Xây dựng mô hình phân loại và xử lý chất thải rắn ở hộ gia đình
Theo số liệu thống kê, bình quân mỗi ngày trên toàn tỉnh có khoảng 345 tấn rác thải sinh hoạt phát sinh. Nhờ tích cực tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức cho người dân cũng như triển khai nhiều giải pháp để thu gom, xử lý chất thải rắn nên tỉ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn ở đô thị đạt khoảng 94,08%, khu vực nông thôn đạt khoảng 81,5%.
Tuy nhiên, vấn đề phân loại rác thải sinh hoạt và xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Trên thực tế, chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn nông thôn hầu hết chưa được phân loại tại nguồn. Tại bãi chôn lấp, một số loại chất thải rắn được tái chế, phân loại, thu gom bởi những người thu nhặt phế liệu. Do tỉ lệ phân loại chất thải rắn thấp nên lượng rác chủ yếu là chôn lấp. Mặt khác, các bãi rác địa phương hiện nay đã quá tải. Công suất xử lý của các bãi rác hiện tại không thể đáp ứng được các nhu cầu xử lý chất thải rắn sinh hoạt, đòi hỏi phải có giải pháp hạn chế lượng rác tập kết, xử lý. Do đó, việc nhân rộng các mô hình phân loại rác thải tại nguồn cùng với sự chung tay của người dân sẽ xử lý chất thải rắn sinh hoạt có hiệu quả và góp phần bảo vệ môi trường sống.
Nhằm giảm bớt lượng chất thải rắn phát sinh tập trung tại các bãi chôn lấp, gây quá tải và giảm tuổi thọ các bãi chôn lấp trên địa bàn, đòi hỏi phải thực hiện phân loại tại nguồn, trong đó giải pháp đưa ra là xử lý chất thải hữu cơ tại các hộ gia đình khu vực nông thôn. Việc phân loại rác, xử lý tại chỗ rác hữu cơ tại khu vực nông thôn vừa giảm lượng rác thải phát sinh, giảm khối lượng rác vận chuyển, kéo dài thời gian vận hành của các bãi chứa rác của các địa phương, đồng thời tạo ra nguồn phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp. Mặt khác trong dự thảo Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025 thì phân loại rác tại nguồn là một chỉ tiêu mới được bổ sung trong tiêu chí môi trường của cả 3 cấp xã, huyện, tỉnh nông thôn mới.
Thực tế cho thấy, phân loại rác tại nguồn được xem là một giải pháp quản lý rác thải, bảo vệ môi trường (BVMT) bền vững, phân loại tốt hạn chế khối lượng lớn hữu cơ trong rác thải sinh hoạt (ước tính khoảng 50 -70%) ra bãi rác, tương đương với việc giảm 50 % chi phí thu gom, xử lý rác. Do đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 530/KH ngày 11/2/2019 về thực hiện chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Từ đó đưa ra mục tiêu đến năm 2025 có 85% đô thị còn lại có công trình tái chế chất thải rắn phù hợp với việc phân loại tại hộ gia đình. Bên cạnh đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đưa ra chỉ tiêu cho giai đoạn 2020 - 2025 tỉ lệ thu gom, xử lý rác thải đô thị đạt 98% và khu vực nông thôn đạt 60%. Để làm được điều đó thì sự tham gia tích cực của các hộ dân vào việc thực hiện mô hình phân loại rác thải hộ gia đình đóng vai trò quan trọng để nhân rộng tại địa bàn dân cư.
Trên cơ sở đó, trong 2 năm 2019 -2020, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã triển khai thực hiện các mô hình thí điểm về phân loại, xử lý rác sinh hoạt tại nguồn khu vực nông thôn cho 840 hộ trên địa bàn các xã Hải Hưng (Hải Lăng), Triệu Hòa (Triệu Phong), Hải Thái (Gio Linh), Vĩnh Thái (Vĩnh Linh) và Triệu Nguyên (Đakrông). Trên cơ sở mô hình thí điểm, một số địa phương ở huyện Hải Lăng, Cam Lộ... cũng đã triển khai nhân rộng trên địa bàn huyện, bước đầu ghi nhận tỉ lệ rác thải được phân loại tại nguồn tại các địa phương năm 2020 là hơn 11%. Hải Lăng là huyện đi đầu trong công tác phân loại rác tại nguồn với hơn 250 hộ tham gia, tỉ lệ rác phân loại tại nguồn 6%. Trong đó, Hội LHPN huyện Hải Lăng là đơn vị tiên phong trong việc thí điểm thực hiện mô hình phân loại và xử lý rác tại hộ gia đình.
Trong điều kiện hiện nay do hạ tầng phục vụ việc phân loại tại nguồn, thu gom, xử lý tập trung trên địa bàn chưa đồng bộ thì việc triển khai các mô hình thí điểm mang lại hiệu quả thiết thực cho vùng nông thôn; các mô hình đã nâng cao ý thức BVMT, phân loại, thu gom, xử lý rác sinh hoạt cho người dân; giảm lượng rác vận chuyển đến bãi chôn lấp tập trung, giảm chi phí cho công tác thu gom, vận chuyển; góp phần vào thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Sở TN&MT đã tiến hành đánh giá tổng kết và xây dựng kế hoạch triển khai nhân rộng mô hình phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn phù hợp với vùng nông thôn, đô thị trên địa bàn. Đồng thời đặt ra chỉ tiêu đến năm 2025 đạt tỉ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở đô thị là 98%; ở nông thôn là 70%, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn phấn đấu đến năm 2025 đạt 40%.
Luật Bảo vệ môi trường được ban hành năm 2020 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 trong đó có nhiều điểm mới về định hướng công tác quản lý môi trường. Đặc biệt cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác BVMT; tăng cường công khai thông tin, tham vấn, phát huy vai trò của cộng đồng trong các hoạt động BVMT. Ngoài ra, luật cũng đã quy định rõ hơn về phân loại rác thải tại nguồn; định hướng cách thức quản lý, ứng xử với chất thải, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Đây chính là công cụ pháp lý quan trọng để tăng cường công tác quản lý BVMT nói chung và đẩy mạnh công tác phân loại rác thải tại nguồn, xử lý chất thải rắn ở hộ gia đình nói riêng.