Xây dựng mô hình trồng thử nghiệm cây dây thìa canh
Trước nhu cầu chăm sóc sức khỏe dựa vào y học cổ truyền ngày càng tăng, việc phát triển các loại cây dược liệu phục vụ bào chế thuốc là sự lựa chọn đúng hướng của nhiều địa phương trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Những năm qua, trên địa bàn Quảng Trị cây dược liệu đang được các địa phương chú trọng phát triển nhằm cung cấp nguyên liệu chế biến các loại sản phẩm mới có lợi cho sức khỏe và mang lại thu nhập đáng kể cho người trồng. Nhằm phát triển phong phú các loại cây dược liệu quý trên địa bàn, Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ và thông tin KH&CN Quảng Trị đã xây dựng thử nghiệm mô hình cây dây thìa canh với nhiệm vụ: 'Hoàn thiện quy trình và xây dựng mô hình trồng cây dây thìa canh tại Quảng Trị'.
Cây dây thìa canh là loại cây dược liệu có tác dụng giảm đường huyết nhanh, giảm cholesterol máu, giảm béo phì... Đây là loại cây tương đối dễ trồng, phù hợp với nhiều chân đất khác nhau, đặc biệt vùng đồi núi. Dây leo cao 6- 10 m, nhựa mủ màu trắng. Thân có lóng dài 8- 12 cm, đường kính 3 mm, có lỗ bì thưa. Lá có phiến bầu dục, trứng ngược, dài 6- 7 cm, rộng 2,5- 5 cm, đầu nhọn, có mũi, gân phụ 4- 6 cặp, rõ ở mặt dưới, nhăn lúc khô; cuống dài 5- 8 mm. Hoa nhỏ, màu vàng, xếp thành xim dạng tán ở nách lá, cao 8 mm, rộng 12- 15 mm; đài có lông mịn và rìa lông; tràng không lông ở mặt ngoài, tràng phụ là 5 răng. Quả đại dài 5,5 cm, rộng ở nửa dưới; hạt dẹp, lông mào dài 3 cm. Cây ra hoa vào tháng 7 và đậu quả vào tháng 8. Khi chín quả của cây này rụng xuống và tách đôi giống 2 chiếc thìa.
Mục tiêu của nhiệm vụ là xây dựng thành công mô hình trồng thử nghiệm cây dây thìa canh; đánh giá tính thích nghi của cây dây thìa canh tại tỉnh; từ đó hoàn thiện quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc cây dây thìa canh phù hợp với điều kiện của Quảng Trị. Để mô hình thực hiện hiệu quả, Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và thông tin KH&CN Quảng Trị đã cử cán bộ đi tham quan học tập kinh nghiệm mô hình trồng cây dây thìa canh theo tiêu chuẩn GACPWHO tại các tỉnh phía Bắc; tiến hành khảo sát, chọn địa điểm, phân tích mẫu đất để xây dựng mô hình tại địa bàn Quảng Trị. Vùng đất được chọn là vùng đất cao ráo, thoát nước tốt, tầng đất sâu, dày, giàu mùn, không lẫn sỏi đá. Trung tâm đã triển khai nhân giống từ hạt với 10.000 hạt giống cây dây thìa canh, tỉ lệ nảy mầm đạt 90%. Địa bàn xã thôn Tân Phổ, Triệu Ái, Triệu Phong được chọn làm mô hình trồng thử nghiệm với diện tích 4 sào. Trung tâm hỗ trợ giống, phân bón cho hộ gia đình sản xuất. Cán bộ kỹ thuật của trung tâm đã hướng dẫn trực tiếp cho hộ dân trồng cây dây thìa canh bằng phương pháp hữu cơ.
Quá trình thực hiện có sự giám sát, theo dõi, thu thập, ghi chép các chỉ số sinh trưởng, sâu bệnh gây hại cây dây thìa canh để từ đó hoàn thiện quy trình kỹ thuật canh tác. Mô hình thử nghiệm cây dây thìa canh ở xã Triệu Ái được trồng theo định hướng organic với tiêu chuẩn 4 không: “Không phân bón hóa học, không thuốc diệt cỏ, không thuốc trừ sâu hóa học, không biến đổi gen” để đảm bảo nguồn dược liệu sạch, an toàn. Ông Nguyễn Văn Tự, ở thôn Tân Phổ, xã Triệu Ái, Triệu Phong cho biết: “Được Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và thông tin KH&CN tỉnh đầu tư xây dựng mô hình trồng thử nghiệm cây dây thìa canh, gia đình tôi rất phấn khởi và chú trọng đầu tư chăm sóc đúng theo kỹ thuật của trung tâm hướng dẫn nên kết quả đạt tốt. Trồng 6 tháng là cho thu hoạch lá. Cứ 3 tháng tôi thu hoạch 1 lứa rồi bán toàn bộ cho trung tâm. So với trồng các loại cây khác ở vùng gò đồi thì trồng dây thìa canh cho thu nhập cao hơn”.
Đánh giá về kết quả trồng thử nghiệm trồng cây dây thìa canh, kỹ sư Nguyễn Thị Minh Huyền, Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và thông tin KH&CN Quảng Trị cho biết: “Sau 2 năm trồng thử nghiệm cây dây thìa canh đã khẳng định được tính thích nghi cao của loại cây này đối với khí hậu, thời tiết của tỉnh. Cây cho năng suất cao, chất lượng lá tốt. Trung tâm cũng đã tiến hành sản xuất thành công trà hòa tan dây thìa canh, sắp tới sẽ thương mại hóa sản phẩm nên cần lượng nguyên liệu khá nhiều, có thể mở rộng diện tích vùng nguyên liệu”.
Kết quả trồng thử nghiệm cho thấy cây dây thìa canh phù hợp với điều kiện đất đai và khí hậu của Quảng Trị. Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và thông tin KH&CN Quảng Trị thu mua lại toàn bộ sản phẩm cho nông dân với giá 15.000 đồng/kg lá tươi. Chỉ sử dụng bộ phận có hàm lượng hoạt chất cao nhất là cành bánh tẻ và lá, đưa vào rửa rồi sấy khô để chống nấm mốc. Khi sản phẩm đạt tỉ lệ thủy phần dưới 12% thì đưa vào chiết xuất, tinh chế và sản xuất theo quy trình kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt. Trung tâm đã chiết xuất thành công và hoàn thiện sản phẩm trà dây thìa canh hòa tan, sắp tới sẽ tiến hành thương mại hóa sản phẩm.
Từ kết quả sản xuất thử nghiệm cây dây thìa canh trên địa bàn xã Triệu Ái có thể nhân rộng mô hình cây trồng mới này vì nhu cầu nguyên liệu của các công ty dược trong cả nước tương đối khá. Việc xây dựng thành công mô hình trồng thử nghiệm cây dây thìa canh tại Quảng Trị mở ra một hướng mới trong phát triển cây dược liệu, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích, tạo việc làm cho người dân.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=148668