Xây dựng lưới an sinh xã hội đa tầng, bền vững - Bài 2: Nên tăng chế độ bảo hiểm xã hội cho người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở
Chị Lò Thị Hồng, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Pa Thơm (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), mới sinh con thứ 2. Trong thời gian nghỉ sinh con, chị không được hưởng chế độ trợ cấp thai sản. Trên bình diện cả nước, số người hoạt động không chuyên trách cấp xã như chị Hồng lên tới hàng chục ngàn người.
Nỗi niềm "cán bộ không chuyên"
Có một thực tế hiện nay là dù đều thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc nhưng chế độ BHXH cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã lại có phần khác biệt so với các đối tượng tham gia BHXH bắt buộc khác.
Cụ thể, theo quy định hiện hành, người hoạt động không chuyên trách tại xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) hàng tháng chỉ đóng bảo hiểm xã hội bằng 8% mức lương cơ sở vào quỹ hưu trí, tử tuất. Bởi vậy, theo nguyên tắc đóng - hưởng, họ chỉ được hưởng chế độ hưu trí, tử tuất. Những chế độ khác như thai sản, ốm đau, tai nạn - bệnh nghề nghiệp không có.
Theo thống kê, nước ta hiện có 10.598 đơn vị hành chính cấp xã, với khoảng 86.000 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Khảo sát của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, hầu hết người hoạt động không chuyên trách cấp xã đều có nhu cầu được tham gia cả 5 chế độ BHXH bắt buộc, trong đó việc tăng thêm 2 chế độ ốm đau và thai sản đáp ứng được nguyện vọng của những người hoạt động không chuyên trách;
gia tăng bảo vệ đối với người lao động khi không may ốm đau hoặc gặp phải sự kiện bảo hiểm (mang thai, sinh con...). Đối với nữ giới, 2 chế độ này rất quan trọng, nhất là chế độ thai sản góp phần đảm bảo thực hiện thiên chức làm mẹ của người phụ nữ.
Trở lại trường hợp của chị Lò Thị Hồng, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Pa Thơm. Do đây là một xã biên giới với diện tích rộng, đông đồng bào dân tộc thiểu số nên khối lượng công việc của cán bộ Hội không chuyên trách như chị Hồng khá nặng.
Ngoài thời gian làm việc trong giờ hành chính, cứ đến cuối tuần, chị cùng cán bộ Hội đến từng Chi hội để tuyên truyền, vận động phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết, phòng, chống mua bán người ở khu vực giáp biên giới.
"Xã Pa Thơm có 6 Chi hội phụ nữ trong đó, có những Chi hội nằm cách xa trung tâm xã đến hơn 30km và chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số nên nhận thức của chị em còn hạn chế. Để hội viên có thể nắm được đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước và có kiến thức chăm sóc bản thân, chúng tôi phải đến tận nơi để tuyên truyền", chị Hồng chia sẻ.
Với những người hoạt động không chuyên trách như chúng tôi, công việc rất bộn bề trong khi trợ cấp không được bao nhiêu. Việc được hưởng thêm chế độ BHXH cũng là một trong những động lực giúp chúng tôi gắn bó với công việc”.
Phạm Thị Huế, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã An Ấp (Quỳnh Phụ, Thái Bình)
Công việc là thế nhưng số tiền phụ cấp hằng tháng cho cán bộ không chuyên trách như chị Hồng được hơn 2,5 triệu đồng. Mức trợ cấp này chưa tương xứng với khối lượng công việc mà chị đang đảm nhiệm. Ngoài trợ cấp trên, chị không được hưởng chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn - bệnh nghề nghiệp do BHXH chi trả.
"Bản thân tôi vừa mới sinh cháu thứ 2 được 6 tháng. Sau sinh, phụ nữ chúng tôi cần nhiều chi phí để trang trải cho cuộc sống nhưng không được hưởng chế độ thai sản mặc dù vẫn đóng BHXH", chị Hồng cho biết.
Không có chế độ bảo hiểm ốm đau, thai sản là tình trạng chung của những cán bộ không chuyên trách cấp xã. Chị Phạm Thị Huế hiện tại đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Hội LHPN xã An Ấp (huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình). Trước đó, chị có nhiều năm làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Đông Thành (xã An Ấp).
Trong những lần sinh đẻ, chị không được hưởng chế độ trợ cấp thai sản nào. Về công việc hiện tại, chị Huế cho biết khối lượng khá nhiều. Với đặc thù của cán bộ Hội là vận động quần chúng nên làm việc kể cả ngày nghỉ. Trợ cấp hằng tháng trước đây chị Huế được trả là 1,6 triệu đồng. Sau 2 lần điều chỉnh, hiện chị được hưởng trợ cấp 2 triệu đồng/tháng.
Theo chị Huế, mức trợ cấp này chưa tương xứng với khối lượng công việc đảm nhiệm nhưng vì tinh thần trách nhiệm, sự tín nhiệm của người dân trong xã nên chị luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Điều khiến chị Huế băn khoăn đó là, những người hoạt động không chuyên trách như chị không được hưởng chế độ thai sản, chế độ ốm đau.
Nghị định số 33/NĐ-CP ngày 10/6/2023 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Theo đó, số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được tính theo loại đơn vị hành chính cấp xã, cụ thể: Loại I là 14 người; loại II là 12 người; loại III là 10 người.
Chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quy định cụ thể. Ông Nguyễn Hữu Chủy, Phó Chủ tịch UBND xã An Ấp, đánh giá, những người hoạt động không chuyên trách là một bộ phận quan trọng của đội ngũ cán bộ cơ sở trong phục vụ nhân dân, góp phần hiệu quả cho hoạt động quản lý nhà nước ở cấp cơ sở.
Gỡ nút thắt
Trong Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) mới nhất trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 đang diễn ra, đã quy định, người sử dụng lao động hằng tháng đóng tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất cho đối tượng là người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố (3% vào quỹ ốm đau và thai sản, 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất).
Người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng quỹ BHXH cho người hoạt động không chuyên trách nêu trên là Ủy ban nhân dân cấp xã đóng phần của người sử dụng lao động. Như vậy, quy định trong dự thảo lần này đã mở rộng hơn so với quy định hiện hành (Luật BHXH năm 2014) về mức đóng vào các quỹ của BHXH.
Theo ông Nguyễn Duy Cường, Vụ phó Vụ BHXH (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), nếu dự thảo Luật được thông qua, việc đóng BHXH vào quỹ ốm đau và thai sản hoàn toàn thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động nên người hoạt động không chuyên trách cấp xã sẽ được hưởng thêm 2 chế độ thai sản và ốm đau mà không phải đóng thêm chi phí.
Nhìn từ góc độ người tham gia công tác quản lý ở cơ sở, ông Nguyễn Hữu Chủy, Phó Chủ tịch UBND xã An Ấp, cho rằng, quy định người hoạt động không chuyên trách được tham gia BHXH bắt buộc theo Luật BHXH là phù hợp yêu cầu thực tế, cũng như đáp ứng nguyện vọng của nhiều người hoạt động không chuyên trách hiện nay, giúp họ yên tâm gắn bó với công việc.