Xây dựng môi trường, điều kiện làm việc an toàn cho người lao động
Số vụ tai nạn lao động (TNLĐ) trong năm 2023 tăng gấp 2 lần so với năm 2022, nhất là trong khu vực có quan hệ lao động; nhiều vụ cháy nổ xảy ra, đặc biệt gây thiệt hại về người… là những tồn tại trong công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trên địa bàn tỉnh.
Số vụ tai nạn lao động (TNLĐ) trong năm 2023 tăng gấp 2 lần so với năm 2022, nhất là trong khu vực có quan hệ lao động; nhiều vụ cháy nổ xảy ra, đặc biệt gây thiệt hại về người… là những tồn tại trong công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trên địa bàn tỉnh.
Gần đây, vụ TNLĐ nghiêm trọng ở tỉnh Yên Bái làm 7 công nhân tử vong do không đảm bảo nguyên lý sửa chữa động cơ điện, hay vụ nổ lò hơi kinh hoàng do lỗi kỹ thuật ở tỉnh Đồng Nai làm 6 công nhân tử vong tại chỗ, 7 người bị thương, từ những sự việc này tiếp tục là báo động đỏ về tình trạng một số doanh nghiệp (DN) ít quan tâm, chú trọng đến công tác ATVSLĐ, kỷ luật lao động; ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật của người lao động trong quá trình làm việc chưa cao.
4 tháng đầu năm nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 3 vụ TNLĐ, cụ thể: 1 vụ đá rơi từ đỉnh hầm đè trúng người làm 1 nam công nhân tử vong tại dự án thủy điện Hòa Bình mở rộng thuộc Công ty liên danh Trường Sơn - CC47 - Lilama 10; 1 vụ tai nạn giao thông làm bị thương 1 người tại Điện lực Cao Phong; 1 vụ kéo dây cáp viễn thông làm chết 1 người, bị thương 1 người, đang trong quá trình điều tra ở huyện Cao Phong.
Đồng chí Khuất Thị Thủy, Trưởng phòng Lao động - Việc làm (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: Số vụ TNLĐ xu hướng tăng lên do thời gian vừa qua, nhiều DN khó khăn về vốn và đơn hàng nên không quan tâm tuyên truyền, huấn luyện, kiểm tra, giám sát công tác ATVSLĐ, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, không kiểm tra, đánh giá nguy cơ rủi ro về công tác ATVSLĐ. Một số DN kỷ luật lao động chưa nghiêm, để tình trạng người lao động vi phạm nghiêm trọng về công tác ATVSLĐ, nhất là các DN hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, thi công công trình xây dựng…
Thêm đó, ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật trong lao động hạn chế, người lao động chủ quan trong việc tự kiểm tra vị trí làm việc, nơi làm việc trước, trong và sau khi làm việc; không chấp hành các quy trình vận hành máy, thiết bị, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân trong khi thực hiện nhiệm vụ. Các cấp, ngành, đoàn thể chưa đổi mới hình thức thông tin, tuyên truyền nên hiệu quả tác động đến DN, người sử dụng lao động, người lao động chưa cao.
Lễ phát động Tháng hành động ATVSLĐ năm 2024 quy mô cấp tỉnh vừa diễn ra tại TP Hòa Bình thu hút sự quan tâm của các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể, DN và đông đảo người lao động. Ông Pack Kyung Sun, đại diện Công ty TNHH Long Bình Electronics, khu công nghiệp bờ trái sông Đà (TP Hòa Bình) chia sẻ: Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử dùng cho xe hơi, DN luôn coi công tác ATVSLĐ, sức khỏe người lao động là trên hết. Do đó, hàng năm DN triển khai huấn luyện ATVSLĐ theo các nhóm đối tượng, thực hiện kiểm định thiết bị đảm bảo an toàn và đôn đốc người lao động tuân thủ quy trình làm việc an toàn, chấp hành kỷ luật lao động. Năm 2024 và những năm tiếp theo, DN tiếp tục cam kết đẩy mạnh công tác ATVSLĐ, đồng thời cải thiện hơn nữa điều kiện làm việc, môi trường an toàn cho người lao động cũng chính là giải pháp ổn định sản xuất của DN, đóng góp cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của TP Hòa Bình và của tỉnh.
Theo đồng chí Bùi Mạnh Cường, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, thông điệp của Tháng hành động ATVSLĐ năm 2024 với chủ đề "Tăng cường đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng” được đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm lan tỏa đến các xã, phường, thị trấn, khu, cụm công nghiệp, làng nghề, DN, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Các ngành liên quan sẽ tích cực phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. Bên cạnh việc hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, DN, người lao động lưu ý luôn phải tuân thủ các quy định về ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ vì sự phát triển bền vững và sức khỏe người lao động. Chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp huyện, cấp xã quan tâm và dành kinh phí tuyên truyền, huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động tại địa phương theo quy định của Luật ATVSLĐ. Chủ sử dụng lao động thực hiện tốt các chế độ, tiêu chuẩn, quy phạm về ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện để người lao động được làm việc trong môi trường an toàn và chú trọng tự kiểm tra về ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ nhằm giảm thiểu TNLĐ, bệnh nghề nghiệp tại nơi làm việc.