo sẽ soi sáng, giúp tìm ra cách biến những giá trị văn hóa phi vật thể trong không gian văn hóa Phật giáo của tỉnh Bắc Giang thành tài nguyên, thành sức mạnh nội sinh và động lực phát triển của địa phương.

Xuyên suốt triết lý Cư trần lạc đạo là tùy duyên đem đạo vào đời hay còn gọi là nhập thế. Vận dụng triết lý này vào xây dựng không gian văn hóa Phật giáo Bắc Giang là tùy duyên đưa di sản văn hóa vào mục tiêu phát triển kinh tế. Lấy văn hóa để phát triển kinh tế và lấy thành tựu phát triển kinh tế để bảo tồn và làm giàu văn hóa chính là tư tưởng của cư trần lạc đạo, phát triển hài hòa đời sống vật chất và đời sống tâm linh “sống đời vui đạo”, đạo và đời đan quyện vào nhau, biết nuôi dưỡng hạnh phúc cuộc đời từ tâm của mỗi cá nhân. Giá trị tâm linh lớn nhất vượt thời gian và không gian trong Cư trần lạc đạo là Phật ở trong ta, Phật là ta, là lạc đạo.

Thách thức lớn nhất đối với những người có trách nhiệm quy hoạch, xây dựng và quản lý không gian văn hóa Phật giáo Bắc Giang là tạo ra được sự hài hòa giữa đạo và đời, giữa mục tiêu giữ gìn và phát triển giá trị của di sản văn hóa Phật giáo mà cha ông để lại với mục tiêu biến giá trị di sản văn hóa thành giá trị kinh tế. Nếu chỉ chú trọng vào khía cạnh kinh tế thì di sản văn hóa giống như một ngôi nhà chứa đầy của cải nhưng vắng chủ nhà còn nếu bỏ qua khía cạnh kinh tế của di sản thì di sản chỉ là một cái nhà trống rỗng. Di sản văn hóa cần kinh tế để duy trì và phát triển như dòng sông cần có nước để không bao giờ khô cạn; kinh tế cần các giá trị ẩn chứa trong di sản văn hóa để có thêm sức sống như cây xanh cần nguồn nước, nguồn thức ăn từ đất để vươn cao. Văn hóa và kinh tế là đôi cánh để con chim bay cao, bay xa. Con đường đi đến sự hài hòa đó nằm trong triết lý của Phật giáo Trúc Lâm – Yên Tử thể hiện trong Cư trần lạc đạo và trong bài kệ của Huyền Quang Tam Tổ:

Vào chưng cõi Thánh thênh thênh,
Thoát rẽ lòng phàm phây phấy,
Bao nhiêu phong nguyệt, thề thốt chẳng cùng,
Hễ cảnh giang sơn, ai nhìn thấy đấy

Sự hài hòa đó là để du khách đến với không gian Phật giáo Bắc Giang có cảm nhận mỗi bước chân là một bước đi vào cảnh giới giác ngộ, cảnh giới của một tâm thức bừng sáng, xả ly hết mọi vọng niệm. Sau một chuyến đi như vậy mọi du khách dù là người Việt Nam hay người nước ngoài đều ngộ được phần nào chân lý “Vậy mới hay, Bụt ở trong nhà. Chẳng phải tìm xa, Nhân khuấy bổn nên ta tìm Bụt, Đến cố hay chỉn Bụt là ta”. Khi trở về nhà, con người dần dần nhận ra giá trị đích thực của đời người đã được Trần Thái Tông chỉ ra là “Công danh rất mực chỉ là giấc mộng to, Phú quý hơn người cũng tránh vô thường hai chữ. Cậy mình cậy nó, rút cuộc thành không; Khoe giỏi khoe tài, cuối cùng chẳng thực: Gió lửa tan tành kể chi già trẻ, Núi khe mòn mỏi mấy anh hùng”.

