Xây dựng mạng lưới khuyến nông viên hoạt động hiệu quả

Nhằm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật để xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp có ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; các cây, con mới đạt hiệu quả kinh tế cao, phát động các phong trào sản xuất ở cơ sở, những năm qua, ngoài việc đầu tư kinh phí thực hiện mô hình, tỉnh đã xây dựng mạng lưới khuyến nông viên cơ sở (KNVCS) đủ năng lực để làm 'cánh tay nối dài' của ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh trên địa bàn toàn tỉnh. Để khuyến khích đội ngũ KNV hoạt động hiệu quả, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND ngày 23/5/2017 về kiện toàn mạng lưới khuyến nông và thú y cơ sở tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017- 2020. Sau 4 năm triển khai thực hiện nghị quyết, mạng lưới KNVCS được củng cố và hoạt động có hiệu quả.

 Khuyến nông viên cơ sở tham gia hội nghị đầu bờ. Ảnh: HVA

Khuyến nông viên cơ sở tham gia hội nghị đầu bờ. Ảnh: HVA

Sau khi tốt nghiệp Đại học Nông lâm Huế, chị Nguyễn Thị Hồng trở về quê nhà xã Vĩnh Thái, Vĩnh Linh công tác với vai trò là một KNVCS hưởng phụ cấp 1,25 lương cơ bản hằng tháng. Mặc dù phụ cấp lương không nhiều nhưng với niềm say mê nghề nghiệp, chị Hồng đã có đóng góp đáng kể cho phong trào phát triển sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp ở xã vùng biển Vĩnh Thái. Những mô hình sản xuất nông nghiệp, chế biến hải sản do chị Hồng xây dựng thí điểm thành công và nhân rộng đã được người dân đồng tình hưởng ứng, góp phần chuyển dịch thành công cơ cấu cây trồng trên cát, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích.

Xã Vĩnh Thái trước đây thường trồng lạc trên cát năng suất thấp, hiệu quả kém, chỉ đạt giá trị sản xuất 2,5 triệu đồng/sào, chị Hồng đã vận động nông dân chuyển sang trồng ném đã đạt giá trị sản xuất từ 12- 15 triệu đồng/sào. Thu hoạch xong ném, chị vận động người dân trồng đậu đen, mè vụ hè thu, rồi trồng khoai lang vụ đông. Đất cát được luân canh liên tục, sợ đất bị bạc màu chị Hồng hướng dẫn nông dân phương pháp canh tác hữu cơ để đảm bảo phát triển nông nghiệp bền vững. Nhờ luân canh gối vụ, nông dân Vĩnh Thái thu nhập bình quân 20 triệu đồng/sào/năm. Đó là một giá trị sản xuất không nhỏ ở vùng cát mà trước đây người dân không làm được. Có được kết quả này, một phần không nhỏ nhờ sự năng động, nhiệt tình và kiến thức hướng dẫn người dân sản xuất của KNV.

Chị Nguyễn Thị Hồng cho biết: “Người dân phần lớn sản xuất theo thói quen nên cứ trồng những loại cây truyền thống, hiệu quả thấp. Tôi đã vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với biến đổi khí hậu, sản xuất các loại cây trồng mà sản phẩm bán được giá trên thị trường. Tôi cũng tận tình hướng dẫn kỹ thuật nên phần lớn hộ dân ở đây sản xuất nông nghiệp tạo ra được giá trị tăng vượt bậc so với trước đây, mang lại thu nhập đáng kể cho người dân”.

Bên cạnh hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chị Hồng còn xây dựng được các mô hình chế biến nước mắm, trồng nấm, nuôi tôm cho người dân. Phải xây dựng mô hình sản xuất trên nhiều lĩnh vực nên chị Hồng rất tích cực tham gia các lớp tập huấn, bổ túc kiến thức để về truyền đạt lại cho nông dân. Cứ thế, 5 năm qua, chị Hồng luôn làm tròn vai của một KNVCS và đã góp phần tích cực đưa phong trào sản xuất nông, ngư nghiệp của xã Vĩnh Thái phát triển.

