Xây dựng Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn
Sáng 24/12, Ban Quản lý Di tích lịch sử Lam Kinh (Thọ Xuân) đã tổ chức hội nghị góp ý thẩm định hoàn thiện bài thuyết minh tour du lịch; tập huấn, bồi dưỡng cho hướng dẫn viên du lịch tại Lam Kinh.
Dự hội nghị có đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa; các chuyên gia lĩnh vực văn hóa, lịch sử, du lịch; doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn tỉnh và 60 hộ kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn huyện Thọ Xuân.
Khu Di tích lịch sử Lam Kinh là một trong những trọng điểm du lịch văn hóa của tỉnh. Theo các tài liệu lịch sử, năm 1428, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế (Lê Thái Tổ), lập nên vương triều Hậu Lê, đóng đô ở Thăng Long, mở ra thời kỳ phát triển mới cho quốc gia Đại Việt.
Năm 1430, Lê Thái Tổ đổi tên vùng đất Lam Sơn thành Lam Kinh. Kể từ đó, các kiến trúc điện, miếu... cũng bắt đầu được xây dựng tại đây, gắn liền với 2 chức năng chính: Điểm nghỉ ngơi của các vua Lê khi về cúng bái tổ tiên và là nơi ở của quan lại, quân lính thường trực, trông coi Lam Kinh; khu tập trung lăng mộ của tổ tiên, các vị vua, hoàng thái hậu nhà Lê và một số quan lại trong hoàng tộc.
Tại hội nghị, đại diện trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình bày tóm tắt dự thảo nội dung 3 tour du lịch gồm: Tour 1: Điện cổ thành xưa; Tour 2: Lam Kinh - Miền đất cội nguồn tâm linh; Tour 3: Lam Kinh - Linh thiêng miền di sản.
Thảo luận tại hội nghị, các chuyên gia lĩnh vực văn hóa, lịch sử, du lịch cơ bản thống nhất với tên gọi 3 tour du lịch, đồng thời đánh giá cao cách dẫn dắt nội dung các bài thuyết minh. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng bố cục bài thuyết minh cần chặt chẽ hơn; bổ sung sơ đồ tuyến du lịch cụ thể; tour du lịch cần làm nổi bật hơn giá trị của Khu Di tích quốc gia đặc biệt và văn hóa đặc sắc của vùng đất Lam Kinh;...
Các đơn vị lữ hành đề nghị mỗi tour cần xây dựng rõ lịch trình các điểm đến; phân loại đối tượng khách du lịch để xây dựng nội dung thuyết minh phù hợp; hướng dẫn viên tại điểm cần linh hoạt trong quá trình thuyết minh; chọn cơ sở sản xuất bánh gai Tứ Trụ tiêu biểu đưa vào điểm trải nghiệm làng nghề, mua sắm đặc sản địa phương; xây dựng bài thuyết minh ngắn gọn phù hợp để các đơn vị lữ hành đưa vào chương trình; kết nối với các điểm đến du lịch phụ cận;...
Kết luận hội nghị, Trưởng Ban Quản lý Di tích lịch sử Lam Kinh Nguyễn Xuân Toán cảm ơn ý kiến đóng góp của đại diện cơ quản lý Nhà nước, các chuyên gia và doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn tỉnh. Đây là cơ sở quan trọng để Ban Quản lý Di tích lịch sử Lam Kinh phối hợp với Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục hoàn thiện nội dung các bài thuyết minh và phát triển thêm một số tour du lịch kết nối nhằm xây dựng Khu Di tích lịch sử Lam Kinh trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.
Ngay sau hội nghị góp ý thẩm định, hoàn thiện bài thuyết minh, Ban Quản lý Di tích lịch sử Lam Kinh đã tổ chức khai giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho hướng dẫn viên du lịch tại Lam Kinh.