Về quy hoạch, triết lý trong “Cư trần lạc đạo” gợi lên những điều bổ ích cho dự án xây dựng không gian văn hóa Phật giáo Tây Yên Tử. Đó là cần tránh việc xây dựng những chùa, tượng quá nguy nga, dẫn đến việc lãng phí nguồn lực và hủy hoại môi trường. Về vấn đề này chúng tôi xin nhắc lại câu chuyện giữa Bồ Đề Đạt Ma và hoàng đế Trung Hoa, Vũ Đế, người đã cải đạo cả Trung Quốc sang Phật giáo, chuyển từ Khổng Tử sang Phật Thích Ca Mâu Ni. Khi Bồ Đề Đạt Ma đến Trung Quốc, Vũ Đế ra đón và hỏi Bồ Đề Đạt Ma: “Trẫm đã hiến dâng toàn bộ của cải, quân đội, vương triều của mình – mọi thứ trẫm có – để cải đạo toàn bộ vùng đất rộng lớn này sang Phật giáo, và trẫm đã xây hàng ngàn ngôi chùa cho Đức Phật. Vậy trẫm sẽ được gì ở Thế giới bên kia?”. Bồ Đề Đạt Ma trả lời Vũ Đế: “Tất cả những việc bệ hạ đã làm đều hoàn toàn vô nghĩa. Bệ hạ thậm chí còn chưa bắt đầu hành trình này, bệ hạ còn chưa đặt bước chân đầu tiên. Bệ hạ sẽ bị đày xuống bảy tầng địa ngục – hãy nhớ lời bần tăng. Mọi việc ngài đã làm đều xuất phát từ lòng tham, và những gì được làm bởi lòng tham không thể giúp ngài trở thành người có đạo đức được. Bệ hạ đã từ bỏ rất nhiều của cải vật chất, nhưng ngài không từ bỏ chúng một cách vô điều kiện. Ngài đang mặc cả; đó là một cuộc giao dịch. Ngài đang giao dịch với Thế giới bên kia. Ngài đang tính toán thiệt hơn, bởi vì Thế giới này chỉ là thoáng chốc – ngày mai có thể ngài không còn trên đời này nữa – và các tu sĩ kia đã nói với ngài rằng Thế giới bên kia là vĩnh hằng. Vậy ngài đang thật sự làm gì? Từ bỏ kho báu nhất thời để đổi lấy kho báu vĩnh hằng – đó là một giao dịch có lợi! Ngài đang cố lừa dối ai vậy?”. Ở Việt Nam vào cuối đời nhà Lý cuộc khủng hoảng xã hội và cả khủng hoảng Phật giáo đã xảy ra và cuộc khủng hoảng này là một nguyên nhân chính dẫn đến sự sụp đổ của vương triều nhà Lý. Nguyễn Lang đã lý giải nguyên nhân đưa đến cuộc khủng hoảng này như sau: “Khi đạo Phật được vua chúa quý trọng thì các nhà quyền quý và trăm họ đều hướng vào. Chùa chiền càng nhiều thì nếp sống thanh quy càng khó có thể bảo đảm được. Tăng chúng càng đông thì càng có nhiều phần tử bất hảo làm hại thanh danh tăng đoàn, sự kính trọng càng nhiều thì niềm kiêu hãnh càng thêm cao. Sự cúng dường càng hậu thì sự ỷ lại càng tăng. Suy đồi là do ở chỗ đó”. Nên chăng cần lưu ý vấn đề này khi quy hoạch không gian văn hóa Phật giáo Bắc Giang? Nên chăng, cần nhấn mạnh đến các đặc trưng kiến trúc không gian, khiêm cung, giản dị, hài hòa, cân đối phù hợp với không gian tâm linh và gắn kết hữu cơ với cảnh quan môi trường trong quy hoạch để tạo ra một không gian sinh thái – tâm linh.

Chúng tôi cho rằng trong không gian văn hóa Phật giáo Bắc Giang chùa Vĩnh Nghiêm cần giữ vị trí làm tâm điểm. Từ những bài viết về các vị sư tổ như Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang của Phật giáo Trúc Lâm và các bài về chùa Vĩnh Nghiêm chúng tôi suy luận rằng chùa Vĩnh Nghiêm là nơi các Thiền sư, đặc biệt là Pháp Loa, thuyết giảng kinh điển còn Yên Tử là nơi thiền luyện. Điều này được minh chứng qua nhận định của Hòa thượng Thích Thanh Từ rằng: “Thiền phái Trúc Lâm vừa tu thiền vừa học kinh điển.” Do vậy, chùa Vĩnh Nghiêm cần được quy hoạch và xây dựng thành một bảo tàng về các giá trị văn hóa của Phật giáo Trúc Lâm với vai trò là trường đại học Phật giáo đầu tiên ở nước ta. Đây sẽ là nơi du khách cũng như các học giả quan tâm đến Phật giáo Việt Nam nói chung và Thiền phái Trúc Lâm nói riêng có cơ hội tìm hiểu sâu về quá trình hình thành tư tưởng nhập thể của Thiền phái Trúc Lâm và những đặc trưng nổi bật của dòng Thiền này trong dòng chảy lịch sử Việt Nam, góp phần làm nên sức mạnh Việt Nam và tâm hồn cốt cách của con người Việt Nam. Đến chùa Vĩnh Nghiêm, du khách không chỉ lễ bái, cầu an mà quan trọng hơn là có trải nghiệm “thiền tâm” như trong câu ca dao từ ngàn đời:

