Xây dựng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi): Gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, mục tiêu của việc xây dựng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) nhằm góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình mới.

Chiều 27/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội khóa XII thông qua đã thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc giải quyết vấn nạn bạo lực gia đình, hướng tới xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, bình đẳng, hạnh phúc cũng như sự nghiêm túc, chủ động của Việt Nam trong việc thực hiện các điều ước và cam kết quốc tế đã tham gia.

Sau gần 15 năm thực hiện, Luật đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức trong phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần bảo vệ người bị bạo lực gia đình, xử lý các hành vi bạo lực gia đình, vi phạm pháp luật trong phòng, chống bạo lực gia đình, nâng cao bình đẳng giới trong gia đình. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, bạo lực gia đình vẫn còn là một vấn đề nhức nhối, nan giải ở Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Tờ trình dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Tờ trình dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, vấn nạn bạo lực gia đình có xu hướng trầm trọng hơn, đa dạng hơn, phức tạp hơn đã và đang để lại những hậu quả thương tâm, đau xót cho nhiều gia đình, tạo ra những thiệt hại to lớn cho toàn xã hội. Nếu không được giải quyết kịp thời, bạo lực gia đình sẽ đe dọa đến sự phát triển bền vững của gia đình, làm xói mòn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, làm suy yếu động lực phát triển và là rào cản đối với tiến trình phát triển bền vững của đất nước.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng bạo lực gia đình nghiêm trọng hơn là do các quy định, chính sách trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành còn tồn tại nhiều bất cập, không phù hợp với thực tiễn phát triển của xã hội Việt Nam giai đoạn hiện nay.

Quá trình thi hành Luật cũng xuất hiện nhiều hạn chế, đặc biệt là vấn đề trách nhiệm và công tác phối hợp liên ngành trong phòng, chống bạo lực gia đình. Điều này một phần xuất phát từ công tác tổ chức, triển khai thực hiện của các địa phương, song cũng do Luật hiện hành còn thiếu các nội dung, chính sách, quy định phù hợp. Bên cạnh đó, nhiều chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước được ban hành trong thời gian qua cũng cần phải được cụ thể hóa trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

Chính vì vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành cần được sửa đổi, bổ sung để thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; Giải quyết những bất cập trong thực tiễn thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và bảo đảm phù hợp với các Điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia và bài học kinh nghiệm quốc tế.

Quốc hội nghe trình bày Tờ trình dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) - Ảnh: Quốc hội

Quốc hội nghe trình bày Tờ trình dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) - Ảnh: Quốc hội

Về quan điểm xây dựng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, thứ nhất, dự án Luật tiếp tục thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng về gia đình, trực tiếp là Chỉ thị số 06-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới; Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước cũng như Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc khóa XIII cũng đề ra các quan điểm, chủ trương, giải pháp cụ thể cho việc thực hiện các biện pháp phát triển gia đình hạnh phúc, bền vững và thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình toàn diện, khả thi, có hiệu quả.

Hai là, bảo đảm phù hợp với chủ trương, quan điểm của Đảng về hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng gia đình Việt Nam và phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới; cụ thể hóa đầy đủ, chính xác nội dung, quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân, xây dựng và phát triển gia đình, bảo vệ các đối tượng yếu thế ngay trong mỗi gia đình; bảo đảm thiết lập các nguyên tắc và biện pháp phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội của Việt Nam.

Ba là, tuân thủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và tham gia, bảo đảm tính đồng bộ, minh bạch, khả thi, phù hợp giữa các cam kết quốc tế và tình hình thực tiễn của Việt Nam.

Bốn là, kế thừa đầy đủ các chế định cơ bản của Luật hiện hành còn phù hợp, có điều chỉnh, sửa đổi để khắc phục những vướng mắc, bất cập và bổ sung những vấn đề mới phát sinh.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, việc sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành nhằm hoàn thiện thể chế về công tác phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ các quyền con người theo Hiến pháp năm 2013; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế nhà nước, xã hội cũng như vai trò của gia đình về lĩnh vực này, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình mới.

Nội dung Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tập trung vào 3 chính sách lớn gồm: Các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình, tăng cường bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ chế phối hợp và các điều kiện bảo đảm để thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình; khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) gồm 6 chương, 62 Điều, trong đó, sửa đổi, bổ sung nội dung 42 Điều trong Luật hiện hành; xây dựng mới hoàn toàn 17 Điều; bỏ 3 Điều, so với Luật hiện hành tăng 16 Điều.

Xuân Trường

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/xay-dung-luat-phong-chong-bao-luc-gia-dinh-sua-doi-gin-giu-cac-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-tot-dep-cua-gia-dinh-dan-toc-20220527155626135.htm