Xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống
Chiều 26/5, tại thành phố Phủ Lý, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam tổ chức hội thảo 'Xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống – Thực trạng và giải pháp' nhằm thảo luận, làm rõ lý luận và thực tiễn về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống hiện nay.
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, ông Lương Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cho biết, theo số liệu thống kê, cả nước có gần 8.000 lễ hội, trong đó có hơn 7.000 lễ hội truyền thống (chiếm 88,36%) còn lại là lễ hội khác. Hầu hết các lễ hội từ quy mô quốc gia đến lễ hội nhỏ trong phạm vi làng xã được tổ chức trang trọng, linh thiêng, thành kính; tạo môi trường thuận lợi để nhân dân thực sự là chủ thể của hoạt động lễ hội; nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và cộng đồng, đảm bảo hoạt động lễ hội phù hợp với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của các tầng lớp nhân dân.
Tuy nhiên, trên thực tế bên cạnh những mặt tích cực, trước những tác động tiêu cực từ mặt trái của kinh tế thị trường, trong bối cảnh nền tảng văn hóa, đạo đức xã hội đang có những biến đổi sâu sắc, hoạt động lễ hội cũng chịu sự chi phối này. Đặc biệt, môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống cũng ảnh hưởng làm giảm đi tính tôn nghiêm và nét đẹp văn hóa trong lễ hội.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, làm rõ và đề xuất giải pháp khắc phục những bất cập, hạn chế trong một số lễ hội như: Công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho quần chúng nhân dân hiểu rõ giá trị truyền thống trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong công tác tổ chức lễ hội còn hạn chế. Một số lễ hội còn duy trì tập tục chứa đựng những yếu tố bạo lực, chưa phù hợp với xu thế của thời đại, tình trạng bạo lực, phản cảm ở không ít các lễ hội vẫn còn diễn ra. Công tác bảo đảm an ninh trật tự, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội còn yếu; vấn đề ùn tắc giao thông, hiện tượng chen lấn, xô đẩy, đeo bám khách, cờ bạc trá hình còn phổ biến; việc nâng giá dịch vụ, đặt tiền công đức, giọt dầu tùy tiện không đúng nơi quy định vẫn còn tồn tại,
Bên cạnh đó, tác động của mặt trái kinh tế thị trường đã dẫn đến nhận thức sai lệch về mục đích tổ chức lễ hội, coi di tích và lễ hội là nguồn lợi riêng của địa phương, còn tập trung khai thác giá trị kinh tế, thương mại hóa các loại hình hoạt động dịch vụ, làm giảm giá trị truyền thống của lễ hội. Sự bùng nổ của truyền thông cũng như nhu cầu tham gia lễ hội của đông đảo người dân ngày một đông, trong khi Ban Tổ chức chưa có dự báo tốt, xử lý các tình huống phát sinh còn lúng túng nên dẫn đến tình trạng lộn xộn không kiểm soát được tại một số lễ hội. Sự thay đổi về quy mô, các hoạt động hội và nhu cầu tham gia lễ hội của người dân ngày càng cao, là nguyên nhân dẫn đến tình trạng quá tải tại di tích và địa điểm tổ chức lễ hội ảnh hưởng đến môi trường văn hóa lễ hội.
Kết luận hội thảo, bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở nhấn mạnh, những bất cập, hạn chế trong một số lễ hội trong thời gian qua làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh và nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc. Xuất phát từ thực trạng này, đòi hỏi phải có những công trình nghiên cứu khoa học chuyên biệt và chuyên sâu để xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội, vừa giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc. Do đó, yêu cầu bức thiết đặt ra cần phải có tiêu chí xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống để xây dựng và nhân rộng mô hình lễ hội truyền thống văn minh lành mạnh, dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học và ứng dụng khả thi trong thực tiễn.