Ai qua Yên Tử, Quỳnh Lâm
Vĩnh Nghiêm chưa tới, thiền tâm chưa đành.

Đến chùa Vĩnh Nghiêm, du khách và các học giả có cơ hội hiểu được “Tinh thần của Thiền học Trúc Lâm là thiền học dân tộc, nghĩa là một mặt không ngừng phát triển tận cùng khả năng giác ngộ giải thoát để vươn lên đỉnh cao của con người: giác ngộ giải thoát hoàn toàn; mặt khác không ngừng tích cực, xây dựng an lành cho chúng sinh bằng cách trước hết phục vụ đất nước, dân tộc, những người gần mình và có ân nghĩa đối với cuộc sống của mình”. Cần xiển dương và khai thác những giá trị này và giúp du khách hiểu được Trần Nhân Tông đã vận dụng triết lý duyên khởi trong tư tưởng Hoa Nghiêm vào Cư trần lạc đạo như thế nào để hình thành tư tưởng Phật giáo nhập thế Việt Nam, lấy tùy tục để nhập thế, khẳng định giác ngộ hiện hữu ngay trong cuộc sống thường nhật của con người khi con người biết sống đạo đức nhân nghĩa với người khác, biết đóng góp cho đời và cũng là cho đạo; giác ngộ giữa đời trần tục như vậy mới là giác ngộ ở bậc cao. Chính tư tưởng đó đã tạo ra một giá trị văn hóa làm nên sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc. Cần làm sống lại tư tưởng đó trong tâm trí du khách đến với chùa Vĩnh Nghiêm theo tinh thần của Trần Nhân Tông là “mỗi lần nhắc lại một lần mới” qua sự tiếp nhận và lý giải khác nhau của du khách dựa trên trải nghiệm cá nhân. Nghệ thuật ngôn ngữ và âm nhạc là những hoạt động siêu biên giới, là những giá trị văn hóa phi vật thể mang lại bản sắc riêng của địa phương và là một phương tiện hoằng pháp đặc thù. Trong không gian của chùa Vĩnh Nghiêm cần có các hoạt động nghệ thuật không chỉ vào dịp lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm mà phải được tổ chức thường xuyên phục vụ du khách. Các hoạt động nghệ thuật ở đây phải thấm đẫm triết lý Cư trần lạc đạo vì đời mà vào đời nhưng chất tuệ giác và linh hoạt không mất. Do vậy cần nghiên cứu các loại hình nghệ thuật ở không gian chùa sao cho hoạt động nghệ thuật bảo đảm tính nguyên vẹn Cư trần lạc đạo cả trong nội dung lẫn chức năng. Các hình thái nghệ thuật đó cần đa dạng tương thích với đời sống thực tiễn đa dạng, biến các hoạt động nghệ thuật ở đây thành những phương tiện hữu hiện để đem đạo vào đời.

Về các hoạt động, ngoài việc được tham gia và tìm hiểu những nghi lễ tôn giáo như Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm, du khách cũng có cơ hội được giới thiệu về các giá trị văn hóa của Thiền phái Trúc Lâm, được tham gia các hoạt động khơi dậy lòng kính yêu Tam bảo như tham gia các khóa thiền với thời gian linh hoạt từ vài giờ đến vài tuần, vài tháng. Những khóa thiền tập kết hợp với giới thiệu về các giá trị văn hóa của Phật giáo Trúc Lâm dành cho học sinh, sinh viên vào dịp nghỉ lễ hay nghỉ hè là một hoạt động rất nên có. Để làm được việc đó cần có những cơ sở thiền tập cũng như nơi ăn nghỉ giản dị, thanh tịnh nhưng vệ sinh và lịch sự cho du khách và các thiền sư hướng dẫn du khách.

