Xây dựng Luật Đảm bảo trật tự, ATGT đường bộ đạt yêu cầu đề ra
Chiều 23/6, tại Hà Nội, Bộ Công an đã tổ chức buổi làm việc với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ.
Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì buổi làm việc. Đồng chủ trì có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ GTVT.
Dự buổi làm việc có Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ; đại diện lãnh đạo các Tổng cục, vụ, cục trực thuộc Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ GTVT...
Báo cáo tóm tắt về tình hình nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Đảm bảo TTATGT đường bộ tại buổi làm việc, Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục CSGT cho biết, chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ khẳng định sự cần thiết phải xây dựng, ban hành Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ song song với Luật GTVT đường bộ và cùng trình Chính phủ, Quốc hội vào Kỳ họp thứ 10 tới.
Hiến pháp và luật pháp cũng rất rõ ràng về hai lĩnh vực và phân công rõ chức năng, nhiệm vụ của từng lĩnh vực: TTATGT - trật tự an toàn xã hội - an ninh, trật tự thuộc về quốc phòng - an ninh - nội chính. Xây dựng, phát triển đường bộ, vận tải đường bộ thuộc về kinh tế - kỹ thuật - công nghiệp.
Bộ Công an đã nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, báo cáo đánh giá tác động, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, lập Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ theo đúng các trình tự, thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hiện đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ để lấy ý kiến Nhân dân, đồng thời đã có ý kiến của các bộ, ngành, địa phương.
Qua theo dõi, dư luận xã hội rất đồng tình, ủng hộ và mong muốn sớm ban hành Luật để đi vào cuộc sống. Mục tiêu cơ bản của việc ban hành Luật là bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp; giảm ùn tắc giao thông gắn với bảo vệ môi trường; tạo môi trường giao thông trật tự, an toàn, văn minh và thân thiện, góp phần thu hút đầu tư, phát triển kinh tế- xã hội.
Bám sát đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước, bám sát mục tiêu xây dựng Luật, trên cơ sở khoa học, pháp lý và thực tiễn, Bộ Công an xác định nguyên tắc Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ điều chỉnh những nội dung về TTATGT đường bộ, bảo đảm ANTT trên đường bộ và xác định rõ trách nhiệm chính của ngành Công an trong công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, tách bạch với những nội dung về xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng GTVT đường bộ do ngành GTVT chịu trách nhiệm chính. Nguyên tắc về phạm vi điều chỉnh của Luật đã nhận được sự đồng thuận cao của Nhân dân và các bộ, ngành, UBND địa phương trong các lần lấy ý kiến và Chính phủ cũng đã đồng ý với nguyên tắc này...
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Bảo đảm TTATGT, thống nhất chủ trương sẽ báo cáo Chính phủ cho ý kiến và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, khi đề xuất xây dựng dự thảo luật này, Bộ Công an xin chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, trước Quốc hội, Chính phủ và Nhân dân về TTATGT. Trên cơ sở đó, Ban soạn thảo sẽ thiết kế những điều luật với quyết tâm rất lớn đảm bảo TTATGT, làm giảm tai nạn giao thông; không để xảy ra ách tắc giao thông, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ảnh hưởng đến hình ảnh của quốc gia. Đây cũng là điểm rất mới, là cái gốc để ban hành luật, đặc biệt khi có sự phối hợp chung của hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, nhất là ngành GTVT.
Bộ trưởng Tô Lâm bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp, của các Bộ, ngành trong việc xây dựng, soạn thảo dự án Luật Đảm bảo TTATGT đạt chất lượng, đảm bảo yêu cầu đề ra...