Xây dựng mở rộng nghĩa trang Thanh Tước (Hà Nội): Cần sớm tháo gỡ vướng mắc
Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 496/QĐ ngày 8/4/2014 về việc phê duyệt Quy hoạch nghĩa trang Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, có việc quy hoạch, cải tạo mở rộng nghĩa trang Thanh Tước thành công viên nghĩa trang từ 7 ha lên 23 ha đến năm 2030 thuộc diện tích đất của hai xã Thanh Lân và Tam Đồng (huyện Mê Linh), sử dụng hình thức cát táng, phục vụ nhu cầu an táng của nhân dân huyện Mê Linh. Tuy nhiên từ đó đến nay, việc triển khai xây dựng nghĩa trang Thanh Tước chưa được thực hiện, cho thấy vấn đề này cần tiếp tục có giải pháp đồng bộ từ nhiều cấp.
Không có hỏa táng tại nghĩa trang Thanh Tước
Để thực hiện dự án, UBND thành phố Hà Nội có Quyết định 1344/QĐ- UBND ngày 22/2/2017, giao Công ty cổ phần Đầu tư Hoa Sen Vàng thực hiện dự án "Công viên tưởng niệm thiên đường Thanh Tước" (gọi tắt là nghĩa trang Thanh Tước) giai đoạn 1, với diện tích đất thu hồi là 57.349 m2 tại xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh.
Theo UBND huyện Mê Linh, dự án trên phù hợp với các quy hoạch chuyên ngành, cũng như quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội và huyện Mê Linh. Các quy trình đánh giá tác động môi trường đến công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng… đều được triển khai đúng quy trình. Tuy nhiên, nhiều năm nay khi dự án được phê duyệt vẫn "nằm im bất động" không thể triển khai.
Nguyên nhân mà một số người dân đưa ra là dự án này không đảm bảo khoảng cách trong khu dân cư, đồng thời nằm ngay đầu nguồn nước. Đáng chú ý, người dân không tin dự án chỉ phục vụ việc cát táng mà lo ngại sau này nghĩa trang sẽ chuyển đổi cho cả hỏa táng tại đây. "Không phải giá đền bù thấp hay cao mà chính là chúng tôi không muốn có nghĩa trang của thành phố trên địa bàn huyện", một người dân dấu tên cho biết.
Để phản đối dự án, nhiều tháng nay người dân còn căng lều bạt, tập trung ngay trước cửa nghĩa trang Thanh Tước và khu vực xung quanh trên đường 100 nhằm ngăn cản chính quyền, đơn vị thi công triển khai các công việc liên quan đến dự án. Đặc biệt, giữa tháng 10/2019, người dân của nhiều xã thuộc huyện Mê Linh phản đối việc xây dựng nghĩa trang Thanh Tước bằng hành động yêu cầu con, em mình nghỉ học.
Lý giải về sự phản đối của người dân, lãnh đạo huyện Mê Linh cho biết, từ năm 2012 khi dự án chuẩn bị triển khai người dân đã không đồng thuận với hạng mục xây dựng nhà hỏa táng tại dự án trên. Khi đó, để phù hợp hơn với tình hình địa phương, ngày 20/8/2013 thành phố Hà Nội có văn bản 6046/UBND - TNMT về việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 dự án Công viên tưởng niệm thiên đường Thanh Tước theo hướng không xây dựng nhà hỏa táng. Theo đó, UBND huyện Mê Linh đã tổ chức tuyên truyền công khai tới từng hộ dân về nội dung trên cũng như chính sách liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng nghĩa trang Thanh Tước.
Theo UBND thành phố Hà Nội, trong thời gian qua đã tổ chức nhiều cuộc họp tập thể lãnh đạo UBND thành phố cùng các cơ quan liên quan, nhằm phân công nhiệm vụ giải quyết vướng mắc khi thực hiện dự án nghĩa trang Thanh Tước. Đáng chú ý, UBND thành phố Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức bàn giao mốc giới ngoài thực địa cho Công ty cổ phần Đầu tư Hoa Sen Vàng; yêu cầu UBND huyện Mê Linh tổ chức bảo vệ bàn giao mốc giới, bảo vệ thi công để nhà đầu tư thực hiện dự án trong tháng 8/2019, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Cần chia sẻ với thành phố về việc mở rộng nghĩa trang
Để đảm bảo tiến độ dự án, UBND huyện Mê Linh đã dùng nhiều hình thức, kiên trì tuyên truyền, vận động, thuyết phục, giải thích cho người dân từ các buổi sinh hoạt chi bộ đảng, sinh hoạt khu dân cư, tiếp xúc cử tri… đến gặp gỡ một số hộ dân để giải đáp thắc mắc, để người dân hiểu chấp hành bàn giao đất cho dự án.
Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh, mới đây huyện thành lập 7 tổ công tác do 7 đồng chí Ủy viên ban Thường vụ Huyện ủy làm tổ trưởng, đến từng hộ dân thôn Phú Hữu, thôn Đường 23 (xã Thanh Lâm) để tuyên truyền, giải thích về mục tiêu của dự án. Đến nay đã có gần 100 hộ dân nhận tiền hỗ trợ giải phóng mặt bằng, bàn giao đất cho dự án.