Về kinh tế, ngành kinh tế chủ đạo theo tinh thần đạo – đời là một của không gian văn hóa Phật giáo Tây Yên Tử chính là du lịch tâm linh. Trong những năm gần đây, du lịch tâm linh đang nổi lên là một ngành du lịch mũi nhọn ở các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam. Thực tế này là bằng chúng cho thấy những dự báo của các triết gia như Karl Marx hay các nhà kinh tế theo lý thuyết tiến hóa như Taylor cho rằng sự phát triển của khoa học kỹ thuật sẽ là sự cáo chung của đời sống tâm linh.
Du lịch tâm linh không phải là cái gì xa lạ với người dân Việt Nam. Trên thực tế, du lịch tâm linh đã hiện diện trong đời sống người dân Việt Nam hàng chục năm nay với tên gọi như “du lịch về nguồn” hay “du lịch văn hóa”. Tuy nhiên, cho mãi đến gần đây qua dòng chảy văn hóa toàn cầu, khái niệm “du lịch tâm linh” mới xuất hiện trong vốn từ vựng tiếng Việt do vậy ai cũng nói về du lịch tâm linh nhưng không phải ai cũng hiểu đúng khái niệm này kể cả những người làm doanh nghiệp du lịch tâm linh. Chúng tôi thấy cần nhắc lại ở đây hai định nghĩa về du lịch tâm linh của hai tác giả Việt Nam, một tác giả là chính khách là nhà quản lý ngành du lịch Việt Nam và một tác giả là phật tử – học giả. Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho rằng: “Xét về nội dung và tính chất hoạt động, du lịch tâm linh thực chất là loại hình du lịch văn hóa, lấy yếu tố văn hóa tâm linh vừa làm cơ sở vừa làm mục tiêu nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh của con người trong đời sống tinh thần. Mục đích chính là tìm hiểu các triết lý, giáo pháp khiến cho con người trầm tĩnh, để tâm hồn thư thái, cải thiện sức khỏe và cảm nhận chính bản thân mình”.

Hòa thượng Thích Đạt Đạo cho rằng, “Du lịch tâm linh là tìm hiểu văn hóa, giá trị truyền thống bằng cách thăm viếng từ tâm trí, nuôi dưỡng và mở rộng sự hiểu biết hướng về cái thiện, hòa hợp với thiên nhiên, đồng loại, chúng sinh; nâng cao được giá trị tâm linh, hiểu rõ hơn về tâm linh, đặc biệt đối với Phật giáo là hiểu hơn về chân lý giải thoát, giá trị chân thực của cuộc sống hiện tại”.

Mặc dù du lịch tâm linh đang có xu hướng phát triển mạnh trong những năm gần đây, điều đáng quan tâm là du lịch tâm lịch ở Việt Nam chưa đúng với bản chất của ngành kinh tế này căn cứ vào hai định nghĩa về du lịch tâm linh nêu trên. Du lịch tâm linh ở Việt Nam ngày càng mang màu sắc mê tín, bị các lực lượng của thị trường chi phối, chỉ quan tâm đến việc thờ cúng, cầu xin, mua bán. Phần đông du khách trong các chuyến du lịch tâm linh “chưa hiểu những vấn đề cơ bản về tâm linh, chưa chuẩn bị đầy đủ tâm thế đến với du lịch tâm linh, còn nhầm lẫn giữa tâm linh, tín ngưỡng và tôn giáo. Do đó, khách tham gia du lịch tâm linh để xin mua rẻ, bán đắt, xin học hành đỗ đạt, cầu may, kiếm nhiều lời, xin thăng quan tiến chức hoặc sa vào duy tâm thần bí, mê tín, dị đoan.” Nhiều nơi các doanh nghiệp coi du lịch tâm linh là ngành kinh tế siêu lợi nhuận nên đua nhau xây các quần thể chùa chiến thật to để thu tiền của du khách từ các dịch vụ nảy sinh. Không ít người Việt Nam hôm nay nói là tham gia du lịch tâm linh nhưng thực tế là tham gia du lịch tôn giáo.

Ngay cả khía cạnh tôn giáo đối với nhiều du khách vẫn mang nặng bản chất ma thuật của thời kỳ nguyên thủy của tôn giáo, chủ yếu dựa vào nghi lễ cúng tế, dâng lễ cho thần linh để thần linh ban phước, giúp đỡ, bảo vệ. Các cơ sở có các địa điểm du lịch tâm linh lợi dụng tâm lý này để kiếm lợi về kinh tế.

