Xây dựng mô hình chính quyền thân thiện: Thiết thực, vì dân phục vụ

Sau 5 năm triển khai, mô hình 'Chính quyền thân thiện' (CQTT) đã được nhân rộng đến 85% số xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Từ việc thực hiện mô hình đã nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức về xây dựng ý thức tôn trọng, phục vụ, phát huy quyền làm chủ của người dân.

Thực hiện Đề án số 01 ngày 24/4/2019 của Ban Dân vận Tỉnh ủy và UBND tỉnh về xây dựng mô hình điểm CQTT cấp cơ sở, ban thường vụ các huyện ủy, thành ủy đã thành lập ban chỉ đạo thực hiện mô hình ở cấp huyện đồng thời chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thành lập ban chỉ đạo thực hiện mô hình. Trong những năm đầu triển khai, mỗi huyện, thành phố lựa chọn 1 - 2 xã thực hiện thí điểm. Đến nay mô hình đã được nhân rộng đến hầu hết các xã.

Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức

Trong xây dựng mô hình CQTT, một trong những nhiệm vụ trong tâm được các cấp ủy, chính quyền chú trọng thực hiện đó là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức vừa đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ vừa có văn hóa công sở, giao tiếp văn minh, tận tình với người dân. Theo đó, cấp ủy, chính quyền cấp xã đã bố trí, lựa chọn cán bộ có chuyên môn vững, có kinh nghiệm, làm việc tại bộ phận “một cửa”. Hiện nay, trung bình mỗi bộ phận "một cửa" cấp xã gồm 5 - 6 cán bộ, công chức, trong đó có 1 đồng chí phó chủ tịch UBND phụ trách. Hằng năm, các cán bộ, công chức đều được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, văn hóa công vụ.

Cán bộ xã Đông Quan, huyện Lộc Bình tuyên truyền chính sách, pháp luật đến người dân

Cán bộ xã Đông Quan, huyện Lộc Bình tuyên truyền chính sách, pháp luật đến người dân

Đáng chú ý là cả các đơn vị xây dựng mô hình đều lắp biển hiệu “5 biết, 4 luôn, 3 thể hiện” (biết nghe dân nói, biết nói dân hiểu, biết làm dân tin, biết xin lỗi, biết cảm ơn; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu, luôn giúp đỡ; thể hiện tôn trọng, văn minh, gần gũi). Đây là những lời nhắc nhở giúp cán bộ, công chức luôn ý thức việc giữ gìn phẩm chất, ứng xử văn minh, lịch sự, trách nhiệm trong phục vụ người dân.

Bà Lường Mỹ Hà, công chức tư pháp - hộ tịch thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình chia sẻ: Tư pháp - hộ tịch là lĩnh vực tiếp nhận nhiều hồ sơ thủ tục hành chính nhất (hơn 1.000 hồ sơ) trong tổng số hồ sơ phát sinh ở thị trấn, đây cũng là lĩnh vực có nhiều thay đổi trong quy trình thực hiện. Bởi vậy, để hoàn thành tốt công việc, chúng tôi luôn học hỏi, tìm hiểu để nâng cao hiệu quả công việc. Trong giao tiếp, ứng xử với người dân, chúng tôi luôn văn minh, thân thiện, sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ người dân khi cần, không để chậm, hạn các thủ tục, gây phiền hà cho người dân.

Cũng như tại thị trấn Na Dương, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức các xã, phường, thị trấn nói chung và các đơn vị cơ sở xây dựng mô hình CQTT ngày càng được nâng lên. Qua đó góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng phục vụ người dân, từng bước chuyển từ "mệnh lệnh hành chính" sang "phục vụ, vận động, thuyết phục". Theo khảo sát tại các đơn vị thực hiện mô hình, tỷ lệ người dân hài lòng khi đến liên hệ thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) đều đạt từ trên 95 đến 99%.

Đẩy mạnh cách thủ tục hành chính, phục vụ người dân tốt hơn

Một trong những nội dung quan trọng và đạt được nhiều chuyển biến tích cực từ việc triển khai mô hình CQTT đó là sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành trong đẩy mạnh cải cách TTHC. Hiện nay, tại cấp xã đều thực hiện công khai, niêm yết các TTHC trong đó có một số xã thực hiện niêm yết công khai bằng mã QR-Code để người dân tiện theo dõi và nắm bắt quy trình, lệ phí...

Trong công tác giải quyết hồ sơ TTHC, nhờ bố trí đủ số người nên bộ phận “một cửa” phát huy hiệu quả, đảm bảo thực hiện nguyên tắc "4 tại chỗ" (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả), giúp tiết kiệm thời gian, công sức cho người dân khi thực hiện TTHC. Song song với đó, trong thời gian qua, việc đăng ký, giải quyết TTHC qua dịch vụ công trực tuyến đã tạo đột phá quan trọng trong công tác cải cách TTHC. Thông qua dịch vụ công trực tuyến đã tạo nhiều thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện hồ sơ TTHC ở mọi lúc, mọi nơi, tiết kiệm thêm thời gian, chi phí, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện các thủ tục.

