Xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2023

Trong năm 2023, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành lao động, thương binh và xã hội là sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội và xây dựng hồ sơ Luật Việc làm (sửa đổi).

Người lao động làm thủ tục tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. (Ảnh: Thủy Nguyên)

Người lao động làm thủ tục tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. (Ảnh: Thủy Nguyên)

Góp phần thúc đẩy phát triển thị trường lao động

Chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, cùng với Bộ luật Lao động, trọng tâm trong năm 2023 của ngành là sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Việc làm. Đây là yếu tố then chốt nhất của toàn bộ hệ thống lao động-việc làm trong thời gian tới.

Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung: Trọng tâm trong năm 2023 của ngành là sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Việc làm. (Ảnh: Giáp Tống)

Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung: Trọng tâm trong năm 2023 của ngành là sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Việc làm. (Ảnh: Giáp Tống)

Trong năm 2023, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế phát triển, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng chính sách, pháp luật. Trong đó, tập trung, ưu tiên xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); xây dựng Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi).

Trong Tờ trình số 84/TTr-LĐTBXH đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi) của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội gửi Chính phủ, cơ quan này nêu rõ, Luật Việc làm số 38/2013/QH13 đã được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ sáu thông qua ngày 16/11/2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015.

Lần đầu tiên, Việt Nam có một văn bản luật quy định đầy đủ, điều chỉnh toàn diện các quan hệ về việc làm và thị trường lao động, mở rộng độ bao phủ, điều chỉnh các chính sách lao động, việc làm đến toàn bộ lực lượng lao động (bao gồm cả đối tượng lao động có giao kết và không có giao kết hợp đồng lao động). Đây là cơ sở quan trọng để xây dựng các chính sách hỗ trợ người lao động, trong đó có lao động yếu thế và tăng cường cơ hội việc làm cho lao động khu vực phi chính thức; hỗ trợ lao động tìm việc làm, tiếp cận thông tin việc làm, nghề nghiệp thông qua phát triển hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm, cho vay hỗ trợ tạo việc làm, chính sách việc làm công; hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển kỹ năng nghề; hỗ trợ bảo đảm một phần thu nhập, giúp người thất nghiệp sớm quay trở lại thị trường lao động thông qua chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Tuy nhiên, qua quá trình triển khai thực hiện, Luật Việc làm đã bộc lộ những khó khăn, hạn chế, bất cập, đòi hỏi sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.

Mục tiêu xây dựng dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) là nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, phù hợp của hệ thống pháp luật có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước; đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội; phù hợp các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường lao động, hướng tới bảo đảm việc làm bền vững cho tất cả lao động.

Mục tiêu xây dựng dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi):
- Nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng;
- Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, phù hợp của hệ thống pháp luật có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước;
- Đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội;
- Phù hợp các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường lao động, hướng tới bảo đảm việc làm bền vững cho tất cả lao động.

Quan điểm chỉ đạo xây dựng dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) gồm 4 nội dung chính.

Trước hết, bảo đảm quyền làm việc, phát triển nguồn nhân lực quy định tại Hiến pháp năm 2013; thể chế hóa quan điểm, đường lối tại Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII; quan điểm, chủ trương, đường lối, nội dung cải cách trong Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 Hội nghị lần thứ bảy của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (nội dung về bảo hiểm thất nghiệp) và các văn kiện, nghị quyết có liên quan.

Tiếp đó, kế thừa, phát triển những quy định hiện hành phù hợp đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn, sửa đổi các quy định chưa phù hợp, bảo đảm tính khả thi, dài hạn, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; bổ sung những quy định mới phù hợp với thực trạng thị trường lao động, xu hướng phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và yêu cầu hội nhập quốc tế.

Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động, trong đó có lao động không có quan hệ lao động được tham gia và thụ hưởng các chính sách, chế độ của Nhà nước.

Cuối cùng là, tham khảo và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, nhất là các quốc gia có đặc điểm tương đồng với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam và phù hợp các cam kết, tiêu chuẩn về lao động, việc làm trong các công ước, thỏa thuận, hiệp định hợp tác mà Việt Nam đã tham gia, thỏa thuận cấp chính phủ và địa phương giữa Việt Nam và các nước láng giềng, những sáng kiến được đưa ra tại các tổ chức quốc tế và khu vực như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM…

Những nội dung đáng quan tâm

Phạm vi điều chỉnh của Luật Việc làm (sửa đổi) có một số nội dung đáng quan tâm. Đó là: Chính sách hỗ trợ tạo việc làm; Đăng ký lao động; Hệ thống thông tin thị trường lao động; Phát triển kỹ năng nghề và đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; Tổ chức, hoạt động dịch vụ việc làm; Bảo hiểm thất nghiệp; Quản lý nhà nước về việc làm.

Trong đó, các nội dung được giữ nguyên bao gồm: Chính sách hỗ trợ tạo việc làm; Tổ chức, hoạt động dịch vụ việc làm; Bảo hiểm thất nghiệp; Quản lý nhà nước về việc làm; Hệ thống thông tin thị trường lao động (đổi tên); bổ sung nội dung phát triển kỹ năng nghề và đổi tên thành “Phát triển kỹ năng nghề và đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia”; bổ sung nội dung mới “Đăng ký lao động”.

Đối tượng áp dụng của dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) giữ nguyên như Luật Việc làm năm 2013. Các nhóm đối tượng bao gồm: người lao động, người sử dụng lao động và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc làm.

Nội dung của chính sách, giải pháp thực hiện chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi) gồm bốn nhóm chính sách chính.

Nhóm chính sách thứ nhất là quản trị thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập.

Nhóm chính sách thứ hai là hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động.

Nhóm chính sách thứ ba là phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Nhóm chính sách thứ tư là thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững.

Về lộ trình, trước hết, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV vào tháng 10 năm 2024.

Tiếp đó, dự thảo Luật được trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV vào tháng 5 năm 2025. Thời gian Luật Việc làm (sửa đổi) có hiệu lực dự kiến từ ngày 1/1/2026.

Quá trình xây dựng hồ sơ đề nghị Luật Việc làm (sửa đổi)

- Cuối tháng 9/2022, dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi) đã được gửi lấy ý kiến các bộ, ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong số này, có 4 bộ bắt buộc phải lấy ý kiến theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) là: Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao và Bộ Nội vụ.

- Ngày 2/12/2022, Bộ Tư pháp có Báo cáo thẩm định Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi).

- Ngày 12/12/2022, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi) gửi Chính phủ.

NGÂN ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/xay-dung-luat-viec-lam-sua-doi-la-mot-trong-nhung-nhiem-vu-trong-tam-nam-2023-post736001.html