Xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng

Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam năm 2020 (PCI 2020) ghi nhận nhiều nỗ lực cải cách chất lượng điều hành kinh tế của 63 tỉnh, thành phố, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) phát triển.

DN kỳ vọng, các địa phương cần tăng cường hơn nữa tính minh bạch và trách nhiệm giải trình; tiếp tục cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công, nâng cấp mạnh mẽ chất lượng cơ sở hạ tầng, cắt giảm chi phí không chính thức cho các DN...

Khoảng cách giữa tỉnh đứng đầu và cuối tiếp tục thu hẹp

Báo cáo PCI do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) hợp tác xây dựng từ năm 2005 để đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh (MTKD) và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Báo cáo PCI 2020 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ gần 12.300 DN, trong đó hơn 10.700 DN tư nhân đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố và gần 1.600 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại 22 địa phương tại Việt Nam.

 Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Xuân Hòa Việt Nam (Vĩnh Phúc).

Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Xuân Hòa Việt Nam (Vĩnh Phúc).

Với 75,09 điểm, Quảng Ninh là tỉnh lần thứ 4 liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng PCI năm 2020 và là địa phương duy nhất đạt thang điểm trên 75 trong bảng xếp hạng. Đứng thứ hai trong bảng xếp hạng PCI 2020 là Đồng Tháp và xác lập năm thứ 13 liên tiếp nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố đứng đầu PCI cả nước. Lần lượt ở vị trí tiếp theo là Long An, Bình Dương, Đà Nẵng, Vĩnh Long, Hải Phòng, Bến Tre, Hà Nội và Bắc Ninh. Nhóm cuối cùng trong PCI 2020 là Bắc Kạn, Đắc Nông, Hà Giang, Kiên Giang và Bạc Liêu. Trong đó, đáng chú ý có sự xuất hiện của tỉnh Bạc Liêu. Theo PCI 2020, số điểm của tỉnh Bạc Liêu là 59,61, giảm 4,17 điểm. Với số điểm này, tỉnh Bạc Liêu đã tụt từ vị trí 51 trong PCI 2019 xuống vị trí cuối cùng trong bảng xếp hạng PCI 2020.

Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn cho biết, bảng xếp hạng PCI năm nay là năm thứ 4 liên tiếp ghi nhận điểm trung vị bình quân hơn 60 trong thang điểm 100, cho thấy khoảng cách giữa tỉnh đứng đầu và cuối tiếp tục thu hẹp. Thực tế này được minh chứng qua các chỉ số được đánh giá như tính năng động, tiên phong của chính quyền địa phương được cải thiện, chi phí không chính thức tiếp đà giảm; cải cách hành chính có cải thiện đáng kể và MTKD ngày càng bình đẳng... Với các DN FDI, điều tra của VCCI cho thấy, Việt Nam tiếp tục được xem là điểm đến đầu tư hấp dẫn, với lợi thế là chính trị ổn định, thủ tục hành chính dần thông thoáng hơn, thanh tra, kiểm tra và chi phí không chính thức đã giảm bớt.

Bức tranh PCI năm 2020 có nhiều điểm sáng, song theo ông Đậu Anh Tuấn, vẫn còn nhiều chỉ số chưa “yên lòng”. Hiện, gần 45% DN cho biết phải trả các chi phí không chính thức; 54% DN cho rằng hiện tượng nhũng nhiều vẫn còn. Có tới 20% DN đánh giá cán bộ nhà nước trong xử lý công việc chưa hiệu quả, chưa thân thiện. Đặc biệt, còn tới 3% DN phản ánh mỗi năm họ còn bị thanh, kiểm tra quá 5 lần. DN thuộc lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, chế tạo phản ánh về hiện tượng thanh, kiểm tra quá mức (hơn 5 cuộc/năm) và thanh, kiểm tra trùng lặp cao nhất. Phản ánh nhiều nhất về hiện tượng nhũng nhiễu trong thanh, kiểm tra là DN lĩnh vực xây dựng; đất đai, thuế và bảo hiểm xã hội... “Ngoài ra, trong khi những cải thiện của nhóm tỉnh đứng cuối là tín hiệu đáng mừng thì dường như các thành tựu cải cách của nhóm tỉnh đứng đầu PCI mới chỉ dừng lại ở các lĩnh vực dễ cải cách”, ông Đậu Anh Tuấn cho hay.

Nâng cao chất lượng thực thi của hệ thống chính quyền cấp cơ sở

Đưa ra các giải pháp để tiếp tục thúc đẩy cải thiện chỉ số PCI, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho hay, chính quyền cấp tỉnh cần cải thiện mạnh mẽ tính minh bạch của MTKD, nâng cao chất lượng thực thi của hệ thống chính quyền cấp cơ sở, tiếp tục thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính và giảm gánh nặng thanh tra, kiểm tra cho DN, tiếp tục nỗ lực cắt giảm chi phí không chính thức cho các DN. Với lĩnh vực thanh tra, kiểm tra, Trưởng ban pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn kiến nghị, các cuộc thanh tra theo kế hoạch nên được thông báo trước cho cơ quan thanh tra cấp tỉnh để sắp xếp và bố trí nhằm mục tiêu giảm số lần và thời gian thanh tra, không trùng lặp nội dung giữa các cơ quan, đoàn thanh tra, kiểm tra và tăng tối đa số đoàn liên ngành, thay vì mỗi đơn vị tiến hành riêng lẻ.

Chia sẻ về những nỗ lực của Quảng Ninh trong quá trình nâng cao chất lượng điều hành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn cho biết, Quảng Ninh luôn xác định nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, đó là cải cách hành chính, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế, năng lực cạnh tranh, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để DN phát triển bền vững. Quảng Ninh đã chủ động, quyết liệt thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước hiện đại hóa nền hành chính, phát huy hiệu quả chính quyền điện tử... Các DN và chuyên gia cho rằng, cải cách MTKD Việt Nam thời gian tới không chỉ đơn thuần là tháo gỡ rào cản, mà phải tạo ra MTKD minh bạch, bình đẳng, tiếp tục kiểm soát tham nhũng, cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công và nâng cấp mạnh mẽ chất lượng cơ sở hạ tầng.

Bài và ảnh: KHÁNH AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/xay-dung-moi-truong-kinh-doanh-minh-bach-binh-dang-659164