Xây dựng một Việt Nam xanh (kỳ II): Thêm lời hiệu triệu từ doanh nghiệp cùng cái 'bắt tay' của cộng đồng quốc tế
Tiến bước cùng 'bản giao hưởng' chuyển đổi xanh của Việt Nam, doanh nghiệp đã có những lời hiệu triệu đầy ấn tượng nhằm lan tỏa giá trị xanh cho cộng đồng. Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ tư năm 2025 mở ra cơ hội lớn để doanh nghiệp Việt 'bắt tay' với doanh nghiệp quốc tế để hiện thực hóa khát vọng xanh của dân tộc.
Kỳ I: Bước tiến thần kỳ và cơ hội mới trong kỷ nguyên mới
TạiTalk show "Xây dựng một Việt Nam xanh" do Báo Thế giới và Việt Nam tổ chức, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) khẳng định, thực tế, bản chất của cuộc đua xanh toàn cầu là hành trình chạy đua về giảm phát thải khí nhà kính, về khoa học công nghệ tối tân hiện đại nhất để giảm phát thải khí nhà kính.
Hành trình chạy đua ấy, sẽ giống như một "dàn nhạc giao hưởng" gồm sự chung tay các bộ, các ngành, doanh nghiệp và người dân.
"Cuộc đua tiếp sức" của doanh nghiệp
Thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp Việt đã có sự nỗ lực đáng kể, được thế giới ghi nhận và không làm lỡ nhịp của "dàn nhạc giao hưởng" nói trên.
Phó Chủ tịch VCCI lấy ví dụ, mô hình kinh tế tuần hoàn đang được các doanh nghiệp Việt Nam triển khai với quy mô rất lớn và rất hiệu quả. Được khởi xướng bởi VBCSD ở Việt Nam từ năm 2015, ưu điểm của kinh tế tuần hoàn là sản xuất ra nhiều sản phẩm hơn, tiêu thụ ít năng lượng hơn và tiêu thụ năng lượng sạch.
Theo đánh giá của VBCSD, trên thế giới, mỗi năm, kinh tế tuần hoàn tạo ra cơ hội kinh doanh giá trị khoảng 4.500 tỷ USD, thêm hàng triệu công ăn việc làm và hàng loạt mô hình kinh doanh mới.
Gần một triệu doanh nghiệp Việt Nam có thể tạo ra những giá trị mới, hòa mình vào "bản giao hưởng" xanh, cùng dân tộc Việt Nam cất cánh trong kỷ nguyên vươn mình.
Hiện tại, VBCSD đang triển khai rất nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn và những mô hình kinh doanh bền vững. Ví dụ như Công ty CP Traphaco đã triển khai hàng loạt mô hình kinh doanh cùng với người có thu nhập thấp ở vùng sâu, vùng xa.
Hay Vinamilk sở hữu rất nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh doanh bền vững, có trách nhiệm.
"Tôi cũng đánh giá rất cao lời hiệu triệu của Vingroup trong chương trình Mãnh liệt tinh thần Việt Nam - Vì tương lai xanh. Tôi mong muốn, các doanh nghiệp, kể cả những doanh nghiệp nhỏ và vừa, hay siêu nhỏ, có thể thẩm thấu được những mô hình kinh doanh mới và nhập cuộc nhiều hơn vào đường đua chuyển đổi xanh của đất nước", ông Nguyễn Quang Vinh bày tỏ.
Khẳng định đường đua chuyển đổi xanh không phải cuộc cạnh tranh độc hành của một hay một nhóm doanh nghiệp, TS. Nguyễn Quốc Việt, giảng viên tại Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: "Đây là cuộc đua tiếp sức. Các chủ thể trong cuộc đua sẽ biến các thách thức trở thành cơ hội cho quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam".

Điện gió Ninh Thuận. (Ảnh: Vũ Anh)
Để không lỡ nhịp "dàn nhạc giao hưởng"
Để vững vàng trong cuộc đua này, TS. Nguyễn Quốc Việt nhận thấy, doanh nghiệp cần lưu ý những điểm như:
Thứ nhất, phải thay đổi về nhận thức, thay đổi đổi tư duy, thói quen và hành động. Muốn làm được điều này, các doanh nghiệp phải chủ động hơn. Các cơ quan Nhà nước cũng sẽ cộng tác chặt chẽ hơn với các bên liên quan để đưa ra được các chính sách phù hợp.
Những chính sách mà Nhà nước đưa ra cũng không nên theo tính "đồng phục" cho tất cả mọi cái trường hợp. Cần có sự phân loại, áp dụng một cách có lộ trình đối với từng nhóm đối tượng cụ thể khác nhau.
Việt Nam nên có sự hợp tác mạnh mẽ hơn trong các cái lĩnh vực về chuyển đổi công nghiệp xanh và chuyển đổi năng lượng tái tạo với các thành viên P4G.
Thứ hai, sự chuẩn bị. Ông Nguyễn Quốc Việt nhận thấy, doanh nghiệp Việt Nam chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong vấn đề chuyển đổi xanh. Giờ là lúc chúng ta phải bắt đầu, phải bước vào cuộc chơi bởi nếu không có sự tham gia ngay từ đầu, doanh nghiệp sẽ khó thích ứng sự thay đổi nhanh chóng của nhu cầu của thị trường.
Thứ ba, tích hợp xây dựng thương hiệu doanh nghiệp và sản phẩm với các xu thế thương mại, sản xuất xanh toàn cầu.
Thứ tư, liên kết với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với doanh nghiệp trong nước để đáp ứng các chuẩn mực và vượt qua rào cản mới trong thương mại quốc tế.
TS. Nguyễn Quốc Việt bày tỏ: "Chúng ta phải làm thế nào để những doanh nghiệp lớn, dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí là dẫn dắt cả khu vực hộ kinh doanh, hợp tác xã để cùng tham gia một chuỗi giá trị, tạo sự liên kết đồng bộ.
Suy cho cùng, đối với doanh nghiệp, điều quan trọng là sẵn sàng đầu tư, sẵn sàng vượt qua thách thức. Một thị trường ổn định sẽ giúp doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận rủi ro để chuyển đổi".
Thứ năm, tích cực hợp tác với các đơn vị nghiên cứu, chính sách về khoa học, công nghệ, đặc biệt là các chuyên gia, nhà nghiên cứu tại các trường Đại học. Khi nhắc đến một nền kinh tế tri thức, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số, nguồn nhân lực chất lượng cao chính là ở các trường Đại học.

