Xây dựng mạng lưới tư vấn tâm lý trong trường học

Theo các chuyên gia, công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường học cần được quan tâm sâu sắc hơn nữa không chỉ vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, mà đây là vấn đề đã và đang được cả xã hội quan tâm...

Buổi sinh hoạt ngoài giờ của học sinh Trường THPT Nguyễn Du, quận 10.

Buổi sinh hoạt ngoài giờ của học sinh Trường THPT Nguyễn Du, quận 10.

Cùng với việc nâng cao chất lượng chuyên môn, chất lượng đào tạo theo xu hướng hội nhập quốc tế, ngành giáo dục thành phố Hồ Chí Minh rất quan tâm việc giáo dục đạo đức, lý tưởng, kỹ năng sống cho học sinh nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện cho các em. Thực tế cho thấy, tác động của môi trường xã hội từ bên ngoài đã có những ảnh hưởng nhất định đến môi trường giáo dục, suy nghĩ, lối sống của một bộ phận học sinh.

Qua đó, hình thành một bộ phận học sinh có lối sống thực dụng, ích kỷ, đua đòi, hưởng thụ; tình trạng tiêu cực trong nhiều ngõ ngách, nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, sự giảm sút quan tâm của các bậc phụ huynh... đã tác động trực tiếp đến các em học sinh, lứa tuổi đang rất cần được chia sẻ, cảm thông cũng như giải đáp những thắc mắc.

Hiện, số học sinh gặp phải những vấn đề về sức khỏe tâm thần (stress, trầm cảm, lo âu) ngày càng nhiều. Đây là lứa tuổi chuyển tiếp từ trẻ em sang người lớn, giai đoạn phát triển đặc biệt với những thay đổi rõ rệt về tâm, sinh lý, thay đổi về các mối quan hệ xã hội để đáp ứng những yêu cầu về lứa tuổi, chính vì vậy cũng xuất hiện nhiều rối loạn tâm lý so với các lứa tuổi khác, là trở ngại hàng đầu của học sinh trên con đường học tập. Trong bối cảnh đó, công tác tư vấn tâm lý trong trường học được xem là một biện pháp tích cực, có ý nghĩa hết sức quan trọng công tác giáo dục hiện nay.

Giáo viên tư vấn tâm lý Phạm Thị Hoàn, Trường trung học phổ thông Bình Khánh, huyện Cần Giờ cho biết, sự phát triển của nền kinh tế thị trường, ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài đã kéo theo sự thay đổi diễn biến đời sống tâm lý con người, nhất là lứa tuổi học sinh trung học phổ thông. Nhu cầu được hỗ trợ về mặt tinh thần để phát triển thuận lợi nhất ngày càng trở nên cấp bách hơn đối với thế hệ trẻ. Làm tốt công tác tham vấn học đường sẽ góp phần giảm những tình trạng tiêu cực gây nhức nhối xã hội như bạo lực học đường hay những hệ lụy xảy ra khi học sinh ứng xử chưa chuẩn mực. Vì vậy, có thể nói, trong giáo dục hiện nay, vai trò của người làm công tác tham vấn tâm lý trong trường học có ý nghĩa đặc biệt.

Từ năm 2017, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông tạo điều kiện cho giáo viên, nhân viên đã được bổ nhiệm trước đây về vị trí việc làm là nhân viên tư vấn tâm lý phụ trách chính về chuyên môn và kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ tại nhà trường. Đồng thời, các trường tạo điều kiện cho giáo viên, nhân viên tâm lý tham gia các khóa đào tạo để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ.

Tuy vậy, đến nay, rất ít đơn vị thực hiện được. Có ba nguyên nhân cơ bản. Trước hết là lực lượng giáo viên tâm lý công tác tại các trường học phổ thông không được biên chế, lại kiêm nhiệm rất nhiều nhiệm vụ khác nên không thể tập trung chuyên môn. Thứ hai, lương, chính sách đãi ngộ, chế độ làm việc của các trường chưa thu hút được lực lượng có chuyên môn và nghiệp vụ tư vấn và quy định nguồn ngân sách khó để trường chủ động thực hiện hợp đồng với chuyên gia tư vấn tâm lý. Thứ ba, các trường có tổ tư vấn giáo viên tâm lý thì phần lớn là giáo viên kiêm nhiệm chứ không có chuyên môn nghiệp vụ tư vấn tâm lý theo quy định.

Hiện, toàn thành phố có 646 trường thành lập phòng tư vấn tâm lý; hơn 10 nghìn giáo viên, nhân viên được phân công làm công tác tư vấn tâm lý học đường nhưng trong số này chỉ có hơn 1.700 giáo viên, nhân viên được tập huấn, bồi dưỡng cấp chứng chỉ theo đúng quy định. Thời gian qua, lực lượng này đã tư vấn tâm lý cho 580 nghìn học sinh về lứa tuổi, giới tính, sức khỏe sinh sản vị thành niên; hơn 887 nghìn học sinh được tư vấn giáo dục kỹ năng, biện pháp ứng xử văn hóa, phòng, chống bạo lực, xâm hại và xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; 149 nghìn học sinh tham vấn tâm lý khi gặp khó khăn cần can thiệp…

Giáo viên tư vấn tâm lý Phạm Thị Hoàn kiến nghị, mỗi trường nên có một giáo viên chuyên trách về công tác tham vấn tâm lý học đường. Người làm công tác chuyên trách về tham vấn tâm lý trong trường học bao gồm cả tham vấn tâm lý và giảng dạy các chuyên đề kỹ năng sống, giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường, cho nên cần có định biên chức danh giáo viên tham vấn tâm lý trường học.

Theo Tiến sĩ Huỳnh Văn Chẩn, Trưởng khoa Công tác xã hội, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn thành phố Hồ Chí Minh, các cơ sở giáo dục cần thành lập phòng tư vấn chuyên nghiệp, cán bộ tư vấn tâm lý cần trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng và kỹ thuật tư vấn tâm lý. Mỗi phòng giáo dục cần đào tạo một người làm công tác tư vấn chuyên nghiệp, từ đó, xây dựng hệ thống đội ngũ chuyên nghiệp cho các trường phổ thông. Đồng thời, cần quy định chuẩn về trình độ giáo viên làm công tác tư vấn tâm lý để hoạt động tư vấn mang tính chuyên nghiệp, hiệu quả, tránh chạy theo thành tích nhưng không mang lại hiệu quả thực chất cho học sinh.

Bài và ảnh: KHÁNH TRÌNH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-chung1/xay-dung-mang-luoi-tu-van-tam-ly-trong-truong-hoc-698875/