Xây dựng mạng lưới nhà báo điều tra bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp
Trọng tâm của Dự án 'Bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp' là phát triển mạng lưới nhà báo, phóng viên điều tra, đưa tin chống buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật tại Việt Nam.
Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) và Tổ chức TRAFFIC International, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Ban Quản lý các Dự án lâm nghiệp vừa chính thức ký kết hợp tác triển khai Dự án “Bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp,” nhằm giải quyết nạn buôn bán động vật hoang dã trái phép ở Việt Nam.
Nội dung trọng tâm của dự án trên tập trung vào việc xây dựng và phát triển “Mạng lưới nhà báo, phóng viên điều tra về tội phạm động vật hoang dã” nhằm phát hiện, đưa tin về tội phạm động vật hoang dã tại Việt Nam; từ đó góp phần thúc đẩy các hoạt động bảo vệ động vật hoang dã cũng như giảm nhu cầu tiêu thụ bất hợp pháp các sản phẩm động vật hoang dã, nhất là các loài hoang dã nguy cấp tại Việt Nam.
Tại lễ ký kết diễn ra vào cuối chiều nay, 15/2, ông Đỗ Quang Tùng - Quyền Trưởng ban Ban Quản lý các dự án lâm nghiệp, Giám đốc Ban Quản lý Trung ương Dự án Bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp cho biết tham gia mạng lưới trên, các nhà báo, phóng viên sẽ được đào tạo, tập huấn, hỗ trợ từ các tổ chức, chuyên gia các kiến thức, kinh nghiệm điều tra về hành vi săn bắt, buôn bán, vận chuyển, sử dụng động vật hoang dã trái phép.
Dự án cũng hướng tới việc tăng cường năng lực cho đội ngũ nhà báo, phóng viên về khung pháp lý, chính sách về bảo tồn động vật hoang dã; kỹ năng viết tin, bài và tham gia phát hiện và theo sát việc xử lý các vụ vi phạm từ phía cơ quan chức năng nhằm vận động sự ủng hộ, cam kết của lãnh đạo các cấp, các ban, ngành trung ương và địa phương, giải quyết nạn buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã trái pháp luật.
Trên cơ sở đó, ông Tùng mong muốn dự án sẽ góp phần lan tỏa thông điệp “Nói không với hành buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật hoang dã trái pháp luật trong toàn xã hội." Dự án cũng sẽ tôn vinh các tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thu hút sự quan tâm của công chúng đối với các vụ án liên quan đến tội phạm động vật hoang dã thông qua hoạt động trao giải báo chí hàng năm.
Về phía WWF, ông Crawford Allan - Giám đốc Cao cấp Chương trình phòng chống tội phạm động vật hoang dã nhấn mạnh buôn bán động vật hoang dã trái phép là vấn đề “nóng” mang tính toàn cầu, đe dọa nghiêm trọng tới đa dạng sinh học không chỉ của Việt Nam mà còn cả thế giới. Đây cũng là vấn đề rất phức tạp, kéo dài, đòi các bên cần phải ngồi với nhau để bàn cũng như đưa ra hướng giải quyết.
Theo ông Crawford Allan, trong vòng 20 năm qua, Việt Nam đã trở thành điểm sáng trong bức tranh về phát triển kinh tế, song do yếu tố về địa lý nên Việt Nam cũng được coi là điểm trung chuyển động vật hoang dã trái phép. Vì thế, ông bày tỏ mong muốn Việt Nam sẽ là nước đi đầu trong việc triển khai ngăn chặn các hoạt động chuống buôn bán động vật hoang dã trái phép trong thời gian tới.
“Buôn bán động vật hoang dã là hành vi không thể dung thứ, cần phải xử lý nghiêm. Do vậy, thông qua dự án, đặc biệt là việc mở rộng, phát triển Mạng lưới nhà báo, phóng viên điều tra về tội phạm động vật hoang dã, tôi hy vọng các hoạt động tới đây sẽ góp phần nâng cao nhận thức cho cộng đồng, qua đó giảm nhu cầu tiêu thụ bất hợp pháp sản phẩm động vật hoang dã tại Việt Nam," ông Crawford Allan nhấn mạnh./.