Thực tế cho thấy có những nơi chốn ta đi qua trong một chuyến du lịch tâm linh không để lại trong ta điều gì; vì những gì chúng ta trải qua ở nơi ta đến không làm cho tâm của ta lặng được bởi những lời chào mời của những người bán hàng, bởi thái độ của những người phục vụ và bởi không khí ngột ngạt, ô nhiễm do hương khói và vàng mã. “Nếu tình trạng này còn tiếp diễn, hậu quả sẽ không chỉ là nguy cơ phá vỡ cảnh quan vốn hài hòa của di tích, mà còn góp phần tạo nên tình trạng ngày càng thương mại hóa đời sống tâm linh, xúc phạm niềm tin tín ngưỡng của cộng đồng”.

Giá trị kinh tế của di sản văn hóa không nằm ở tiền bán vé vào cửa và những đồng tiền lẻ du khách đặt vào hòm công đức mà ở những dịch vụ đi theo như khách sạn, nhà hàng, ẩm thực, đồ lưu niệm thủ công mang đặc thù của địa phương và các dịch vụ giúp du khách trải nghiệm văn hóa gắn và tìm hiểu những giá trị phi vật thể gắn với di sản.

Mong sao không gian văn hóa Phật giáo Bắc Giang sẽ không lặp lại những điều trái với văn hóa, trái với Phật pháp, trái với tư tưởng cư trần lạc đạo của Phật hoàng Trần Nhân Tông và các sư tổ của Thiền phái Trúc Lâm. Tránh được điều đó du lịch tâm linh sẽ trở về đúng bản chất của nó là đem lại cho du khách những giá trị tinh thần cao đẹp của con người Việt Nam dẫu phải trải qua bao gian lao, thiếu thốn vẫn kiến lập cõi Phật ngay giữa cõi đời. Triết lý cư trần lạc đạo là triết lý vì cuộc sống của con người, hướng con người đến cuộc sống gắn bó hài hòa với thiên nhiên, tránh tư tưởng tham dục, mưu cầu quá độ đến mức làm mất đi sự cân bằng giữa lợi ích cá nhân, lợi ích tha nhân và lợi ích của mọi vật trong môi trường. Đó chính là triết lý trung đạo, triết lý nhập thế của Cư trần lạc đạo, không tách đời khỏi đạo, đạo và đời hòa quyện vào nhau cùng duyên khởi. Phát triển du lịch tâm linh theo tinh thần cư trần lạc đạo sẽ bảo đảm cho nguyên tắc không hy sinh di sản vì lợi ích kinh tế, tạo ra sự hài hòa về lợi ích giữa doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, phát huy vai trò chủ nhân của cộng đồng địa phương trong phát triển, giữ gìn và hưởng lợi từ di sản văn hóa. Phát triển du lịch tâm linh không đơn giản chỉ là phục hồi lại các lễ nghi Phật giáo ở địa phương và xây dựng lên những ngôi chùa mới hoành tráng theo kiến trúc hiện đại. Nói tóm lại, phát triển du lịch tâm linh theo tinh thần của cư trần lạc đạo là đi theo con đường trung đạo biến di sản văn hóa thành nguồn lợi kinh tế bằng sự tỉnh thức và dùng nguồn lợi kinh tế do di sản mang lại để duy trì và làm phong phú hơn giá trị văn hóa của di sản. Hy vọng không gian Phật giáo Bắc Giang sẽ là nơi du khách và các học giả có cảm nhận được suy tư của Huyền Quang Tam Tổ trong bài Vịnh Vân Yên Tử phú: “Vào chưng cõi thánh thênh thênh, Thoát rẽ lòng phàm phây phấy, Bao nhiêu phong nguyệt, Bao nhiêu phong nguyệt, thề thốt chẳng cùng, Hễ cảnh giang sơn, ai nhìn thấy đấy”.

