Xây dựng Luật Nhà giáo: Chứng chỉ hành nghề có phải 'giấy phép con'?
Đề xuất tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất là niềm vui lớn của hàng triệu giáo viên cả nước. Tuy nhiên, quy định về chứng chỉ hành nghề trong dự thảo Luật Nhà giáo đang khiến nhiều người băn khoăn, đặt câu hỏi liệu có thêm 'giấy phép con'?
Cần thiết hay không?
Những ngày qua, sau khi Bộ GDĐT công bố dự thảo Luật Nhà giáo để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, ghi nhận cho thấy, nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ nội dung dự thảo.
Trong đó, nhiều vấn đề cơ bản đáp ứng mong mỏi của đội ngũ nhà giáo. Báo Đại Đoàn Kết đã có bài viết: “Xây dựng Luật Nhà giáo: Thầy cô khấp khởi chờ tăng lương”, lấy ý kiến một số giáo viên về quy định tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Chủ trương này đang là niềm vui lớn và hàng triệu giáo viên cả nước mong đợi trở thành hiện thực khi được luật hóa.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, dự thảo Luật Nhà giáo có quy định về việc cấp chứng chỉ hành nghề cho giáo viên. Quy định này cũng khiến nhiều người băn khoăn, đặt câu hỏi: Liệu có thêm “giấy phép con” không cần thiết?
Giải đáp băn khoăn của đội ngũ giáo viên về chứng chỉ hành nghề, Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng khẳng định, chứng chỉ hành nghề không phải là tăng cường quản lý nhà giáo, tăng thêm sức ép về văn bằng, chứng chỉ đối với nhà giáo, mà là để phát triển nhà giáo.
Tùy theo nhu cầu và năng lực, mỗi nhà giáo có thể có nhiều chứng chỉ hay hơn một chứng chỉ. Khi có chứng chỉ hành nghề và đầy đủ điều kiện, thì nhà giáo dạy ở cấp học mầm non, tiểu học hoặc cấp học cao hơn và ngược lại. Đó là phát triển đội ngũ nhà giáo.
Dự thảo Luật Nhà giáo cũng đã tính toán phương án chuyển tiếp thuận lợi cho 1,6 triệu nhà giáo đã được tuyển dụng vào ngành trước khi Luật này có hiệu lực, đương nhiên sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề mà không cần đánh giá sát hạch.
Bên cạnh đó, những nhà giáo đã nghỉ hưu nếu có nguyện vọng cũng được cấp chứng chỉ hành nghề để ghi nhận sự cống hiến cho sự nghiệp giáo dục hoặc sử dụng để tiếp tục hoạt động nghề nghiệp.
Tác động tích cực từ chứng chỉ hành nghề
Ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Quản lý nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GDĐT) cho biết, chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo là văn bản xác nhận tư cách nhà giáo do cơ quan có thẩm quyền cấp cho người đạt tiêu chuẩn chức danh nhà giáo theo quy định.
Chứng chỉ hành nghề cơ bản sẽ có tác động tích cực đối với nhà giáo và cơ sở giáo dục. Chứng chỉ sẽ tạo thuận lợi cho nhà giáo nếu có những thay đổi trong hoạt động nghề nghiệp. Do có giá trị sử dụng toàn quốc nên dù nhà giáo dạy học ở đâu khi đã có chứng chỉ hành nghề cũng không cần phải thực hiện lại chế độ tập sự, giảm được thủ tục cho nhà giáo trong các trường hợp như thuyên chuyển công tác giữa các cơ sở giáo dục công lập sang ngoài công lập hoặc ngược lại…
TS Nguyễn Vinh Hiển - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cho biết, việc cấp chứng chỉ hành nghề đối với các nghề nghiệp trên thế giới nhằm mục đích đảm bảo chất lượng của ngành nghề đó, gắn liền với yêu cầu, quyền lợi và trách nhiệm của cá nhân, ngành nghề đó đối với xã hội.
Ở nước ta, có nhiều ngành nghề khác cũng đã có chứng chỉ hành nghề như luật sư, y tế… Do đó, theo ông Hiển, đối với nghề giáo cũng cần phải có chứng chỉ hành nghề.
Ông Hiển cũng cho rằng cần có một quy trình cụ thể để đánh giá sự phát triển của nhà giáo và cấp chứng chỉ hành nghề nếu nhà giáo đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, yêu cầu. Luật Nhà giáo là quy định chung cho nhà giáo, nghề giáo nhưng đối với các bậc học cần có các quy định cụ thể khác. Việc cấp chứng chỉ hành nghề cần phải do cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện.
Với kinh nghiệm hơn 30 năm trong ngành giáo dục, TS Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) nêu quan điểm, tại thời điểm này, giáo viên đào tạo từ ngành sư phạm không thể cứ thế nghiễm nhiên trở thành giáo viên mà cần có công tác đào tạo, bồi dưỡng.
“Do đó, việc đưa ra chứng chỉ hành nghề đối với các nhà giáo tôi nghĩ rất cần thiết. Thậm chí cần quy định về thời hạn chứng chỉ để các giáo viên có thể phát triển. Nếu việc này không được thực hiện thì khó phát triển được ngành giáo dục”, TS Hòa nói.
Ủng hộ những nội dung của Luật Nhà giáo, thầy Lê Văn Tích - giáo viên Trường THCS Diễn Tân (Nghệ An) cho rằng, quy định về chứng chỉ hành nghề với nhà giáo là đúng đắn.
Tuy nhiên, thầy Tích cho rằng, điều quan trọng nhất khi xây dựng luật là làm sao giữ chân được giáo viên yên tâm, gắn bó với nghề và thu hút được người tài vào ngành giáo dục.
Những nghề khi làm việc ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khỏe của con người đều cần có cấp phép hành nghề. Điển hình như ngành kiến trúc, ngành y tế, chăm sóc sức khỏe. Vì vậy, đối với giáo viên, ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của con người trong tương lai rất cần phải cấp giấy phép.
Thêm vào đó, đối tượng đầu vào của nghề giáo hiện nay cũng rất đa dạng và ngay cả trường sư phạm truyền thống cũng cần phải tìm hiểu thêm mô hình giáo dục. Do đó, việc cấp phép đảm bảo rằng những người đứng lớp đáp ứng được các yêu cầu cần thiết về nghề giáo".
TS Lê Đông Phương - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam