Xây dựng mạng lưới logistics hiện đại, kết nối các dịch vụ

Ban hành Nghị quyết về kết quả giám sát việc thực hiện lĩnh vực đột phá về phát triển thương mại, dịch vụ tổng hợp hiện đại, trọng tâm là dịch vụ du lịch, logistic, HĐND tỉnh Đồng Nai đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương xây dựng mạng lưới logistics hiện đại đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, khả năng kết nối các dịch vụ tại các Trung tâm logistics với các cảng biển, hàng không; ga đường sắt… nhất là tập trung đầu tư hạ tầng kết nối với Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành.

Bàn giao mặt bằng Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (Nghị quyết Đại hội) về lĩnh vực đột phá phát triển thương mại, dịch vụ tổng hợp hiện đại mà tỉnh có lợi thế, trọng tâm là dịch vụ du lịch, dịch vụ logistics, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai đã kịp thời ban hành các chương trình, kế hoạch để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện. Ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để thực hiện lĩnh vực đột phá theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội. Từ đó, việc thực hiện phát triển thương mại, dịch vụ tổng hợp hiện đại, dịch vụ du lịch, dịch vụ logistics đạt nhiều kết quả.

Trong đó, tỉnh đã lập quy hoạch 45 cảng biển, 18 cảng đã hoạt động; 9 cảng cạn được phê duyệt quy hoạch, hiện có 5 cảng cạn đang hoạt động. Về đầu tư hạ tầng giao thông phục vụ phát triển dịch vụ logistics, đã bàn giao 98,9% mặt bằng Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành; hoàn thành thông xe tuyến chính Phan Thiết - Dầu Giây; khởi công Dự án thành phần 1 và 2, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, dự án thành phần 3 - đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh và 2 tuyến giao thông quan trọng kết nối Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành… Về Phương án phát triển hệ thống logistics của tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đồng Nai có 4 trung tâm logistics. Về hạ tầng kinh doanh dịch vụ logistics, có 3 cảng đang hoạt động theo mô hình logistics. Theo quy hoạch, có 22 khu, điểm du lịch, 17 dự án du lịch đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư…

Quang cảnh buổi giám sát tại huyện Trảng Bom. Ảnh: Hồ Thảo

Quang cảnh buổi giám sát tại huyện Trảng Bom. Ảnh: Hồ Thảo

Tuy nhiên, qua gần 4 năm thực hiện, tỷ lệ chợ đạt chuẩn chợ văn minh, chợ có điểm kinh doanh an toàn thực phẩm, chợ đăng ký tham gia dự án truy xuất nguồn gốc còn thấp so với chỉ tiêu đề ra. Việc triển khai các dự án giao thông trọng điểm để bảo đảm kết nối với các trung tâm logistics của tỉnh và khu vực còn chậm, chưa đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển hàng hóa, dịch vụ. Các hoạt động liên quan đến dịch vụ logistics chậm triển khai thực. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu về phát triển du lịch còn thấp…

Kêu gọi đầu tư phát triển các loại hình du lịch lợi thế

Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả thực hiện lĩnh vực đột phá về phát triển thương mại, dịch vụ tổng hợp hiện đại, trọng tâm là dịch vụ du lịch, dịch vụ logistic, HĐND tỉnh Đồng Nai đề nghị Thường trực, các Ban HĐND tỉnh, Thường trực HĐND các huyện, thành tiếp tục tăng cường giám sát, kịp thời kiến nghị giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc để tiếp tục thực hiện hiệu quả lĩnh vực đột phá.

Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương rà soát, điều chỉnh, bổ sung các dự án khu thương mại, dịch vụ, chợ phù hợp với tình hình phát triển của từng địa phương, kịp thời bổ sung, cập nhật vào quy hoạch sử dụng đất, xây dựng. Quan tâm tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục đầu tư, cơ chế chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng cho các nhà đầu tư khi thực hiện dự án xây dựng hạ tầng thương mại. Ban hành tiêu chí về thương mại, dịch vụ tổng hợp hiện đại làm cơ sở đánh giá kết quả thực hiện. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số vào phát triển thương mại, dịch vụ. Xây dựng mối liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất, logistics và cung cấp dịch vụ thương mại điện tử để tối ưu hóa chi phí, thời gian đưa hàng hóa ra thị trường. Thúc đẩy, phát triển các hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt như: thanh toán bằng ví điện tử, mobile banking, thẻ, chuyển khoản ngân hàng... khắc phục dần thói quen mua sắm bằng tiền mặt của người dân.

Cùng với đó, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai đồng bộ, kịp thời các trung tâm logistics, các dự án cơ sở hạ tầng logistic gắn với phát triển thương mại, dịch vụ. Xây dựng mạng lưới logistics hiện đại đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, khả năng kết nối các dịch vụ tại các Trung tâm logistics với các cảng biển, cảng hàng không, ga đường sắt, các đầu mối giao thông đường bộ, nhất là tập trung đầu tư hạ tầng kết nối với Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành. Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực logistics, thu hút nhiều loại hình logistics, phấn đấu bảo đảm tỷ lệ lực lượng lao động qua đào tạo ngành logistics theo mục tiêu. Tiếp tục kêu gọi đầu tư các dự án phát triển du lịch, trong đó tập trung tạo điều kiện phát triển nhiều loại hình du lịch có lợi thế như: du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, du lịch về nguồn - tâm linh, du lịch nông nghiệp, nông thôn…

Đối với UBND các huyện, thành phố, phấn đấu đến hết nhiệm kỳ thực hiện đạt, vượt các chỉ tiêu như: chỉ tiêu chợ được công nhận chợ văn minh, chợ văn hóa; chợ đạt tiêu chuẩn về môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm…Tiếp tục kêu gọi nhà đầu tư có năng lực, đầu tư các dự án phát triển du lịch, dự án cung cấp dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông kết nối các trung tâm logistics, khu điểm du lịch. Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia sàn thương mại điện tử tỉnh để phát triển thương hiệu, mở rộng sản xuất kinh doanh theo hướng đưa các sản phẩm OCOP để quảng bá trên sàn thương mại điện tử của tỉnh…

Trần Thu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/xay-dung-mang-luoi-logistics-hien-dai-ket-noi-cac-dich-vu-i386080/