Anh Hoàng Văn Tuấn, thôn Làng Ngôn, xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng phấn khởi: Từ khi được hướng dẫn cài đặt và cách nộp hồ sơ trên cổng dịch vụ công trực tuyến, chúng tôi đã bước đầu sử dụng dịch vụ này. Đối với thanh niên thường xuyên đi làm ăn xa nhà, việc triển khai thực hiện các thủ tục qua dịch vụ này mang lại những thuận tiện bởi chúng tôi có thể nộp hồ sơ ở bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu mà không cần thiết phải đến trụ sở cơ quan hành chính Nhà nước.

Tăng cường đối thoại, lắng nghe Nhân dân

Trong thực hiện mô hình CQTT, cấp ủy, chính quyền cấp xã đã xây dựng, củng cố mối quan hệ gần gũi, thân thiện với người dân, luôn lắng nghe, kịp thời giải quyết kiến nghị chính đáng của người dân.

Đáng chú ý phải kể đến là việc duy trì và đưa hoạt động đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với người dân vào nền nếp, chiều sâu, hiệu quả. Từ 2019 đến nay, mỗi xã, phường, thị trấn cơ bản đều tổ chức được 1 hoặc 2 cuộc đối thoại/năm trở lên. Qua đối thoại, nhiều vấn đề người dân quan tâm, kiến nghị chính đáng đã được giải quyết, cụ thể như hỗ trợ xi măng làm đường, xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt nông thôn, lắp đèn chiếu sáng đường thôn, hỗ trợ vay vốn sản xuất...

Lãnh đạo UBND xã Minh Hòa, huyện Hữu Lũng trao giấy chứng nhận kết hôn và chúc mừng người dân đến làm thủ tục

Lãnh đạo UBND xã Minh Hòa, huyện Hữu Lũng trao giấy chứng nhận kết hôn và chúc mừng người dân đến làm thủ tục

Cùng đó, thời gian qua, chính quyền các cấp đã triển khai các phong trào cán bộ, công chức, viên chức của huyện và xã cùng người dân xây dựng một số tiêu chí nông thôn mới. Đó là phong trào "Ngày thứ Bảy xây dựng nông thôn mới" của huyện Đình Lập, "Ngày chủ nhật đỏ" tại Chi Lăng, "Ngày cuối tuần cùng dân" tại Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Lãng...

Bà Nông Thị Thùy, thôn Cao Minh, xã Bằng Hữu, huyện Chi Lăng chia sẻ: Việc các cán bộ, công chức, viên chức của huyện, xã về cùng dân tham gia thực hiện các hoạt động làm đường bê tông, làm sân nhà văn hóa, xây lò đốt rác, nhà vệ sinh và cùng lao động sản xuất với người dân có ý nghĩa rất thiết thực. Qua đây chúng tôi cảm thấy các cán bộ, công chức gần gũi hơn, thân thiện, sẵn sàng làm cùng dân, lắng nghe ý kiến của người dân, nhờ đó chúng tôi có thêm động lực để nỗ lực thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

Song song với các nhiệm vụ trên, trong thời gian qua, để nhân rộng và phát huy hiệu quả mô hình CQTT, các cấp ủy trên địa bàn đã quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa mô hình, những cách làm hay, hiệu quả trong xây dựng mô hình trên các kênh thông tin khác nhau. Đồng thời, chú trọng các hoạt động tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định, quan tâm gửi các thư cảm ơn, chúc mừng, tạo sự gắn kết giữa chính quyền với người dân. Các xã, phường, thị trấn đã quan tâm tu sửa, nâng cấp cơ sở vật chất nhất là tại bộ phận "một cửa", nơi thường xuyên tiếp xúc, giải quyết các công việc cho người dân. Nhờ quan tâm triển khai thực hiện các giải pháp trên, việc thực hiện Đề án số 01 trên địa bàn tỉnh đã đạt những kết quả đáng ghi nhận. Nếu như những năm đầu triển khai mỗi huyện, thành phố lựa chọn 1 - 2 đơn vị xã để triển khai mô hình CQTT thì đến nay, toàn tỉnh đã có trên 170 dơn vị cấp xã triển khai mô hình, chiếm 85% tổng số xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh...

Để tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình CQTT ở cơ sở, thời gian tới, Ban Dân vận Tỉnh ủy sẽ tham mưu tổ chức sơ kết việc thực hiện mô hình, đồng thời tham mưu điều chỉnh một số tiêu chí và một số nội dung của Đề án đảm bảo cho phù hợp, hướng tới nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phục vụ Nhân dân ngày càng tốt hơn.

“Để xây dựng mô hình CQTT, các đơn vị đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, đó là tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc xây dựng mô hình; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu công việc, thực hiện văn minh, văn hóa công sở, ban hành các mẫu bảng biểu, mẫu phiếu khảo sát, mẫu thư (cảm ơn, xin lỗi), đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, quan tâm công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư, tổ chức đối thoại với người dân. Qua từng năm, việc triển khai mô hình đã có những chuyển biến tích cực, trong đó nổi bật là tạo chuyển biến trong thái độ phục vụ của cán bộ, công chức xây dựng, thiết lập được mối quan hệ gần gũi, thân thiện giữa chính quyền với người dân.”
Ông Nông Hồng Giang, Trưởng Phòng Dân vận các cơ quan Nhà nước, Dân tộc và Tôn giáo, Ban Dân vận Tỉnh ủy

PHƯƠNG DUNG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/xay-dung-mo-hinh-chinh-quyen-than-thien-thiet-thuc-vi-dan-phuc-vu-5013295.html