Xây dựng nền hành chính hiện đại phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân

'Đẩy mạnh hiện đại hóa hành chính trong các lĩnh vực hành chính tư pháp để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân. Trong đó tập trung vào những lĩnh vực như hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp, đăng ký biện pháp bảo đảm' - Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chương trình hành động của ngành tư pháp vừa được ban hành.

Chương trình hành động nhằm thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ gồm: Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020; Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020.

Năm 2020, ngành Tư pháp đẩy mạnh hiện đại hóa hành chính trong các lĩnh vực hành chính tư pháp để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân. Ảnh: Thời Nguyễn

Năm 2020, ngành Tư pháp đẩy mạnh hiện đại hóa hành chính trong các lĩnh vực hành chính tư pháp để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân. Ảnh: Thời Nguyễn

Theo đó, trong năm 2020, ngành tư pháp sẽ thực hiện đồng bộ, hiệu quả Phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch; triển khai đồng bộ, hiệu quả Hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung; đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử.

Tiếp tục tăng số dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết ở cấp độ 4; cho phép người dân, DN thanh toán không dùng tiền mặt bằng nhiều phương tiện khác nhau; tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia theo lộ trình; đẩy mạnh phương thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.

Cùng với đó, ngành tư pháp cũng sẽ chú trọng kiểm soát chặt chẽ việc quy định thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, danh mục hàng hóa, sản phẩm kiểm tra chuyên ngành ngay từ khâu soạn thảo. Chú trọng công tác kiểm tra, xử lý văn bản theo thẩm quyền, nhất là những văn bản có tác động trực tiếp, rộng rãi đến người dân và DN.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định hướng dẫn các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về giao dịch bảo đảm, trong đó hoàn thiện các quy định về đăng ký giao dịch bảo đảm, thứ tự ưu tiên thanh toán... theo hướng đơn giản hóa quy định về hồ sơ và thực hiện triển khai đăng ký, sửa đổi, bổ sung, xóa đăng ký biện pháp bảo đảm theo phương thức trực tuyến. Phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc thực hiện giao dịch điện tử về đất đai, trong đó có đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.

Các nhiệm vụ quan trọng khác cũng đã được đề cập đến trong Chương trình hành động của ngành tư pháp trong năm 2020 như: Tham mưu giúp Chính phủ hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật; nâng cao chất lượng thẩm định các đề nghị xây dựng, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; hoàn thiện thể chế pháp luật liên quan đến thi hành án dân sự, thi hành án hành chính; tăng cường quản lý Nhà nước và nâng cao chất lượng các dịch vụ công trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp…

Trước đó, trong năm 2019, Bộ, ngành tư pháp đã giải quyết được số lượng lớn yêu cầu của người dân, DN trong lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp; nhất là trong việc thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp, chứng thực, công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm.

Tại các địa phương, năm 2019 số Phiếu lý lịch tư pháp đã cấp tăng rất nhiều so với năm 2018 và tăng hơn gấp đôi so với đầu nhiệm kỳ. Cụ thể: Đã cấp được tổng số 768.933 Phiếu lý lịch tư pháp (tăng tới 42,6 % so với năm 2018). Bộ Tư pháp đã cấp 15.204 Phiếu lý lịch tư pháp của người nước ngoài đã từng cư trú tại Việt Nam và công dân Việt Nam không có nơi thường trú, tạm trú (tăng hơn 1,4 lần so với năm 2018). Phối hợp với Cục Hồ sơ nghiệp vụ, Bộ Công an và CA các tỉnh/ TP tra cứu, xác minh 484.634 trường hợp cho các Sở Tư pháp cấp phiếu.

Trong năm, toàn ngành đã chứng thực 102,4 triệu bản sao, thực hiện được hơn 8,5 triệu việc chứng thực hợp đồng, giao dịch, chữ ký và các văn bản thỏa thuận khác (tăng 3% so với năm 2018), tạo điều kiện thuận lợi để người dân, DN thực hiện các quyền hợp pháp của mình.

Thanh Hải

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/xay-dung-nen-hanh-chinh-hien-dai-phuc-vu-tot-hon-nhu-cau-cua-nguoi-dan-178044.html