Xây dựng mô hình sản xuất - Chậm nhưng phải chắc

Những năm qua, số lượng hội viên nông dân kết nạp mới ngày càng tăng, nông dân đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG) các cấp năm sau đều cao hơn năm trước. Thế nhưng, thực tế một số mô hình sản xuất còn mang tính tự phát, chưa có sự liên kết giữa các hộ nông dân với nhau, đầu ra không ổn định, cung lớn hơn cầu, bị thương lái ép giá... Ðó là thực trạng mà phần lớn nông dân trên địa bàn tỉnh đang đối mặt.

Mạnh về số lượng

Năm 2023, hội nông dân các cấp phát triển mới 5.491 hội viên, nâng tổng số toàn tỉnh lên hơn 103.100 hội viên. Trong năm có 134.713 hội viên, nông dân đăng ký thực hiện danh hiệu SXKDG các cấp; cuối năm có 81.693 hộ đạt danh hiệu. Toàn tỉnh có 287 hợp tác xã (HTX); 990 tổ hợp tác (THT); 10 câu lạc bộ (CLB) nông dân tỷ phú.

Bà Trần Thị Quyết, Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết: “Phong trào nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững được phát triển sâu rộng, có sức lan tỏa, thu hút được nhiều hội viên, nông dân tham gia. Cụ thể, có gần 500 hộ tiêu biểu thu nhập đạt từ 1 tỷ đồng/năm. Tỉnh hội cũng chỉ đạo hội nông dân các cấp hướng tới thành lập nhiều hơn CLB nông dân tỷ phú trong thời gian tới”.

Cần có những cơ chế đặc thù và hướng đi bền vững để thu hút nông dân tham gia tổ chức hội.

Cần có những cơ chế đặc thù và hướng đi bền vững để thu hút nông dân tham gia tổ chức hội.

Bên cạnh đó, hoạt động vận động, xây dựng, quản lý quỹ Hỗ trợ nông dân đạt hiệu quả, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của hội viên trong phát triển sản xuất, tạo ra nhiều mô hình mang lại giá trị kinh tế, giải quyết được việc làm cho lao động nhàn rỗi, góp phần phát triển kinh tế gia đình và nâng chất đời sống hội viên. Nguồn quỹ này tăng trưởng trong năm 2023 trên 11 tỷ đồng. Ðã giải ngân 160 dự án, số tiền trên 28,6 tỷ đồng, cho 1.433 hộ vay.

Tranh thủ nguồn lực từ Trung ương Hội, năm qua, Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng 6 mô hình, dự án sản xuất hiệu quả, gồm: mô hình “Hội Nông dân tham gia thu gom vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật", xã Viên An, huyện Ngọc Hiển; Dự án “Thúc đẩy tiếp cận an sinh xã hội và điều kiện lao động tốt hơn cho nữ nông dân và lao động thời vụ nông nghiệp trong chuỗi giá trị tôm và lúa gạo tại Việt Nam", thực hiện tại huyện Trần Văn Thời và TP Cà Mau (mỗi huyện thực hiện 4 điểm tại 4 xã); dự án tôm - lúa tại huyện Trần Văn Thời.

Thiếu mô hình nhân rộng

Phải nhìn nhận là số lượng mô hình của các cấp hội nông dân đều tăng lên hằng năm. Tuy nhiên, có nhiều mô hình chưa phát huy hiệu quả để nhân rộng trong hội viên. Ông Trần Huy Quang, Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện U Minh, chia sẻ: “Năm 2023, các cấp hội thành lập mới 16 THT, nâng tổng số THT trên địa bàn huyện lên 71 THT; thành lập mới 1 HTX; kết nạp mới 531 hội viên, nâng tổng số hội viên trên địa bàn huyện lên 8.802 hội viên. Nhìn chung, các cấp hội hoạt động tương đối tốt. Tuy nhiên, ngoài THT hoạt động hiệu quả, nhất là THT lúa - tôm trên địa bàn huyện, còn lại các THT khác hoạt động cầm chừng, khó nhân rộng vì nhiều lý do”.

Mô hình nuôi heo hơi hiện khó nhân rộng vì giá cả bấp bênh thêm dịch bệnh hoành hành. Người nông dân trên địa bàn tỉnh chỉ nuôi cầm chừng.

Mô hình nuôi heo hơi hiện khó nhân rộng vì giá cả bấp bênh thêm dịch bệnh hoành hành. Người nông dân trên địa bàn tỉnh chỉ nuôi cầm chừng.

Ghi nhận thực tế trên địa bàn huyện U Minh, nhiều THT khó nhân rộng và thu hút thêm hội viên. Ðiển hình như mô hình nuôi heo hơi tại Ấp 3, xã Khánh Tiến. Ông Tăng Văn Ngoan, Bí thư Chi bộ ấp, chia sẻ: “THT được thành lập từ năm 2020, ban đầu có 14 tổ viên. Qua 4 năm hoạt động, giờ THT còn 10 tổ viên. Nguyên nhân do dịch tả heo châu Phi xảy ra trên diện rộng, làm cho đàn heo chết hàng loạt, cộng với giá heo hơi giảm liên tục, trong khi giá nguyên liệu thì tăng cao, người nuôi không còn lời nên có người bỏ chuồng, có người nuôi cầm chừng. Hiện nay, mô hình này muốn nhân rộng là rất khó khăn”.

Ông Quang cho biết thêm: “Ðầu ra luôn là vấn đề nan giải của các cấp hội. Dù nông dân có tham gia vào các THT, HTX nhưng vẫn bị thương lái ép giá. Nếu không bán thì không được, nếu bán thì chịu lỗ”. Ðiển hình như các THT lúa - tôm trên địa bàn huyện, nếu tới thời điểm thu hoạch mà không có giá hoặc bị thương lái ép giá thì vẫn phải bán, vì mặt hàng này không dự trữ lâu được. Ðây là một trong những bất cập của nông dân hiện nay.

Tại buổi làm việc với Hội Nông dân tỉnh vào ngày 10/4 vừa qua, đồng chí Nguyễn Tiến Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh, nhấn mạnh: “Tất yếu các cấp hội phải phát triển theo hướng liên kết, tập thể. Không chạy theo số lượng mà cần đặt chất lượng lên hàng đầu. Mô hình nào phải ra mô hình đó, chậm nhưng phải chắc. Phải lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nông dân để từ đó xây dựng những mô hình phù hợp với thực tiễn tại địa phương”.

Có thể nói, xây dựng và phát huy hiệu quả các mô hình sản xuất có ý nghĩa quan trọng đối với nhiều địa phương. Vì vậy, để các mô hình sản xuất nông nghiệp được nhân rộng và phát huy, các cấp hội cần quan tâm rà soát các mô hình trên địa bàn để có kế hoạch phát triển phù hợp, tránh việc phát triển ồ ạt theo phong trào. Ðặc biệt, phát triển các mô hình gắn với liên kết, bao tiêu sản phẩm, tạo ra sản phẩm nông nghiệp đáp ứng nhu cầu của thị trường./.

Kim Cương

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/xay-dung-mo-hinh-san-xuat-cham-nhung-phai-chac-a32191.html