Xây dựng khu dân cư văn hóa vùng đồng bào công giáo: Cấp ủy sâu sát, người dân đồng lòng
Xây dựng tình đoàn kết lương - giáo, thường xuyên nắm bắt tình hình khu dân cư, phát huy vai trò của cấp ủy, đảng viên, phát động thi đua, khen thưởng kịp thời… là những giải pháp quan trọng được nhiều nơi trên địa bàn tỉnh vận dụng trong xây dựng đời sống văn hóa vùng đồng bào công giáo.
Hăng hái hưởng ứng
Thôn Hố Vầu, xã Tân Hưng (Lạng Giang) có 183 hộ, 695 nhân khẩu, trong đó có hơn 200 giáo dân. Hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trong đó có xây dựng khu dân cư văn hóa, chi bộ tập trung cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo.
Ông Nguyễn Văn Đạt làm Bí thư Chi bộ thôn đến nay được 10 năm, là người công giáo cho biết: “Chi ủy phân công đảng viên phụ trách các tổ liên gia nắm bắt tình hình sản xuất, sinh hoạt, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường… định kỳ báo cáo trước chi bộ vào dịp sinh hoạt hằng tháng để có hướng chỉ đạo”. Chi bộ đặc biệt chú trọng xây dựng mối đoàn kết lương - giáo thông qua các hoạt động tuyên truyền, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Vào Ngày Đại đoàn kết toàn dân tộc (18/11), thôn đều tổ chức khen thưởng các gia đình làm kinh tế giỏi, có con đạt thành tích cao trong học tập. Khi làm các công trình phúc lợi bà con giáo dân đều được biết, bàn bạc công khai, dân chủ.
Phong trào hiến đất làm đường được giáo dân nhiệt tình hưởng ứng. Trước kia, các tuyến đường chính của thôn chỉ rộng khoảng 3 m, quá trình xây dựng, hàng chục hộ giáo dân tình nguyện hiến từ 200-300 m2 đất để mở rộng đường lên 5-6 m. Nhiều năm liền, Hố Vấu đạt danh hiệu thôn văn hóa, được huyện, tỉnh khen thưởng. Năm 2024, Hố Vầu là 1 trong 2 thôn của huyện Lạng Giang được chọn xây dựng điểm mô hình “Làng quân - dân” với những hoạt động nổi bật như: Hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở; nạo vét kênh mương; vệ sinh môi trường; giao lưu văn hóa, thể thao… Mô hình được Ban Dân vận Tỉnh ủy biểu dương.
Toàn tỉnh có gần 33 nghìn giáo dân, sinh sống ở 78 xã, phường, thị trấn của 10/10 huyện, thị xã, thành phố; 14 giáo xứ; 78 họ đạo. Xây dựng khu dân cư văn hóa, cùng với các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, đồng bào công giáo tích cực hưởng ứng gắn với nhiều phong trào, hoạt động xã hội như: Xây dựng nông thôn mới; đô thị văn minh; bảo vệ an ninh Tổ quốc; bảo vệ môi trường... Thông qua phong trào xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến trong lao động, sản xuất, phát triển kinh tế.
Đặc biệt, năm 2024, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu, ở nhiều địa phương, bà con giáo dân chung tay góp sức. Tiêu biểu như họ đạo ở thôn Trám, xã Mỹ Hà (Lạng Giang) hiến đất xây dựng khuôn viên nhà văn hóa, làm đường giao thông nông thôn với tổng diện tích 4.500 m2 cùng 200 ngày công và máy hỗ trợ san lấp mặt bằng; họ đạo thôn Nội, xã Ngọc Thiện (Tân Yên) hiến đất làm đường, nhà văn hóa trị giá hơn 1 tỷ đồng…
Gần dân, sát dân
Tiêu chuẩn danh hiệu khu dân cư văn hóa gồm 5 nhóm nội dung với 27 tiêu chí cụ thể. 5 nhóm nội dung gồm: “Đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển”, “đời sống văn hóa, tinh thần lành mạnh, phong phú”, “môi trường cảnh quan sạch đẹp”, “chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước”, “có tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng”. Để đạt được những tiêu chuẩn, tiêu chí, đòi hỏi phải có sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền cơ sở, từng khu dân cư, mỗi gia đình và người dân.
Xã Nghĩa Trung (thị xã Việt Yên) có 4/9 thôn có đồng bào công giáo sinh sống với hơn 3,5 nghìn giáo dân. Năm 2024, qua bình xét cả 4 thôn có đồng bào công giáo sinh sống đều đạt danh hiệu thôn văn hóa.
Thực tế cho thấy, ở đâu cấp ủy sâu sát cơ sở, gần dân, sát dân, có phương pháp lãnh đạo khoa học, hiệu quả, ở đó tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, KT-XH phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên.
Đồng chí Nguyễn Văn Lộc, Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Trung cho biết, có được kết quả trên, Đảng ủy phân công các đồng chí trong Ban Thường vụ, đảng ủy viên có trình độ, năng lực, kinh nghiệm trong lãnh đạo phụ trách các thôn có đông đồng bào công giáo. Định kỳ, lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã xuống thôn dự họp, đối thoại trực tiếp với nhân dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, chỉ đạo và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền.
Trong số 4 thôn có giáo dân sinh sống, thôn Chung Nghĩa có tỷ lệ người công giáo lớn nhất (chiếm khoảng 70% dân số của thôn), chi bộ có 22 đảng viên, trong đó có 2 đảng viên là người công giáo. Ngoài tích cực tham gia vệ sinh môi trường, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, tuân thủ luật pháp... bà con lương - giáo luôn giúp đỡ nhau phát triển kinh tế. Trong thôn đã thành lập được Hợp tác xã nông nghiệp Chung Nghĩa chuyên sản xuất hoa lay ơn thu hút hàng chục hộ giáo dân tham gia. Những ngày này, bà con giáo dân ở các thôn phấn khởi khi giáng sinh đang đến gần. Hang đá, cây thông Noel được trang trí đẹp ở nhà thờ và các gia đình. Nhân dân tích cực ra quân vệ sinh môi trường, dọn dẹp nhà cửa, tham gia tập văn nghệ chào đón lễ giáng sinh.
Ở xã An Thượng (Yên Thế), 10/10 thôn đều có đồng bào công giáo sinh sống, trong đó 4 thôn có tỷ lệ đồng bào công giáo chiếm từ 70-75%. Hằng năm, tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu văn hóa ở các thôn có đông đồng bào công giáo từ 95% trở lên. Đồng chí Trần Hồng Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã cho biết, ở nhiều hội nghị quan trọng, xã đều mời ban hành giáo tham gia họp để bàn bạc phương án từ đó đi đến thống nhất, tạo đồng thuận.
Năm 2024, toàn tỉnh có 1.942 thôn, bản, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa, đạt tỷ lệ 91,3%, trong thành tích chung ấy có sự đóng góp không nhỏ của đồng bào công giáo. Bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo xây dựng khu dân cư văn hóa ở vùng đồng bào công giáo được cấp ủy ở nhiều địa phương rút ra đó là phải xây dựng tốt mối đoàn kết lương - giáo. Các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước phải thực sự đi vào cuộc sống, có lợi cho dân, cho đất nước. Thực tế cho thấy, ở đâu cấp ủy sâu sát cơ sở, gần dân, sát dân, có phương pháp lãnh đạo khoa học, hiệu quả, ở đó tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên.
Bài, ảnh: Công Doanh