Xây dựng Làng nghề miến dong Côn Minh
Sản phẩm miến dong Côn Minh, Na Rì, Bắc Kạn đã trở nên quen thuộc, có thương hiệu, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến. Cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương đang hợp sức với sự hỗ trợ của ngành chức năng để sớm được công nhận Làng nghề miến dong Côn Minh.
Miến dong - niềm tự hào của người dân Côn Minh
Năm nay ngoài 60 tuổi, ông Lộc Văn Thắng, thôn Bản Cào đã có gần 50 năm gắn bó với cây dong riềng và nghề làm miến dong. Theo trí nhớ của ông Thắng, cây dong riềng có mặt tại Côn Minh đầu thập niên 70 thế kỷ trước. Lúc đầu dong riềng được đưa vào trồng với diện tích nhỏ lẻ, sau đó tăng dần lên và mở rộng trên phạm vi toàn xã. Nhưng phải đến khoảng đầu những năm 90, khi những người dân miền xuôi lên Côn Minh lập nghiệp mang theo nghề làm miến dong thì nơi đây mới bắt đầu làm miến.
Ban đầu miến chỉ để ăn vào dịp Tết, sau có khách qua đường mua về xuôi làm quà, vậy là miến dần trở thành hàng hóa. Đến nay, miến Côn Minh đã thực sự trở thành thương hiệu nổi tiếng được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến. Nét riêng biệt của miến dong Côn Minh không chỉ nằm ở hương vị thơm ngon mà còn ở đặc tính nấu để qua đêm không bị nát, vón cục.
“Quê bác ở Côn Minh à, miến dong ở đấy ngon lắm. Mỗi lần ra ngoài nhận được lời khen như thế người dân chúng tôi vui lắm!”, ông Lộc Văn Thắng bày tỏ niềm tự hào.
Nghề làm miến dong ở xã Côn Minh diễn ra quanh năm, nhưng nhộn nhịp nhất là từ tháng Tám âm lịch kéo dài tới tháng Giêng năm sau. Bởi lẽ, trong thời gian này, thị trường cần một lượng lớn hàng để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, những năm trở lại đây, nhiều hộ dân trong xã đã thành lập ra HTX miến dong Côn Minh để cùng nhau tìm tòi học hỏi, đầu tư công nghệ làm miến hiện đại thay cho phương pháp thủ công. Đặc biệt trong xã có sản phẩm miến dong của HTX Tài Hoan đã được chứng nhận đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia và xuất bán sang thị trường châu Âu từ năm 2020.
Lợi ích xây dựng làng nghề
Đến nay, Côn Minh có gần 20 cơ sở chế biến tinh bột dong riềng và sản xuất miến dong, tạo việc làm cho hàng trăm nhân công ở địa phương. Trung bình mỗi vụ, toàn xã sản xuất được gần 1.000 tấn miến, thu về khoảng 50 tỷ đồng. Đây là tiền đề quan trọng để Côn Minh xây dựng làng nghề.
Để được công nhận là làng nghề cần đáp ứng được những tiêu chí như: Có tối thiểu 20% số hộ trong làng theo nghề; các hộ làm nghề có tối thiểu 2 năm gần nhất có thu nhập chính từ nghề; bảo đảm môi trường làng nghề (trong đó 2 tiêu chí đầu tiên xã đã đạt).
Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh đang phối hợp và gấp rút giúp Côn Minh sớm xây dựng và được công nhận làng nghề miến dong, tập trung hỗ trợ người dân xử lý nước thải quá trình sản xuất tinh bột. Đa số các hộ dân, cơ sở sản xuất, chế biến trên địa bàn xã đều nhận thức được ý nghĩa của việc này và nhiệt tình đóng góp công sức xây dựng làng nghề.
Chị Trần Minh Anh, thành viên HTX Tài Hoan khẳng định, HTX sẽ cộng đồng trách nhiệm với các hộ dân, cơ sở chế biến miến dong trong xã xây dựng và phát huy thương hiệu Làng nghề miến dong Côn Minh.
Ông Quách Đăng Quý, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: "Khi được công nhận, làng nghề sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các hộ sản xuất, kinh doanh cũng như người dân địa phương. Không chỉ là vấn đề thương hiệu được nâng tầm, giúp việc đăng ký quản lý truy gốc nguồn gốc xuất xứ tốt hơn mà còn tăng cường tình đoàn kết cộng đồng, phát triển nghề một cách bền vững".
Nếu thuận lợi, ngay trong quý II năm 2023, Làng nghề miến dong Côn Minh sẽ được công nhận. Điều này mang lại niềm tự hào và là động lực để người dân Côn Minh phát triển bền vững cây dong riềng./.
Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.com.vn/xay-dung-lang-nghe-mien-dong-con-minh-post51541.html