"Chúng tôi tiếp tục kiên trì, tuyên truyền vận động để nhân dân hiểu được mục đích, mục tiêu của dự án này đối với việc đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt là để nhân dân hiểu được những vấn đề về quy hoạch, về khoảng cách, môi trường trong việc triển khai dự án. Tuy nhiên, đối với những hộ dân cố tình chống đối, lôi kéo, xúi bẩy người khác sẽ bị xử lý theo pháp luật", ông Tuấn nhấn mạnh.
Trước băn khoăn của người dân về việc quy hoạch nghĩa trang có đảm bảo, ông Lê Chính Trực, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội khẳng định: Khi lập hệ thống quy hoạch nghĩa trang, các chuyên gia cũng như các cơ quan thẩm định đã xem xét rất kỹ về vị trí, quy mô, tính chất, cũng như các yêu cầu về kỹ thuật, khoảng cách an toàn,... đảm bảo yêu cầu vì thế Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.
Còn theo đại diện Công ty cổ phần Đầu tư Hoa Sen Vàng, mong muốn của doanh nghiệp tạo lập mô hình công viên nghĩa trang mới với hình thức cát táng. Theo đó, doanh nghiệp sẽ xây dựng một công viên tưởng niệm theo mô hình hiện đại, đảm bảo yêu cầu vệ sinh môi trường, có cảnh quan như một công viên trên địa bàn.
Trong lần tiếp xúc cử tri huyện Mê Linh vào tháng 6 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải khẳng định, thành phố đặc biệt quan tâm đến vấn đề an sinh xã hội, chăm lo cho người dân trong các mặt của đời sống. Ông Hoàng Trung Hải cho rằng, ở bất kỳ đô thị nào cũng cần có nghĩa trang, bãi rác để đáp ứng nhu cầu hằng ngày của người dân. Nếu ai cũng phản đối các dự án này, ai cũng muốn không đổ rác ở xã mình, phải đổ sang xã khác thì biết đặt các dự án vào đâu? Giải quyết nhu cầu của người dân ra sao? Vì vậy, Bí thư Thành ủy Hà Nội mong muốn người dân hiểu và chia sẻ với thành phố về vấn đề an sinh xã hội, trong đó có việc xây dựng nghĩa trang Thanh Tước. Đồng thời, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng giao huyện Mê Linh theo dõi, giám sát chặt chẽ chủ đầu tư thực hiện dự án phải đảm bảo các tiêu chí về môi trường, bảo vệ sức khỏe cho người dân.
Nhìn nhận dưới góc độ giáo dục, một chuyên gia cho rằng, việc một số người dân ở Mê Linh đã cho con, em nghỉ học để phản đối xây dựng nghĩa trang Thanh Tước là không phù hợp. Cha mẹ làm như vậy là tước đi quyền được học hành của con trẻ, tạo cho các em suy nghĩ không mấy thiện cảm về chính quyền và các cơ quan chức năng. Hành động yêu cầu trẻ em nghỉ học để phản đối về một chủ trương của thành phố Hà Nội đã được Chính phủ phê duyệt, chỉ khiến con em họ phải chịu thiệt thòi vì không được đến trường tiếp cận kiến thức mới, trong khi thời điểm kỳ thi cuối năm đang đến gần, chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thành tích học tập của các em.
Chuyên gia giáo dục phân tích, không nên gắn mác bảo vệ quê hương mà hùa theo một số phần tử quá kích để lợi dụng tình hình hưởng lợi cá nhân. Trong trường hợp có phản đối thì người dân cần thực hiện đúng quy định của pháp luật, không nên có hành vi tụ tập đông người gây mất trật tự nơi công cộng, làm phức tạp hơn vấn đề. Đặc biệt, cần chấm dứt ngay tình trạng yêu cầu học sinh nghỉ học để phản đối dự án.
Liên quan đến dự án nghĩa trang Thanh Tước, ngày 26/11 ông Hoàng Anh Tuấn Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh đã công bố trước báo giới về việc tạm dừng cắm mốc giới, bàn giao mốc giới ngoài thực địa cho chủ đầu tư. Cùng với đó, huyện sẽ rà soát lại toàn bộ quy trình, thủ tục, hồ sơ giải phóng mặt bằng triển khai dự án mở rộng nghĩa trang Thanh Tước, trên cơ sở đó trình thường vụ Thành ủy Hà Nội sẽ xem xét dự án này.
Việc nghĩa trang Thanh Tước chậm triển khai cũng như gặp sự phản đối của người dân cũng cần nhìn nhận dưới góc độ khác, đó là vấn đề niềm tin của người dân với chủ đầu tư và chính quyền sở tại trong quá trình triển khai các bước, các hạng mục của dự án đã đảm bảo yếu tố công khai, minh bạch, đặt quyền lợi của người dân lên trên hay chưa? Các cấp chính quyền cần rà soát lại để đảm bảo hợp tình, hợp lý và tuyên truyền sâu rộng để nhân dân hiểu và đồng thuận cao.