Xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn thành cửa khẩu thông minh, hiện đại
Ngày 8/5, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn đã chủ trì Hội nghị thẩm định Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn đến năm 2045.
Vùng động lực phát triển của tỉnh Lạng Sơn
Theo nội dung Nhiệm vụ, phạm vi lập quy hoạch theo ranh giới thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn bao gồm: Toàn bộ thành phố Lạng Sơn; thị trấn Cao Lộc, thị trấn Đồng Đăng và các xã Bảo Lâm, Hồng Phong, Phú Xá, Thụy Hùng, Thạch Đạn, Bình Trung, Hợp Thành, Yên Trạch, Tân Liên - huyện Cao Lộc; các xã Tân Thanh, Tân Mỹ - huyện Văn Lãng; một phần xã Vân An - huyện Chi Lăng và xã Đồng Giáp - huyện Văn Quan.
Quy mô lập quy hoạch là 39.400ha. Thời hạn lập quy hoạch ngắn hạn đến năm 2035 và dài hạn đến năm 2045.
Quan điểm lập quy hoạch là xây dựng và phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn gắn với xây dựng và phát triển mối quan hệ chính trị hữu nghị, ổn định, bền vững Việt Nam - Trung Quốc; phù hợp với vị trí chiến lược quan trọng của tỉnh Lạng Sơn về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia về biên giới trên đất liền; là cửa khẩu thương mại trên bộ quan trọng nhất của cả nước, là điểm trung chuyển trên bộ quan trọng nhất trong kết nối Trung Quốc - Việt Nam - các nước Đông Nam Á.
Việc xây dựng và phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn phải bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh; phù hợp với quy hoạch tỉnh Lạng Sơn và vùng Trung du và miền núi phía Bắc; khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Mục tiêu lập quy hoạch là cụ thể hóa Quyết định số 1199/QĐ-TTg ngày 14/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 138/2008/QĐ-TTg ngày 14/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Khu kinh tế của khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn.
Tỉnh Lạng Sơn cũng xác định mục tiêu xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn trở thành trung tâm kinh tế cửa khẩu thông minh, hiện đại, năng động, trở thành vùng động lực phát triển, đô thị thông minh, bền vững, bản sắc và kết nối quốc tế; là trung tâm dịch vụ cửa khẩu, logistic quốc gia và quốc tế; là một cực tăng trưởng, trung tâm của tiểu vùng Đông Bắc về kinh tế, du lịch, thương mại, dịch vụ tài chính, nông nghiệp - lâm nghiệp chất lượng cao.
Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn sẽ được xây dựng theo mô hình phát triển thân thiện với môi trường, khai thác hiệu quả vị thế khác biệt, cơ hội nổi trội, thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư, tích cực thu hút và quy tụ nguồn lực sáng tạo, phương thức quản lý mới, tiên tiến; từng bước phát triển nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.
Điều chỉnh Quy hoạch chung sẽ là cơ sở để triển khai các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng, lập các dự án đầu tư trên địa bàn Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn theo quy định và là công cụ pháp lý để quản lý, kiểm soát các hoạt động đầu tư xây dựng và sự phát triển của Khu kinh tế cửa khẩu theo quy hoạch được duyệt.
Hiện tại, dân số của Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn khoảng 175.714 người (chưa tính dân số quy đổi). UBND tỉnh Lạng Sơn dự báo dân số đến năm 2035 sẽ có khoảng 235.000 người, đến năm 2045 có khoảng 295.000 người.
Nhu cầu sử dụng đất xây dựng đến năm 2045 dự báo khoảng 8.200 - 9.000ha. Dự báo quy mô dân số và đất đai sẽ được cụ thể hóa trong quá trình nghiên cứu lập điều chỉnh quy hoạch chung.
Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn có trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch, UBND tỉnh Lạng Sơn trình duyệt, Bộ Xây dựng thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cần xác định rõ phạm vi ranh giới lập quy hoạch
Đóng góp ý kiến cho Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn đến năm 2045, đại diện Vụ Quy hoạch – Kiến trúc, Bộ Xây dựng đề nghị đơn vị tư vấn và địa phương lưu ý nội dung phạm vi lập quy hoạch và tính chất của khu kinh tế cửa khẩu.
