Xây dựng khung chương trình đào tạo báo chí truyền thông trên phạm vi cả nước
Thực hiện chương trình công tác năm 2023 của Ban Tuyên giáo Trung ương, chiều 19/10, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đến thăm và làm việc tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV), Đại học Quốc gia Hà Nội.
Buổi làm việc nhằm kiểm tra đánh giá hoạt động đào tạo bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực chính trị, KHXHNV, trọng tâm là công tác báo chí, xuất bản, truyền thông trong thời gian qua đồng thời chỉ đạo định hướng nhiệm vụ trong thời gian tới.
Phát biểu mở đầu buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhận định, lĩnh vực báo chí truyền thông ở thời kỳ nào cũng được Đảng và Nhà nước rất quan tâm. Một trong những quan điểm lớn của Đại hội khóa XIII đó là tập trung nâng cao chất lượng đào tạo ở cả đội ngũ lãnh đạo, quản lý, đội ngũ phóng viên, biên tập viên, trong đó bao gồm bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề báo, tinh thông về nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu, sứ mệnh của công tác báo chí và truyền thông trong tình hình mới.
"Chương trình công tác trong năm 2023 nghiên cứu sâu tập trung vào công tác báo chí, truyền thông, xuất bản. Sau đó, Ban Tuyên giáo sẽ phối hợp với Bộ GD&ĐT, Bộ TT&TT và một số bộ ngành có liên quan để xây dựng một khung chương trình có phạm vi trong cả nước - những trường nào, hệ thống giáo dục nào đáp ứng được các yêu cầu và tiêu chí trong khung chương trình mới được phép tuyển sinh lĩnh vực báo chí. Bởi vì, báo chí là dưới sự lãnh đạo của Đảng, là lực lượng binh chủng đặc biệt của công tác tuyên truyền, là lực lượng xung kích chiến đấu trong mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng", đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Báo cáo hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực làm công tác báo chí, xuất bản, đồng chí Hoàng Anh Tuấn - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV cho biết, Trường ĐHKHXH&NV thuộc ĐHQGHN được Đảng và Nhà nước coi là một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn lớn nhất đất nước, có nhiệm vụ đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học cơ bản trình độ cao, phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong đó, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (ĐHKHXH&NV) là một trong những cơ sở đào tạo và nghiên cứu báo chí truyền thông có truyền thống và uy tín ở Việt Nam hiện nay.
Viện hướng đến đào tạo cho sinh viên những kiến thức cơ bản, nền tảng và sâu sắc những phông nền kiến thức quan trọng, đặc biệt là các kiến thức về lý luận chính trị, về khoa học xã hội và nhân văn, giúp các nhà báo tương lai có nền tảng tư tưởng vững vàng, bản lĩnh chính trị sâu sắc và sự hiểu biết xã hội toàn diện cùng với kỹ năng nghiệp vụ chuyên sâu.
Đây cũng là một trong ít cơ sở đào tạo báo chí truyền thông có hệ thống trang thiết bị phục vụ đào tạo hiện đại, đồng bộ ở Việt Nam hiện nay. Từ nơi đây, gần 10.000 sinh viên và học viên sau đại học, nghiên cứu sinh đã ra trường, gia nhập cộng đồng báo chí truyền thông cả nước và có nhiều đóng góp đáng ghi nhận.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, chia sẻ ý kiến tại buổi làm việc, các thầy cô tại trường đã nêu một số hạn chế khi hiện nay nhu cầu đào tạo báo chí truyền thông tăng mạnh dẫn tới các cơ sở đào tạo báo chí truyền thông xuất hiện ồ ạt, đặc biệt là việc đào tạo các ngành truyền thông ở hệ thống các trường tư thục chưa đảm bảo yêu cầu cao về năng lực đào tạo.
Sự không rõ ràng trong phân công lao động giữa báo chí, truyền thông, trong xác định cơ hội việc làm ở các ngành truyền thông đã ảnh hưởng đến uy tín của các cơ sở đào tạo có truyền thống và chất lượng.
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ làm công tác đào tạo báo chí và truyền thông tại trường vẫn còn mỏng, có nhiều sự biến động. Việc đầu tư cơ sở vật chất và các nguồn lực khác cho ngành đào tạo đặc thù như ngành báo chí truyền thông còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng của ngành cũng như đơn vị đào tạo là những thách thức không nhỏ trong công tác đào tạo báo chí truyền thông tại trường hiện nay.
