Xe điện ngày càng 'sạch': Không chỉ ở động cơ

Khi xe điện không còn chỉ 'xanh' ở động cơ mà còn sạch từ chính dòng điện vận hành, nhờ vào các dự án điện năng lượng tái tạo.

Theo thống kê từ Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, đến năm 2024, năng lượng tái tạo – gồm thủy điện, điện mặt trời và điện gió – đã chiếm gần 55% tổng công suất nguồn điện quốc gia, tiệm cận với tỷ trọng của các quốc gia tiên tiến như Đức. Trong đó, thủy điện đóng góp khoảng 27,9%, phần còn lại đến từ điện mặt trời và điện gió.

Tổng lượng điện tiêu thụ trên cả nước cũng tăng mạnh, đạt mức 9,25% so với cùng kỳ 2023, đặc biệt tại miền Bắc. Điều này cho thấy nhu cầu sử dụng điện đang bùng nổ, đi kèm là yêu cầu cấp thiết phải xanh hóa nguồn cung và đẩy nhanh phát triển hệ thống hạ tầng năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang phụ thuộc tương đối nhiều vào các nguồn năng lượng hóa thạch, với khoảng 30% đến từ điện dầu – khí và than. Theo định hướng của Quy hoạch điện VIII, sau năm 2030, Việt Nam sẽ không xây mới nhà máy nhiệt điện than, đồng thời tiến tới loại bỏ hoàn toàn vào năm 2050.

Thay vào đó, tỷ trọng điện sạch – bao gồm điện gió, điện mặt trời và các nguồn điện ít phát thải như LNG – sẽ được nâng lên mức 75% trong cơ cấu sản xuất điện quốc gia.

Cần 400 tỷ USD rút ngắn lộ trình Net Zero

Theo ông Lương Quang Huy – Trưởng phòng Quản lý phát thải khí nhà kính, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ NN&MT), nếu không có những giải pháp đột phá, Việt Nam phải tới năm 2085 mới có thể đạt mức phát thải ròng bằng 0.

“Muốn đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050 như cam kết tại COP26, chúng ta phải huy động được hơn 400 tỷ USD đầu tư vào chuyển đổi năng lượng”, ông Huy nhấn mạnh.

Nguồn vốn này sẽ được dùng để mở rộng công suất điện tái tạo, nâng cấp lưới điện, xây dựng trạm sạc, thúc đẩy sản xuất xe điện và hoàn thiện hệ sinh thái phương tiện xanh.

Ở góc độ giao thông, TS. Trần Hữu Minh – Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia – cho rằng Việt Nam cần “xanh hóa” phương tiện càng nhanh càng tốt, bởi khi nền kinh tế phát triển, nhu cầu sở hữu phương tiện cá nhân sẽ tiếp tục gia tăng.

“Điều quan trọng không phải là ngăn cấm xe cá nhân, mà là biến xe cá nhân thành phương tiện không phát thải, vận hành bằng điện sạch”, ông Minh chia sẻ.

Doanh nghiệp tư nhân tăng tốc đầu tư năng lượng tái tạo

Không chỉ dừng lại ở chính sách, khu vực tư nhân, đặc biệt là các tập đoàn lớn cũng đang đóng vai trò đầu tàu trong cuộc chuyển đổi xanh. Mới đây, Tập đoàn Vingroup đã gửi văn bản đề xuất bổ sung 7 dự án điện tái tạo vào Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, với tổng công suất lên tới 47.500 MW trong giai đoạn 2025–2035.

Tập đoàn Vingroup đã gửi văn bản đề xuất bổ sung 7 dự án điện tái tạo vào Quy hoạch điện VIII điều chỉnh với tổng công suất lên tới 47.500 MW (Ảnh minh họa)

Tập đoàn Vingroup đã gửi văn bản đề xuất bổ sung 7 dự án điện tái tạo vào Quy hoạch điện VIII điều chỉnh với tổng công suất lên tới 47.500 MW (Ảnh minh họa)

Riêng trong 5 năm đầu (2025–2030), Vingroup dự kiến phát triển 20.500 MW điện mặt trời và điện gió tại các địa phương giàu tiềm năng như Sơn La, Ninh Thuận, Trà Vinh, Khánh Hòa… với tổng mức đầu tư ước tính từ 20–25 tỷ USD.

Đồng thời, tập đoàn này cũng đề xuất xây dựng một nhà máy điện khí LNG công suất 5.000 MW tại Hải Phòng, giúp bù đắp công suất thiếu hụt từ các dự án nhiệt điện than đang chậm tiến độ.

Nếu được triển khai đúng lộ trình, các dự án này sẽ tăng đáng kể lượng điện sạch trong hệ thống, tạo nền tảng cho xe điện tại Việt Nam vận hành bằng nguồn điện xanh – từ đó hiện thực hóa đúng nghĩa mục tiêu phát triển giao thông bền vững.

Báo cáo mới nhất từ Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, quy mô thị trường xe điện Việt Nam có thể đạt 2,93 tỷ USD vào năm 2025 và tăng gần gấp đôi lên 6,69 tỷ USD vào năm 2030. Đến năm 2035, xe máy điện có thể chiếm tới 56% tổng doanh số xe hai bánh tại Việt Nam.

Thanh Trà

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/xe-dien-ngay-cang-sach-khong-chi-o-dong-co-ar935412.html