Xây dựng mã số vùng trồng chanh leo

Đáp ứng nhu cầu thị trường và hướng tới xuất khẩu, ngành nông nghiệp đã tập trung hỗ trợ, hướng dẫn người dân, HTX xây dựng mã số vùng trồng cho quả chanh leo. Đến nay, tỉnh ta đã xây dựng được 4 mã số vùng trồng chanh leo với diện tích 66,5 ha.

HTX nông nghiệp Bảo Sam ứng dụng công nghệ tưới tự động cho vườn chanh leo.

HTX nông nghiệp Bảo Sam ứng dụng công nghệ tưới tự động cho vườn chanh leo.

Toàn tỉnh đang có trên 750 ha chanh leo, trong đó có hơn 710 ha cho sản phẩm, sản lượng trên 67.200 tấn quả/năm. Chanh leo chủ yếu được trồng ở các huyện: Mai Sơn, Thuận Châu, Mộc Châu, Phù Yên, tiêu thụ chủ yếu tại thị trường nội địa và chưa có trong danh mục xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Ông Dương Gia Định, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, cho biết: Theo quy định, điều kiện được cấp mã số vùng trồng phải có tối thiểu 10 ha, có địa chỉ rõ ràng; quá trình chăm sóc có sổ sách ghi chép, tuân thủ nghiêm ngặt quy định sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Chúng tôi đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn, vận động người dân, doanh nghiệp, HTX thay đổi tư duy, tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu.

HTX nông nghiệp Bảo Sam, xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn thành lập tháng 11/2018, với 18 thành viên, sản xuất 30 ha chanh leo và liên kết trồng gần 70 ha chanh leo với các hộ dân xã Cò Nòi, Chiềng Lương và Phiêng Pằn. Hiện nay, bình quân mỗi ha thu 35 tấn quả, trừ chi phí cho thu khoảng 250-300 triệu đồng/ha.

Ông Lò Văn Sam, Giám đốc HTX nông nghiệp Bảo Sam, cho biết: Dù quả chanh leo đang tiêu thụ ổn định và mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng chúng tôi rất lo đầu ra sản phẩm trong tương lai khi diện tích trồng đang tăng mạnh tại nhiều địa phương. Việc xây dựng mã số vùng trồng là rất cần thiết để chuyển hướng sang xuất khẩu.

Tháng 1/2023, 3 mã số vùng trồng chanh leo của HTX, với diện tích 56,5 ha tại bản Bó Hặc, xã Cò Nòi; bản Kết Nà, xã Phiêng Pằn và bản Chi xã Chiềng Lương, đã được Tổng Cục Hải quan Trung Quốc chấp nhận đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Đây là tín hiệu vui cho HTX, thể hiện sự nỗ lực của các hộ thành viên và các hộ liên kết khi tuân thủ quy trình sản xuất của nước nhập khẩu. Dự kiến, từ nay đến cuối năm 2023, HTX nông nghiệp Bảo Sam sẽ xuất khẩu 100 tấn chanh leo chính ngạch đầu tiên sang thị trường Trung Quốc.

Tiếp đó, HTX Thành Đạt, xã Chiềng Lương vừa được cấp 1 mã số vùng trồng chanh leo, với diện tích 10 ha. Ông Lò Văn Tiên, Giám đốc HTX, cho biết: Việc được cấp mã số vùng trồng rất quan trọng đối với các thành viên HTX khi muốn mở rộng thị trường thông qua hình thức xuất khẩu. HTX luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất. Mọi tác động lên cây trồng, như bón phân, phun thuốc... đều được ghi lại đầy đủ, rõ ràng. Thành viên HTX đã thay thế thuốc trừ sâu hóa học bằng thuốc sinh học, sử dụng phân hữu cơ thay thế phân vô cơ, nên môi trường đã được cải thiện rất nhiều.

Hiện nay, ngành Nông nghiệp đã tham mưu với UBND tỉnh phát triển cây chanh leo theo vùng. Đồng thời, đề xuất lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng các chuỗi sản xuất liên kết khép kín từ hỗ trợ cho các doanh nghiệp, HTX tạo thành vùng sản xuất an toàn, đảm bảo các yêu cầu mã số; phấn đấu đến năm 2025 vùng nguyên liệu chanh leo trên địa bàn tỉnh đạt từ 4.000 - 5.000 ha.

Việc cấp mã vùng trồng là yêu cầu tiên quyết và căn bản để thực hiện quy chế kiểm dịch thực vật nhập khẩu; chứng minh sự quản lý chặt chẽ, đảm bảo sự an toàn của trái cây trước thu hoạch. Với những yêu cầu ngày càng chặt chẽ về quản lý chất lượng nông sản, ngành nông nghiệp đang đẩy mạnh tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn; hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nhu cầu cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói theo quy định, để quả chanh leo Sơn La sớm trở thành một trong những loại trái cây chủ lực, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Bài, ảnh: Nguyễn Yến

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/xay-dung-ma-so-vung-trong-chanh-leo-sDBWRMGSR.html