Tại buổi làm việc, đồng chí Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định sự nỗ lực của Trường Đại học KHXH&NV cũng như Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông trong thời gian vừa qua đã những bước tiến rất quan trọng.
Đồng chí Lê Quốc Minh nhìn nhận, điểm đầu vào không phải là thước đo, không phải trường nào có điểm đầu vào cao cũng cho ra được những nhà báo xuất sắc, thậm chí những em học sinh đỗ loại cao nhất của trường chưa chắc đã là nhà báo giỏi. "Báo chí cũng giống như thầy thuốc cần thực hành nhiều hơn. Tuy không phủ nhận vai trò của việc học tập nhưng trong thời gian qua, điểm số là vấn đề cố hữu", đồng chí Lê Quốc Minh cho hay.
Bên cạnh đó, thời gian tới theo đồng chí Lê Quốc Minh, việc phối hợp giữa các trường đại học và các cơ quan báo chí cần được đẩy mạnh hơn nữa. Theo ông Minh, thực tế các em sinh viên khi thực hiện kiến tập, thực tập tại các cơ quan báo chí đang mang tính hình thức rất cao. Các em sinh viên báo chí phải thực hành càng nhiều càng tốt, làm sao để các em có những buổi ngoại khóa, tham gia vào công tác sản xuất tin bài của các cơ quan báo chí càng nhiều càng tốt.
Ông Minh cho rằng, đây là vấn đề không đơn giản, các cơ quan báo chí cũng không thể giao cho các em sinh viên thực tập những công việc quan trọng. Những công việc đó đòi hỏi phải có quá trình, đúc kết được kiến thức và có những mối quan hệ. Do đó, việc phối hợp giữa các cơ sở đào tạo và cơ quan báo chí phải được tiến hành một cách rất sâu sắc.
Ông Lê Quốc Minh cũng đề cập đến vấn đề, các em sinh viên tốt nghiệp các cơ sở báo chí khi về làm ở các tòa soạn, có thể kỹ năng làm báo tốt hơn, nhưng kỹ năng chuyên sâu về các lĩnh vực thì vẫn còn thiếu sót nhiều.
"Bồi dưỡng kỹ năng báo chí không quá khó, nhưng bồi dưỡng kỹ năng chuyên sâu vào các lĩnh vực mới chính là điều mà báo chí chúng tôi rất cần.Thực trạng phổ biến khi hiện nay, nhà báo trong lĩnh vực âm nhạc nhưng một nốt nhạc bẻ đôi không biết, một nhà báo viết về chứng khoán hay kinh tế nhìn những con số, dữ liệu mà không hiểu gì. Những nhà báo viết về xã hội có vẻ dễ dàng hơn thì những điều cấm kỵ khi đưa tin về trẻ em ra sao hay các đối tượng đặc biệt như thế nào thì các em sinh viên rất thiếu nhạy cảm cũng như kỹ năng trong các vấn đề đó. Chương trình đào tạo trong tương lai cần tăng cường nhiều hơn vấn đề này", ông Lê Quốc Minh cho biết.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp lớn của Trường Đại học KHXH&NV trong việc xây dựng nguồn lực chất lượng cao. Nhiều thế hệ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo ban bộ ngành, lãnh đạo các tổ chức chính trị, các chuyên gia, các nhà khoa học đã được đào tạo tại nhà trường.
Đối với những vấn đề còn hạn chế, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, đây là dịp để lắng nghe, chia sẻ, tiếp thu ý kiến của các thầy cô, cũng như nghiên cứu sâu những báo cáo của các đơn vị có liên quan để cùng xây dựng phương hướng tốt hơn trong thời gian tới.
Trong đó, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh việc tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò sứ mệnh của trường ĐHKHXHNV - trung tâm đào tạo chất lượng cao về lĩnh vực báo chí, khẳng định vai trò của đơn vị tư vấn, tham gia vào nhiều diễn đàn, tham gia vào công tác của các ban chỉ đạo. Thời gian tới, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu phải đẩy mạnh nâng cao chất lượng đào tạo đại học gắn với nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ, khoa học xã hội nhân văn, đổi mới sáng tạo trong hoạt động giáo dục đào tạo.
Trong từng giai đoạn, từng đối tượng phải hội nhập quốc tế. "Tức là vẫn dựa trên nền tảng tư tưởng chính trị Việt Nam nhưng phải hội nhập thế giới, xây dựng các khung chương trình đào tạo phù hợp với tình hình mới, ứng dụng tối đa công nghệ, gắn bó chặt chẽ giữa báo chí và truyền thông, đề cao đạo đức của nghề báo", đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.