4. KẾT LUẬN

Xây dựng không gian văn hóa Phật giáo Tây Yên Tử là một công việc phức tạp, đòi hỏi một phương pháp liên ngành và siêu ngành với sự tham gia của các nhà Phật học, sử học, văn hóa học, kinh tế học, môi trường học, giáo dục học và các chính trị gia. Bài viết này dựa trên đường hướng lấy giá trị làm gốc cho việc bảo tồn di sản văn hóa. Chúng tôi cho rằng giá trị của trung tâm Phật giáo Bắc Giang chính là giá trị của tinh thần nhập thế, “sống đời vui đạo”, kết hợp hài hòa giữa đạo và đời , giữa vật chất và tâm linh, giữa phát triển kinh tế và bảo tồn văn hóa được thể hiện trong Cư trần lạc đạo của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Trong bài viết chúng tôi đã phân tích những giá trị này và cho rằng đó là những giá trị trường tồn vượt qua giới hạn không gian và thời gian, làm nên hồn cốt trong văn hóa Việt Nam. Những giá trị đó có ý nghĩa rất lớn không những đối với các thế hệ người Việt mà còn đối với nhân loại trong thế kỷ XXI. Từ đó chúng tôi đề xuất việc lấy tư tưởng Cư trần lạc đạo làm kim chỉ nam cho việc xây dựng không gian văn hóa Phật giáo Bắc Giang với tinh thần vừa bảo tồn được những giá trị của Thiền phái Trúc Lâm – Yên Tử vừa phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Có thể nói thế kỷ XXI là thế kỷ của du lịch tâm linh trên quy mô toàn cầu. Khi chủ nghĩa duy lý đạt đến đỉnh cao và đi vào ngõ cụt thì tâm linh sẽ được quan tâm đúng với vai trò của nó trong đời sống nhân loại. Trong Thế giới hiện nay, mặc dù đời sống vật chất ngày càng tốt lên nhờ những thành tựu vượt bậc của khoa học và công nghệ, khoa học và công nghệ cũng đang đặt con người trước những nguy cơ như sự bất ổn xã hội do khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, xung đột tôn giáo, chiến tranh, dịch bệnh, môi trường bị hủy hoại, biến đổi khí hậu, v.v… Trong một Thế giới như vậy con người sẽ ngày càng quan tâm nhiều hơn đến đời sống tâm linh, và du lịch tâm linh chắc chắn sẽ là một ngành kinh tế mang lại những nguồn lợi kinh tế – xã hội lớn nếu biết khai thác bằng tinh thần tỉnh giác của đạo Phật. Bắc Giang được thừa hưởng một di sản văn hóa dân tộc vô cùng quý giá. Di sản đó sẽ là nguồn lực cho sự phát triển của Bắc Giang nếu nó được khai thác bằng thiện căn, bằng tư duy tùy duyên, thuận theo lẽ tự nhiên theo triết lý Cư trần lạc đạo.

Mọi ý tưởng xây dựng không gian văn hóa Phật giáo Tây Yên Tử phải hướng tới mục đích của Phật hoàng Trần Nhân Tông là làm cho triết lý, tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm thăng hoa, sống mãi trong tâm trí của mỗi người con đất Việt, sống mãi với thời gian, không gian trên đất nước Việt Nam thân thương, vượt ra ngoài biên giới nước Việt Nam để có vị trí xứng đáng trong giá trị văn hóa nhân loại. Hãy để ngọn đuốc triết lý Cư trần lạc đạo soi sáng việc quy hoạch và xây dựng không gian văn hóa Phật giáo Bắc Giang nói chung và không gian văn hóa Phật giáo Tây Yên Tử nói riêng. Triết lý đó là gắn việc phát triển các giá trị văn hóa Phật giáo với phát triển kinh tế – xã hội của địa phương bằng việc coi trọng mối quan hệ quá khứ, hiện tại và tương lai để du khách đến Bắc Giang ai cũng có thể nhận ra dòng chảy văn hóa lịch sử Phật giáo từ đời Lý sang đời Trần và sự gắn kết giữa lịch sử Phật giáo với dòng chảy văn hóa – lịch sử của địa phương. Triết lý đó sẽ làm nên bản sắc rất riêng của không gian văn hóa Phật giáo Bắc Giang với Chùa Vĩnh Nghiêm là “Đại danh lam cổ tử”, là chốn văn hóa tâm linh linh thiêng ở Bắc Giang cho du khách thập phương, là một chốn tổ quan trọng nơi ngọn đuốc trí tuệ Cư trần lạc đạo được thắp sáng và lan tỏa muôn nơi, và là nơi lưu giữ 3, 500 mộc bản được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới – khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

PGS. Lê Văn Canh, Nguyên giảng viên Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN;
ThS. Đào Thị Ngân, Trường THPT Yên Dũng I, Bắc Giang.
Nguồn: Viện Trần Nhân Tông

***

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/xay-dung-khong-gian-van-hoa-phat-giao-tay-yen-tu-bang-triet-ly-cu-tran-lac-dao.html