Xây dựng mạng lưới không gian xanh, phát triển bền vững

Trong giai đoạn mới, Bình Dương hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Theo dự thảo Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, phát triển mạng lưới không gian xanh là một trong 8 chương trình tỉnh cần ưu tiên tập trung triển khai.

Phát triển mạng lưới không gian xanh là một trong 8 chương trình tỉnh cần ưu tiên tập trung triển khai trong giai đoạn mới. Trong ảnh: Một góc Thành phố mới Bình Dương

Quy hoạch bài bản

Bình Dương đang chú trọng xây dựng đô thị xanh, phát triển hệ sinh thái công nghiệp xanh, thông minh, bền vững, bao trùm, thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh. Trên cơ sở phát triển mạng lưới giao thông toàn vùng sẽ mở rộng không gian phát triển đô thị công nghiệp theo Vành đai 4, Vành đai 5 dự kiến, tạo cơ hội giảm tải cho khu vực đô thị trung tâm nằm phía Nam Vành đai 4 như Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị đã đề ra.

Tỉnh cũng đang đẩy mạnh quy hoạch phát triển không gian đô thị công nghiệp tại khu vực hai bên Vành đai 4, trục Bắc Nam theo mô hình đô thị công nghiệp - dịch vụ tại Thủ Dầu Một, Bến Cát, Tân Uyên, Bàu Bàng theo quy hoạch đồng bộ, thống nhất. Đồng thời thực hiện các chương trình dự án để tái thiết khu vực đô thị phía Nam tại Thuận An, Dĩ An để nâng cao chất lượng sống cho người dân. Đồng thời, chuyển đổi các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tại khu vực phía Nam thành các trung tâm dịch vụ chất lượng cao, khu đô thị sinh thái, đáng sống cho người dân trong vùng.

Qua nghiên cứu, phân tích, các chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học cho rằng Bình Dương cần phối hợp phát triển các không gian, hành lang sông Sài Gòn, sông Đồng Nai trở thành các trục động lực kinh tế, dịch vụ sinh thái quan trọng của vùng. Phát triển trục sông Đồng Nai trở thành trục phát triển kinh tế đô thị gắn với vận tải đường thủy, phát triển trục sông Sài Gòn trở thành trục trung tâm dịch vụ công cộng, dịch vụ sinh thái, dịch vụ du lịch, gắn với các khu đô thị sinh thái chất lượng cao.

Bên cạnh đó, tỉnh cần có quy hoạch, giải pháp phát triển chung theo các hành lang sông để phát huy giá trị của các dòng sông, đồng thời ứng phó với các vấn đề của biến đổi khí hậu như ngập lụt, triều cường, nước biển dâng. Đặc biệt, Bình Dương sẽ di dời các nhà máy, xí nghiệp ở TP.Dĩ An và TP.Thuận An lên vành đai công nghiệp phía Bắc, để tái thiết lại hai đô thị cửa ngõ này thành cụm đô thị đáng sống, xanh, tạo môi trường sống lý tưởng, hài hòa giữa dịch vụ, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, ngay vị trí trung tâm của Vùng Đông Nam bộ bổ sung cho Thủ Đức và TP.Hồ Chí Minh. Người dân sống tại Thuận An và Dĩ An có thể dễ dàng di chuyển và làm việc trong quy mô cả vùng khi hệ thống giao thông công cộng được kết nối hoàn thiện.

Hệ sinh thái thống nhất, đồng bộ

Theo dự thảo Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, phát triển mạng lưới không gian xanh là một trong 8 chương trình tỉnh cần ưu tiên tập trung triển khai trong giai đoạn mới. Cụ thể, mạng lưới không gian xanh cấp vùng và cấp tỉnh gồm các mảng, các hành lang sông, cần có quy chế bảo vệ, phát triển, kiểm soát. Trong đó hai hành lang sông Sài Gòn và Đồng Nai, ngoài chức năng sinh thái, còn bao gồm chức năng kinh tế tổng hợp như vận tải thủy, cảnh quan đô thị, tuyến du lịch vùng.

Hành lang sông Sài Gòn ngoài chức năng sinh thái, còn bao gồm chức năng kinh tế tổng hợp như vận tải thủy, cảnh quan đô thị, kết nối du lịch vùng. Trong ảnh: Phố đi bộ Bạch Đằng ven sông Sài Gòn đoạn qua TP.Thủ Dầu Một

Đối với mạng lưới không gian xanh cấp đô thị như các hành lang sông suối, các hồ lớn, hệ thống không gian xanh tập trung theo hành lang vành đai xanh, hệ thống công viên, mạng lưới hạ tầng xanh đô thị… Bên cạnh đó là mạng lưới cấp khu vực như các vườn hoa, sân tập, sân cộng đồng, cây xanh đường phố…

Theo đơn vị tư vấn - Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia (VIUP), các hệ thống không gian xanh tuy phân cấp quản lý khác nhau, song được nhận thức như một hệ sinh thái thống nhất, đóng vai trò duy trì chức năng sinh thái và phương thức hoạt động thuận theo tự nhiên, đồng thời tối ưu hóa lợi ích cho con người. Chức năng tự nhiên phải được bảo tồn, cho dù sự phát triển đô thị có diễn ra thế nào.

Ths-KTS Lê Hoàng Phương, Giám đốc Trung tâm Kiến trúc Quy hoạch Hà Nội thuộc VIUP, cho biết để phát triển mạng lưới không gian xanh, Bình Dương cần tập trung vào giải pháp không gian vật thể, được phối hợp và cụ thể hóa các chính sách của chiến lược Bình Dương xanh trong việc thúc đẩy xanh hóa nền kinh tế, sản xuất, tiêu dùng, đi lại, lối sống… Theo Ths-KTS Lê Hoàng Phương, Bình Dương triển khai thực hiện chương trình này sẽ được gắn bảo tồn - xây dựng xanh với các lợi ích do hệ sinh thái tự nhiên mang lại (như việc tạo ra các khu du lịch, khu đô thị chất lượng cao…) từ đó tạo ra nguồn tài chính ổn định tái đầu tư cho bảo tồn, xây dựng và vận hành không gian xanh.

PHƯƠNG LÊ

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/xay-dung-mang-luoi-khong-gian-xanh-phat-trien-ben-vung-a313830.html