Nhiệm vụ phải bám sát Quyết định số 138/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Khu kinh tế của khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn; Phải làm rõ mối quan hệ của thành phố Lạng Sơn mở rộng với Khu kinh tế cửa khẩu; Làm rõ hiện trạng thực hiện quy hoạch cũ, trên cơ sở đó xác định động lực phát triển mới và mục tiêu phát triển cụ thể; Làm rõ mối quan hệ vùng và quốc tế; Xác định rõ đặc thù về vị trí, cảnh quan, tài nguyên…
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng Nhiệm vụ cần làm rõ đánh giá hiện trạng và có so sánh, đối chiếu với quy hoạch đã thực hiện; Đánh giá và đề xuất giải pháp xử lý vấn đề ách tắc hàng hóa tại cửa khẩu; đồng thời nghiên cứu mô hình cửa khẩu thông minh của Trung Quốc.
Đại diện Bộ Ngoại giao đề nghị điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn phải phù hợp Quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đại diện Bộ Quốc phòng lưu ý địa phương và đơn vị tư vấn bổ sung văn bản cụ thể của tỉnh để triển khai Nghị định số 34/2014/NĐ-CP về Quy chế khu vực biên giới đất liền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đồng thời nghiên cứu, phối hợp với lực lượng quốc phòng để đảm bảo an ninh – quốc phòng tại khu vực biên giới.
Trong khi đó, đại diện Bộ Công an nhấn mạnh vai trò của Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn trong việc kết nối hoạt động giao thương của Trung Quốc với các nước ASEAN. Vì vậy, Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung cần đánh giá lợi thế và bất lợi trong kết nối hạ tầng giao thông với Trung Quốc, nhưng cũng phải bảo vệ bí mật an ninh - quốc phòng trong quá trình lập quy hoạch.
Đại diện Bộ Tài chính cho rằng, Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn bổ sung các chính sách đặc thù về phát triển kinh tế. Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị xem lại vai trò của thành phố Lạng Sơn trong phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn...
Phát biểu tại Hội nghị, đại diện UBND tỉnh Lạng Sơn đã trình bày sự cần thiết phải điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn để phù hợp với quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, điều chỉnh quy hoạch phù hợp với tình hình mới. Việc điều chỉnh quy hoạch chung sẽ là bước đi quan trọng để xây dựng mô hình cửa khẩu thông minh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đặc biệt, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên nhấn mạnh, Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung sẽ không thay đổi phạm vi ranh giới lập quy hoạch.
Kết luận Hội nghị thẩm định, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn yêu cầu Nhiệm vụ phải bám sát nội dung Quyết định số 138/2008/QĐ-TTg đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thứ trưởng đề nghị Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu, UBND tỉnh Lạng Sơn và đơn vị tư vấn phải xác định rõ phạm vi ranh giới lập quy hoạch để hưởng cơ chế, chính sách đặc thù.
Nhiệm vụ cần rà soát hiện trạng đầu tư phát triển và cơ sở pháp lý mới được hình thành (theo quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc), đồng thời xem xét lại tính chất, chức năng của Khu kinh tế cửa khẩu.
Quy hoạch cũng phải lưu ý nội dung đảm bảo an ninh – quốc phòng, xác định động lực phát triển của Khu kinh tế cửa khẩu, làm rõ mối quan hệ với các Khu kinh tế cửa khẩu khác.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng còn yêu cầu Nhiệm vụ đánh giá vai trò, vị thế và tiềm năng của Khu kinh tế cửa khẩu; Đề xuất các mô hình phát triển; Rà soát kỹ dự báo quy mô dân số và đất đai; Làm rõ nội dung đất lâm nghiệp, đất rừng; Xác định hạ tầng kỹ thuật kết nối với các khu vực trong và ngoài vùng.