Xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ
Ngôi nhà là nơi an toàn cho trẻ sinh sống, học tập và trưởng thành, song cũng là nơi có nguy cơ xảy ra nhiều rủi ro gây thương tích cho trẻ nếu không được kiểm soát tốt. Để chủ động phòng tránh, hạn chế tai nạn thương tích (TNTT) cho trẻ, các bậc cha mẹ cần có sự cẩn trọng trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ, góp phần xây dựng môi trường sống an toàn để trẻ phát triển toàn diện.
Thời gian vừa qua đã xảy ra không ít vụ trẻ em bị TNTT ngay tại gia đình, dẫn đến tử vong hoặc thương tật cho trẻ. Chỉ một phút lơ là của người lớn hoặc bản thân các em, khiến trẻ có thể phải gánh chịu hậu quả nặng nề, dài lâu.
Tháng 3/2022, cháu Nguyễn Thị Khánh Ngân (7 tuổi), tổ dân phố Điền Lương, thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương phải nhập viện vì bị bỏng nặng. Được biết, khi không có người lớn ở nhà, 3 anh em Ngân mang lọ cồn sát khuẩn trong nhà ra chơi.
Ngân là người trực tiếp cầm lọ cồn, anh trai Ngân không biết sự nguy hiểm nên đã bật lửa, ngọn lửa bùng lên nhanh khiến Ngân bị bỏng nặng nhất, anh và em của Ngân bị bỏng nhẹ hơn.
Ngoài bị bỏng, trẻ có thể bị đuối nước, điện giật, ngã cầu thang, bị hóc, sặc thức ăn, dị vật, bị động vật cào, cắn... Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 2.300 trẻ em bị TNTT, trong đó, có hơn 100 trẻ bị tử vong (trẻ tử vong do đuối nước chiếm 83%; trẻ tử vong do tai nạn giao thông chiếm 12,4%; trẻ tử vong do các TNTT khác chiếm 4,6%).
Trong số các em bị thương tích, có hàng trăm trẻ phải nhập bệnh viện điều trị, phục hồi chức năng hoặc có khả năng bị tàn tật suốt đời. Nguyên nhân gây TNTT ở trẻ em trước hết là do sự hiếu động, tò mò, nghịch ngợm của trẻ.
Các em chưa nhận thức được đầy đủ những mối nguy hiểm tiềm ẩn xung quanh mình; chưa có kiến thức, kỹ năng phòng tránh nên rất dễ bị TNTT. Bên cạnh đó, sự lơ là, chủ quan, bất cẩn, thiếu kiến thức của người lớn; nhận thức của một bộ phận người dân về phòng, chống TNTT cho trẻ còn hạn chế; môi trường sống tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn…
Đồng chí Lê Thị Phương Hoa, Phó trưởng Phòng Bảo trợ xã hội và trẻ em, Sở LĐ-TB&XH cho biết: "Mặc dù, những năm qua, tỉnh đã quan tâm, chú trọng đến công tác bảo vệ, chăm sóc và phòng, chống TNTT cho trẻ, song, các trường hợp TNTT đối với trẻ có thể xảy ra ở bất kỳ đâu, bất cứ khi nào. Vì vậy, để phòng, chống TNTT tại nhà cho trẻ, Sở LĐ-TB&XH đã triển khai mô hình “Ngôi nhà an toàn”, phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em”.
Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn cho cán bộ cấp huyện, xã và cộng tác viên với các chủ đề “Phòng tránh tai nạn, thương tích trẻ em”, “Bảng kiểm định đánh giá "Ngôi nhà an toàn”, “Phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ em”, “Hướng dẫn một số kỹ thuật sơ cấp cứu thông thường”; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức kiểm tra, đánh giá từng tiêu chí về việc thực hiện "Ngôi nhà an toàn" cho trẻ tại các gia đình... Những giải pháp này phần nào làm hạn chế tình trạng TNTT ở trẻ em.
Tuy nhiên, để hạn chế tối đa TNTT ở trẻ em, điều quan trọng nhất là mỗi bậc phụ huynh phải nâng cao trách nhiệm chú ý quan sát, lường trước và loại trừ mối nguy cơ có thể gây TNTT cho trẻ; trang bị kiến thức về TNTT và các biện pháp phòng tránh.
Đồng thời, trang bị kiến thức cho trẻ, để trẻ nhận biết được các yếu tố nguy cơ và xây dựng kỹ năng, biện pháp phòng chống TNTT thông qua các hoạt động sinh hoạt hằng ngày… để trẻ luôn được an toàn ngay trong chính gia đình mình.