Xây dựng nền báo chí có trách nhiệm giới

Sáng 13/11, tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp cùng tổ chức Oxfam tại Việt Nam thực hiện chương trình tọa đàm và trưng bày 'Báo chí qua lăng kính giới'. PGS. TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì tọa đàm.

Trong khuôn khổ chương trình, các diễn giả đã chia sẻ các vấn đề liên quan đến vai trò của báo chí trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng, thúc đẩy bình đẳng giới; nhận diện tình trạng định kiến giới trong xã hội thể hiện trên báo chí - truyền thông; thảo luận về khuôn mẫu giới, sạn giới, cách thức xây dựng sản phẩm báo chí có nhạy cảm giới…

Đánh giá về công tác truyền thông bình đẳng giới, nhà báo Vĩnh Quyên, nguyên Phó Tổng Giám đốc Kênh Truyền hình Quốc hội nhận định, thời gian qua, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu về bình đẳng giới, thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho trẻ em gái. Tuy nhiên, định kiến giới vẫn “lẩn khuất” trong các tác phẩm truyền thông, gây tác động về nhận thức, thái độ và đánh giá thiên lệch, tiêu cực về đặc điểm, vị trí, vai trò và năng lực của nam hoặc nữ.

Tọa đàm với sự góp mặt của nhiều nhà báo, các chuyên gia về giới.

Tọa đàm với sự góp mặt của nhiều nhà báo, các chuyên gia về giới.

Nhà báo Nguyễn Thục Hạnh, Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Việt Nam cho biết, để thay đổi nhận thức và hành vi, thúc đẩy bình đẳng giới, các sản phẩm báo chí cần hướng tới thay đổi, xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu về giới, giúp hiểu đúng và tôn trọng đa dạng về giới. Cùng với các sản phẩm chuyên san về phụ nữ, cần có nhiều sản phẩm báo chí chuyên về nam giới hoặc giới khác, huy động sự chung tay cùng vào cuộc của các giới để phát huy bình đẳng giới.

Phát biểu kết luận tọa đàm, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng nhấn mạnh, báo chí có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cho công chúng về bình đẳng giới và vai trò của phụ nữ trong đời sống xã hội. Các nhà báo, dù ở vai trò nào cũng đã và đang đóng góp quan trọng trong việc phản ánh các vấn đề bất bình đẳng giới đang xảy ra, các vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em.

Cũng theo PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, bên cạnh những thành công và điểm tích cực của báo chí, chúng ta vẫn cần phải có những định hướng nhằm xây dựng nền báo chí có trách nhiệm giới. Yêu cầu về trách nhiệm giới cần được thực hiện trong toàn bộ quy trình sáng tạo nội dung, tổ chức sản xuất và một số nguyên tắc cần tuân thủ nhằm tăng cường tần suất và chất lượng sản phẩm báo chí về giới, bình đẳng giới, gợi ý các giải pháp mang tính chất rất kỹ thuật như cách thức sử dụng hình ảnh có trách nhiệm giới; sử dụng hài hòa các nhân vật và hình ảnh minh họa…

Nhân dịp này, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã trưng bày chuyên đề có tính lịch sử về các sản phẩm báo chí đề cập đến vấn đề giới tại Việt Nam trong hơn một thế kỷ qua. Thông qua những tác phẩm báo chí viết về giới, trưng bày góp một điểm nhấn sinh động và ý nghĩa phục vụ các mục tiêu đề ra của chương trình, khẳng định vai trò của báo chí trong truyền thông chống phân biệt đối xử về giới, khuôn mẫu giới, bình đẳng giới.

Ngô Khiêm

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/xay-dung-nen-bao-chi-co-trach-nhiem-gioi-i713638/