Xây dựng Luật Dân số trước những 'nỗi lo' trong tương lai

Pháp lệnh Dân số được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành năm 2003, sửa đổi Điều 10 năm 2008 đã bộc lộ những hạn chế. Việc xuất hiện nhiều vấn đề liên quan đến dân số và kinh tế không được đề cập trong Pháp lệnh đang là nguy cơ khiến tình hình kinh tế - xã hội bất ổn.

Đơn cử, một trong những vấn đề được dư luận quan tâm trong vài năm gần đây là già hóa dân số và những bất ổn xuất hiện đối với kinh tế - xã hội. Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) cho biết, tốc độ già hóa dân số tại Việt Nam đang rất nhanh so với nhiều quốc gia trên thế giới. Dự báo đến năm 2050, lượng người từ 60 tuổi trở lên có thể chiếm tới 25% dân số. Đến năm 2036, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già”. Một số địa phương phát triển như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng ghi nhận tuổi thọ trung bình của người dân đều trên 76.

Liên quan mật thiết đến vấn đề nêu trên là mức sinh của người Việt hiện tại. Số liệu từ Bộ Y tế cho thấy, mức sinh thay thế chưa thực sự bền vững, vào năm 2023, số con trung bình của một phụ nữ Việt Nam là 1,96, thấp nhất trong 63 năm và được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong các năm tới. Điều này dẫn tới một số tác động xấu có thể nhìn ra như: Suy giảm quy mô dân số, cơ cấu tuổi của dân số trong tương lai, suy giảm nhóm dân số trong độ tuổi lao động dẫn đến khủng hoảng nhân lực; tác động mạnh vào quá trình di cư, tăng nhanh quá trình già hóa dân số, mất cơ hội tận dụng cơ cấu dân số vàng hiện tại…

Bộ Y tế khi đề nghị soạn thảo Luật Dân số cho biết, nhiều văn bản pháp luật mới được ban hành, đòi hỏi phải thay đổi quan điểm, mục tiêu, biện pháp điều chỉnh các vấn đề dân số và bảo đảm cho các quy định về dân số phù hợp, thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành như: Quy định "Tuyên truyền và tư vấn về kế hoạch hóa gia đình" (Điều 11) không còn phù hợp khi chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển; các quy định về quy mô, cơ cấu, phân bố và nâng cao chất lượng dân số chưa đáp ứng yêu cầu giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về dân số; Quy định "Quy hoạch, kế hoạch phát triển dân số" (Điều 26) đã được quy định trong Luật Quy hoạch…

Nhiều chuyên gia cũng nhìn nhận, bối cảnh tốc độ già hóa dân số tăng lên, Quốc hội, Chính Phủ, cần sớm nghiên cứu và ban hành luật dân số thay cho các văn bản quy phạm pháp luật về dân số có phần lỗi thời hiện hành. Xây dựng Luật Dân số sẽ góp phần đảm bảo đạt được mục tiêu về cơ cấu, quy mô dân số, cơ cấu dân số, phân bổ dân số, chất lượng dân số, qua đó sẽ ứng yêu cầu của công tác dân số trong thời tình hình mới.

Dù đang trong thời kỳ dân số "vàng", nhưng những nguy cơ từ tỷ lệ sinh giảm, tốc độ già hóa dân số đến nền kinh tế đang xuất hiện

Dù đang trong thời kỳ dân số "vàng", nhưng những nguy cơ từ tỷ lệ sinh giảm, tốc độ già hóa dân số đến nền kinh tế đang xuất hiện

Theo Bộ Y tế, dự án Luật Dân số mới với sẽ chuyển trọng tâm chính sách từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Về các đề xuất đang được cơ quan soạn thảo đang đưa ra, đáng chú ý là duy trì mức sinh thay thế vững chắc mức sinh thay thế bằng loạt các biện pháp trên phạm vi cả nước.

Đặc biệt, dự kiến Luật mới sẽ trao quyền cho các cặp vợ chồng trong việc quyết định số con, thời gian sinh con và khoảng cách giữa các lần sinh. Đây là một bước ngoặt quan trọng sau thời gian dài Việt Nam thực hiện kế hoạch hóa gia đình nghiêm ngặt. Theo dự báo của các chuyên gia, nếu chính sách nới lỏng này được thực hiện, mức sinh có thể đạt mức 2,3-2,5 con/phụ nữ, kéo theo dân số Việt Nam đạt 130-140 triệu người vào năm 2050.

Cơ quan soạn thảo dự kiến cũng đề xuất một loạt các quy định để thích ứng quá trình già hóa dân số, dân số già, đáp ứng nhu cầu cơ bản về chăm sóc người cao tuổi; phân bố dân cư hợp lý; lồng ghép các yếu tố dân số trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội...

Trở lại với vấn đề mức sinh sụt giảm có thể ảnh hưởng lớn đến cơ cấu và chất lượng dân số trong tương lai đang được góp ý nhiều khi xây dựng Luật Dân số, có ý kiến cho rằng, ngay trong tình hình hiện tại để vực dậy mức sinh, đối phó với tình hình tốc độ già hóa dân số như hiện tại nên bỏ ngay những chính sách vẫn còn tồn tại, nhưng đã được ban hành từ giai đoạn cần giảm sinh trước đây, như việc nhiều nơi xử phạt khi sinh con thứ 3… Đồng thời, cần có những chính sách dành riêng cho từng vùng miền dân cư. Cụ thể, vùng nào mức sinh đang cao thì cần chính sách giảm sinh riêng; vùng nào mức sinh đã giảm thấp thì có các chính sách về nới lỏng mức sinh, khuyến khích tăng sinh. Việc triển khai dự án Luật Dân số sẽ giúp các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách đưa ra các quy định và hướng phát triển phù hợp.

Trong khi đó, ở một góc nhìn rộng hơn, theo GS-TS. Nguyễn Thiện Nhân, đại biểu Quốc hội khóa XV, bên cạnh việc đề ra các quy định phù hợp trong luật thì để phát triển dân số bền vững cần triển khai những chính sách đồng bộ khác kích thích tỷ lệ sinh đẻ, như giải quyết các vấn đề đang tồn tại trên thị trường nhà ở, thời gian làm việc của người lao động, chính sách tiền lương, phổ cập giáo dục mẫu giáo…

Dự án Luật Dân số đang được xây dựng, lấy ý kiến. Dự kiến các đề xuất mới sẽ trình Chính phủ vào tháng 12/2024 và trình Quốc hội vào tháng 10/2025.

Hồng Sơn

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/xay-dung-luat-dan-so-truoc-nhung-noi-lo-trong-tuong-lai-154791.html