Trước yêu cầu nâng cao trình độ sản xuất nông nghiệp của người dân, mạng lưới KNVCS thực sự trở thành những cộng sự đắc lực cho nông dân ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất. Đến nay, toàn tỉnh 133 KNV và 390 cộng tác viên (CTV) KN. Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã làm tốt công tác quản lý, chỉ đạo nên phần lớn đội ngũ KNV và CTV đã hoàn thành nhiệm vụ của mình. Hầu hết các KNVCS được tham gia các khóa đào tạo về nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ do Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trạm Khuyến nông huyện thông qua các mô hình trình diễn hằng năm, đã tạo điều kiện cho đội ngũ KNVCS làm việc hiệu quả, năng lực chuyên môn được nâng lên đáng kể. Các trạm khuyến nông huyện cũng tranh thủ các chương trình, dự án, kết hợp với các ban, ngành địa phương đã tập huấn hàng chục lớp cho đội ngũ KNVCS. Do vậy trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực công tác của KNVCS không ngừng được nâng cao. Định kỳ hằng tháng, lực lượng KNVCS được tham gia trực báo tại trạm khuyến nông huyện để báo cáo kết quả hoạt động trong tháng, tiếp nhận nhiệm vụ và những thông tin, yêu cầu của huyện, tỉnh trong việc chỉ đạo sản xuất ở cơ sở thời gian tới. KNV thường là những người ở địa phương nên am hiểu tình hình sản xuất, các loại cây trồng, con nuôi và tập quán sản xuất của người dân nên thuận lợi trong công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân tổ chức sản xuất.

Mạng lưới KNV là nguồn lực của cơ sở trong việc theo dõi quá trình sản xuất, kịp thời phát hiện dịch bệnh, báo cáo cho UBND xã và các cơ quan liên quan để có các biện pháp chỉ đạo, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và tham gia tích cực khắc phục hậu quả; phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra hoạt động kinh doanh, dịch vụ giống cây trồng, phân bón, thuốc BVTV; tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển sản xuất nông nghiệp, vận động nông dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất; theo dõi, giám sát, kiểm tra việc thực hiện mô hình, ghi chép số liệu để làm cơ sở tổng kết mô hình; cập nhật và cung cấp thông tin hai chiều về tình hình thị trường, giá cả các mặt hàng nông sản chính cho nông dân và trạm khuyến nông…

Thực tế cho thấy, hầu hết các KNV đều làm tốt công tác tham mưu UBND xã xây dựng được nhiều chương trình, kế hoạch hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất; đề xuất tổ chức các lớp tập huấn, xây dựng các mô hình nhằm chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới phù hợp với tình hình của từng địa phương, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập cho người dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của mạng lưới KNVCS vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại như khó tuyển dụng nhân lực, trình độ KNVCS không đồng đều; một số nơi quản lý lỏng lẻo, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho KNVCS hoạt động. Nhiều KNVCS thiếu kinh nghiệm và kiến thức thực tế, do vậy việc tham mưu cho xã về công tác khuyến nông, trồng trọt và BVTV còn yếu; chưa chủ động tham mưu xây dựng kế hoạch hoạt động, đề ra các nhiệm vụ công tác cần thực hiện hằng tháng, hằng quý phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ. Đội ngũ KNV, CTV ở nhiều địa phương còn kiêm nhiệm, thường xuyên có sự thay đổi. Yêu cầu của công tác khuyến nông đòi hỏi hiểu biết sâu rộng, nhạy bén, chuyển tải rất nhiều nguồn thông tin về KHKT và thị trường trong khi KNVCS chỉ mới chuyên sâu một lĩnh vực nên vẫn chưa đạt hiệu quả cao.

Chế độ BHXH, BHYT cho KNV ở một số địa phương chưa được giải quyết dứt điểm, chế độ phụ cấp thấp nên họ chưa quan tâm, mặn mà với công việc dẫn đến một số khó khăn trong việc điều hành, quản lý, một số KNV chưa thực sự tâm huyết với công việc. Nguồn kinh phí cho chương trình khuyến nông thấp nên có nhiều xã không có các mô hình trình diễn, các KNV tại các xã đó chưa có điều kiện tiếp cận, làm quen và thực hành vận dụng các kỹ năng khuyến nông vào thực tiễn sản xuất.

Từ thực tế trên, thời gian tới, công tác tuyển dụng KNV nên mở rộng tiêu chuẩn xét chọn về trình độ chuyên môn. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ KNVCS. Cần tuyển chọn đủ số lượng KNV và thực hiện đúng cam kết đạt chuẩn chuyên môn. Các xã cần quan tâm theo dõi, chỉ đạo, quản lý, điều hành tốt hơn nữa đội ngũ KNVCS và có những biện pháp ràng buộc với KNV. Cần quan tâm tạo điều kiện cho các KNV có môi trường hoạt động tốt. Quan tâm đến chế độ chính sách, đảm bảo quyền lợi cho các KNV. Cần quan tâm bố trí thêm ngân sách để trạm khuyến nông có nguồn đào tạo nâng cao kiến thức cho đội ngũ KNVCS để họ hoạt động có hiệu quả, yên tâm gắn bó với địa phương...

Lực lượng KNVCS ngày một đi vào hoạt động có nền nếp và khoa học, thực sự là cánh tay đắc lực của địa phương và cánh tay nối dài của khuyến nông. Vai trò tích cực của KNVCS đã góp phần đưa nhanh tiến bộ KHKT vào phát triển sản xuất, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra, đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới bền vững trong giai đoạn mới.

Võ Thái Hòa

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=149218