Xây dựng mô hình trường học bán trú ở huyện vùng biên

Với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, giảm áp lực về số lượng các điểm trường lẻ lớn và những khó khăn trong bố trí, sắp xếp giáo viên, huyện Mường Lát đang tranh thủ các nguồn lực để đầu tư phát triển mô hình trường học bán trú.

Khu Pa Búa, điểm lẻ của Trường Tiểu học Trung Lý 2, xã Trung Lý (Mường Lát).

Khu Pa Búa, điểm lẻ của Trường Tiểu học Trung Lý 2, xã Trung Lý (Mường Lát).

Huyện biên giới Mường Lát có địa hình đồi núi cao, giao thông đi lại khó khăn, với hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, sống rải rác ở các bản vùng sâu, vùng xa. Cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn, nhận thức về học tập của con em còn hạn chế nên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học của địa phương. Để rút ngắn quãng đường đến trường cho các em học sinh ở các bản vùng sâu, vùng xa, nhiều điểm trường lẻ đã được thành lập. Tuy nhiên, mô hình này đang bộc lộ những bất cập trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục và bố trí, sắp xếp giáo viên. Hiện nay, toàn huyện có 31 trường, với 555 lớp và hơn 11.000 học sinh. Riêng bậc mầm non và tiểu học có 124 điểm trường, trong đó 102 điểm lẻ ở các bản vùng sâu, vùng xa.

Thầy Nguyễn Văn Hảo, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Lý 2, xã Trung Lý, cho biết: “Nhà trường đang duy trì 4 điểm lẻ và 1 điểm chính. Cơ sở vật chất tại các điểm lẻ còn thiếu thốn, chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Trường có 31 cán bộ, giáo viên nhưng vẫn còn thiếu 6 người so với định mức quy định vị trí việc làm, gây khó khăn trong bố trí, sắp xếp công việc”.

Tương tự, thầy Lê Xuân Viên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tam Chung, xã Tam Chung, chia sẻ: “Chúng tôi đang duy trì 6 điểm trường lẻ và 1 điểm trường chính. Việc học 2 buổi/ngày rất khó khăn nếu không thực hiện ăn bán trú. Nhiều học sinh vắng mặt buổi chiều, đặc biệt vào mùa mưa lũ".

Được biết, Quyết định số 2820/QĐ-UBND ngày 27/7/2021 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án “Sắp xếp các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trường phổ thông có nhiều cấp học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025”, đề ra mục tiêu là giảm điểm trường lẻ, nâng tỷ lệ học sinh trên lớp, đảm bảo quy mô lớp học hợp lý, phù hợp với thực tế và nhu cầu học tập. Do đặc thù địa hình, địa bàn khu vực biên giới, số lượng điểm trường lẻ bậc mầm non, tiểu học vẫn còn rất lớn nên việc dồn lớp, dồn khu gặp nhiều khó khăn trong thực hiện, ảnh hưởng nhất định đến chất lượng dạy và học của các trường.

Ông Mai Xuân Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Lát, cho biết: Nhằm quán triệt Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã được Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) thông qua, cũng như căn cứ Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 29/9/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, huyện Mường Lát đã xây dựng Đề án số 06-ĐA/HU, ngày 28/12/2023 về nâng cao chất lượng giáo dục huyện Mường Lát giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến 2045. Mục tiêu đề án phấn đấu đến năm 2030, ngành giáo dục và đào tạo Mường Lát xây dựng được đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu bộ môn. Đồng thời, phát triển quy mô mạng lưới trường, lớp hợp lý, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực và nhu cầu học tập của con em các dân tộc trong huyện.

Để giảm dần tỷ lệ các điểm lẻ cũng như đảm bảo nhu cầu về số lượng giáo viên và nâng cao chất lượng giáo dục, huyện Mường Lát đang lồng ghép nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia và Nghị quyết số 11-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để tập trung ưu tiên đầu tư đồng bộ hạ tầng giáo dục. Trong đó, ưu tiên xây dựng các điểm trường chính với quy mô của trường bán trú. Hiện tại, huyện đã triển khai dự án đầu tư xây dựng các trường bán trú trên địa bàn, như Trường Tiểu học Tam Chung, xã Tam Chung; Trường THCS Dân tộc bán trú Mường Lý, xã Mường Lý; Trường Tiểu học Quang Chiểu 2, xã Quang Chiểu.

Em Giàng Như Ý, học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Tam Chung, chia sẻ: “Trước đây nhà em ở xa, sáng em phải dậy từ 5 giờ sáng để đi bộ đến lớp. Những hôm trời mưa to, đường trơn trượt, em và các bạn đi học rất vất vả. Từ khi được ăn bán trú ở trường, em không còn phải đi về giữa buổi, buổi chiều học cũng đỡ mệt hơn”. Còn anh Giàng A Chống, phụ huynh em Giàng Như Ý, bày tỏ: “Gia đình tôi làm nương rẫy cả ngày nên không thể đưa đón con đi học. Trường bán trú giúp con tôi được ăn no, đầy đủ chất dinh dưỡng, học tập trung, chúng tôi cũng yên tâm hơn”.

Việc xây dựng mô hình trường bán trú đang cho thấy nhiều hiệu quả tích cực trong việc bố trí, sắp xếp giáo viên cũng như nâng cao chất lượng giáo dục và giảm tỷ lệ học sinh bỏ học. Đồng thời giúp học sinh ở các bản vùng sâu, vùng xa có điều kiện ăn, ở và học tập tốt hơn, giảm thiểu khó khăn trong việc đi lại.

Bài và ảnh: Đình Giang

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/xay-dung-mo-hinh-truong-hoc-ban-tru-nbsp-o-huyen-vung-bien-36639.htm