Ông Nguyễn Quang Vinh tại Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam năm 2024. (Nguồn: VCCI)
Với hơn 20 năm thực hành xanh cùng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Quang Vinh cam kết, VCCI và VBCSD sẽ tăng cường, nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ về tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững.
Song song với đó, VCCI sẽ tiếp tục triển khai để hỗ trợ những tập huấn, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong việc hợp tác quốc tế để phát triển bền vững.
Từ năm 2013 đến nay, VBCSD duy thì tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam. Đây cũng là một trong những diễn đàn quy tụ rất nhiều doanh nghiệp lớn ở Việt Nam và trên thế giới để đối thoại chính sách, trao đổi về những mô hình kinh doanh về kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải nhà kính.
"Trong thời gian tới, VCCI sẽ phối hợp với các bộ ngành và các tổ chức quốc tế sẽ đưa ra các bộ chỉ số về các khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam. Đây sẽ là một cú hích để các khu công nghiệp trở nên bền vững hơn, thu hút nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn hơn và cũng đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng xanh của Việt Nam", ông Nguyễn Quang Vinh bật mí.
Cơ hội lớn với cộng đồng doanh nghiệp
Học hỏi kinh nghiệm từ các đối tác quốc tế cũng là lời khuyên của Phó Chủ tịch VCCI với cộng đồng doanh nghiệp. Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu (P4G) lần thứ tư năm 2025 do Việt Nam đăng cai tổ chức từ ngày 16-17/4 sẽ là cơ hội lớn để các thành viên P4G, Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp đưa ra những sáng kiến ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải, tăng trưởng xanh, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Là thành viên tích cực của P4G, ông Vinh đánh giá, Việt Nam đã học hỏi được nhiều điều từ những quốc gia tiên phong như Hà Lan, Đan Mạch và Hàn Quốc. Việc tiếp tục tiếp thu những kinh nghiệm từ những quốc gia này trong việc xanh hóa sản xuất, xanh hóa các ngành công nghiệp là điều đất nước hình chữ S cần chú trọng thời gian tới.

Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu (P4G) lần thứ tư năm 2025 từ ngày 16-17/4 tại Hà Nội.
Ngoài ra, về góc độ doanh nghiệp, Phó Chủ tịch VCCI nhận thấy, kinh nghiệm từ các doanh nghiệp của Đan Mạch, Hà Lan, Hàn Quốc… trong việc vận dụng mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ là bài học quý để doanh nghiệp Việt phát triển trong bối cảnh mới.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Quốc Việt mong muốn, Việt Nam nên có sự "bắt tay" hợp tác mạnh mẽ hơn trong các cái lĩnh vực về chuyển đổi công nghiệp xanh và chuyển đổi năng lượng tái tạo với các thành viên P4G.
"Đan Mạch, Hà Lan hay Hàn Quốc đều là những quốc gia rất phát triển, có mô hình bài bản trong quá trình chuyển đổi xanh. Ba nước này đều nhiều doanh nghiệp tiên phong trong chuyển đổi xanh. Chuyển đổi sản xuất xanh, xây dựng các mô hình khu công nghiệp sinh thái, tuần hoàn sẽ là những vấn đề mà Việt Nam có thể 'bắt tay' cùng ba nước này để không lỡ nhịp trong 'dàn nhạc giao hưởng' xanh", TS. Nguyễn quốc Việt nêu rõ.
Một điểm thú vị hơn mà ông Việt rất tâm đắc đó là các thành viên của P4G đều có thế mạnh về các ngành nông nghiệp chủ đạo. Vì thế, nên đẩy mạnh hợp tác giữa Việt Nam và các thành viên P4G để xây dựng và phát triển một hệ thống sản xuất nông nghiệp xanh, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Với Hội nghị thượng đỉnh P4G lần đầu tiên tổ chức ở Hà Nội, ông Nguyễn Quang Vinh mong muốn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ của Việt Nam có thể tham gia Hội nghị. Đây là cơ hội vàng để doanh nghiệp nhỏ và vừa tích lũy kiến thức về vận dụng mô hình chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng hay cách quản lý, điều hành doanh nghiệp trong một thế giới đang thay đổi rất nhanh.
Gần một triệu doanh nghiệp Việt Nam có thể tạo ra những giá trị mới, hòa mình vào "bản giao hưởng" xanh, cùng dân tộc Việt Nam cất cánh trong kỷ nguyên vươn mình.