Xây dựng môi trường an toàn, bình đẳng cho phụ nữ và trẻ em
Tạo sự bình đẳng giữa nam và nữ; nhân rộng những mô hình bình đẳng giới (BĐG); tuyên truyền phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ (PN) và trẻ em;... là những việc mà các cấp, các ngành, đoàn thể trong tỉnh Long An đã và đang làm nhằm góp phần xây dựng môi trường an toàn, bình đẳng cho PN và trẻ em, đồng thời khẳng định vai trò, vị trí của PN trong xã hội hiện đại.
Trách nhiệm không của riêng ai
Thời gian qua, các cấp, các ngành, đoàn thể trong tỉnh luôn quan tâm đến công tác BĐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Qua đó, công tác BĐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, xóa dần khoảng cách về giới.
Tuy nhiên, hiện nay, công tác BĐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới của tỉnh còn gặp khó khăn. Tình trạng bất BĐG, bạo lực đối với PN và trẻ em gái còn xảy ra ở một số nơi. Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ năm 2016-2018, toàn tỉnh xảy ra 324 vụ bạo lực gia đình; từ đầu năm 2015 đến ngày 30/6/2019 xảy ra 147 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Đây là những con số không hề nhỏ, để lại hậu quả nghiêm trọng cả về thể xác lẫn tinh thần đối với PN và trẻ em. Vì vậy, việc thực hiện BĐG và phòng, chống bạo lực đối với PN và trẻ em không là trách nhiệm của riêng ai.
Hưởng ứng Tháng hành động Vì BĐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới trong cả nước, vừa qua, tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động Vì BĐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2019 với chủ đề Chấm dứt bạo lực đối với PN và trẻ em tại Khu công nghiệp Thuận Đạo mở rộng, xã Long Định, huyện Cần Đước.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa cho biết: Tháng hành động Vì BĐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2019 là điểm nhấn trong năm, tạo đợt cao điểm đẩy mạnh công tác truyền thông vì BĐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Qua đó, ông đề nghị, các cấp, các ngành và địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động trong tháng hành động tại địa phương, đơn vị; tổ chức tuyên truyền về chủ đề, thông điệp và các hoạt động hưởng ứng tháng hành động trên các phương tiện thông tin đại chúng với nhiều hình thức phong phú, phù hợp từng nhóm đối tượng; tăng cường tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành vì sự tiến bộ của PN và BĐG tại địa phương, đơn vị,...
Tháng hành động Vì BĐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2019 sẽ có nhiều hoạt động nhằm tuyên truyền thông điệp “chấm dứt bạo lực đối với PN và trẻ em”. Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Đước - Nguyễn Văn Bảy khẳng định: “Trong Tháng hành động Vì BĐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, địa phương có nhiều hoạt động như treo băng rôn tuyên truyền, biểu ngữ, tranh cổ động nơi trụ sở cơ quan, đơn vị; tổ chức diễn đàn đối thoại, tọa đàm, các cuộc thi liên quan Luật BĐG; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Trẻ em,... Ngoài ra, huyện còn đẩy mạnh xã hội hóa trong việc bảo vệ trẻ em, PN, hỗ trợ khắc phục hậu quả đối với nạn nhân bị xâm hại về sức khỏe và tinh thần”.
Nhiều mô hình thực hiện bình đẳng giới
Ngoài tổ chức Lễ phát động Tháng hành động Vì BĐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, các cấp, các ngành, đoàn thể trong tỉnh còn có nhiều mô hình, cách làm sáng tạo trong việc thực hiện BĐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới như mô hình Nam giới điểm 10; Câu lạc bộ (CLB), nhóm Phòng, chống bạo lực gia đình; CLB Gia đình hạnh phúc; Địa chỉ tin cậy;...
Chủ tịch Hội Liên hiệp PN Việt Nam xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng - Phạm Thị Hoàng Yến cho biết: Cách đây 10 năm, hội thành lập CLB Phòng, chống bạo lực gia đình nhằm tuyên truyền về Luật BĐG, hòa giải các mâu thuẫn trong gia đình, giả định nhiều vụ xung đột trong gia đình để các cặp vợ chồng giải quyết,... Sau thời gian hoạt động, CLB góp phần hàn gắn cho nhiều gia đình có nguy cơ đổ vỡ. Năm 2019, CLB hòa giải mâu thuẫn cho 1 hộ gia đình ở ấp Trung Vĩnh. Người chồng thường nhậu say, đánh đập và bạo lực tinh thần vợ, con. “Tức nước vỡ bờ”, người vợ viết đơn ly hôn. Biết được chuyện này, CLB vừa tuyên truyền Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, vừa khuyên hai vợ chồng ngồi lại nói chuyện cùng nhau để giải quyết mâu thuẫn. Nhờ vậy, người chồng bớt nhậu, chí thú làm ăn. Giờ đây, cuộc sống gia đình lại hạnh phúc, không còn cảnh “cơm không lành, canh không ngọt”.
Các cấp, các ngành, đoàn thể trong tỉnh đẩy mạnh việc xây dựng gia đình văn hóa, no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc. Kết quả, đến nay, toàn tỉnh có trên 380.000 hộ gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa, chiếm 97,5%. Nhiều năm liền, gia đình ông Nguyễn Văn Lạ và bà Lương Thị Loan, ngụ ấp Rạch Mây, xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng là gia đình văn hóa tiêu biểu của địa phương. Trong nhà, ông Lạ, bà Loan luôn tôn trọng nhau, những việc nào chưa đi đến thống nhất thì đem ra bàn bạc trong gia đình. Còn việc nhà, ai rảnh thì làm, không phân biệt chồng hay vợ. Ông Lạ khẳng định: “Đã qua rồi cái thời trọng nam, khinh nữ. Ngày nay, PN cũng có thể làm nhiều việc chẳng thua kém đàn ông. Hiểu được điều này, tôi luôn tạo điều kiện cho vợ tham gia các hoạt động
ở địa phương”.
Đẩy mạnh tuyên truyền được xem là “chìa khóa” thực hiện tốt công tác BĐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Vì vậy, thời gian qua, các cấp, các ngành, đoàn thể trong tỉnh tổ chức nhiều hội thi, hội diễn tuyên truyền về BĐG. Tham gia Hội thi Duyên dáng sông Vàm tỉnh Long An, lần thứ III năm 2019, Đông Thị Mộng Nghi (giải nhất hội thi) chia sẻ: “Qua hội thi, tôi có cơ hội thể hiện sự duyên dáng, khẳng định năng lực và được giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm sống. Riêng qua phần thi ứng xử, tôi cảm nhận được đa phần PN đều ý thức được vai trò, vị trí của mình trong xã hội”.
Bằng nhiều việc làm thiết thực và cụ thể, tỉnh từng bước đưa Luật BĐG vào cuộc sống, giảm dần tình trạng bạo lực, xâm hại đối với PN và trẻ em. Qua đó, góp phần xây dựng môi trường bình đẳng, an toàn cho PN và trẻ em./.