Xây dựng nền tảng thể lực cho thế hệ tương lai
Trong bài viết 'Tương lai cho thế hệ vươn mình', Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ: Để hướng tới năm 2045 với tầm nhìn về một Việt Nam phát triển toàn diện, việc định hướng phát triển con người, đặc biệt là thế hệ trẻ, trở thành ưu tiên chiến lược. Trước hết, cần đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục và đào tạo nhằm phát triển trí tuệ và tri thức. Song song với giáo dục trí tuệ là chiến lược nâng cao sức khỏe và thể chất của người Việt Nam; cần khuyến khích phát triển thể thao và dinh dưỡng học đường một cách bài bản và hiệu quả nhằm nâng cao tầm vóc người Việt Nam.

Giờ học ngoại khóa tại Trường mầm non Nghĩa Hương, huyện Quốc Oai, Hà Nội. (Ảnh: MAI NGỌC)
Dinh dưỡng học đường quyết định nền tảng thể lực và trí lực
Để có một nền tảng thể lực tốt, yếu tố dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng nhất. Khoa học đã chứng minh, khoảng 86% chiều cao tối đa của con người đạt được trong độ tuổi dưới 12 tuổi, đây chính là giai đoạn quyết định sự phát triển tối đa tầm vóc, thể lực và trí lực của con người.
Chính vì vậy, vấn đề chăm lo dinh dưỡng cho trẻ em ở giai đoạn này, nhất là dinh dưỡng học đường, đã trở nên cấp thiết, cần được nhận thức đầy đủ để có giải pháp thực thi hiệu quả.
Trẻ em lứa tuổi học đường có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng với chiều cao tăng trung bình khoảng 6,2 cm mỗi năm. Điều đó cho thấy dinh dưỡng học đường có vai trò rất quan trọng, vừa bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng cho sự phát triển cơ thể của trẻ vừa đáp ứng được năng lượng cho các hoạt động thể lực và học tập của học sinh. Vì vậy, đầu tư vào dinh dưỡng học đường là một chính sách đột phá để nâng cao tầm vóc cả thể lực và trí lực của trẻ đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực của quốc gia trong tương lai.

Để có một nền tảng thể lực tốt, yếu tố dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng nhất.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) cho biết, trẻ em Việt Nam đang phải đối mặt với ba gánh nặng về dinh dưỡng: Suy dinh dưỡng (chủ yếu là thể thấp còi, nhẹ cân); thừa cân béo phì và thiếu vi chất dinh dưỡng. Tổng hợp kết quả điều tra, đánh giá tình trạng dinh dưỡng năm 2024 của Viện Dinh dưỡng cho thấy tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi của Việt Nam là 18,1%, riêng hai vùng trung du và miền núi phía bắc, Tây Nguyên tỷ lệ còn cao hơn, lần lượt là 23,8% và 27,3%. Trong khi đó, tỷ lệ béo phì, thừa cân ở nhóm 5-19 tuổi tăng gấp hơn 2 lần sau 10 năm, từ 8,5% năm 2010 lên đến 19%...
Những tình trạng nêu trên có thể dẫn tới nguy cơ gia tăng bệnh không lây nhiễm liên quan dinh dưỡng như: Cao huyết áp, bệnh ung thư, đái tháo đường, tim mạch…
Trước thực trạng vấn đề dinh dưỡng hiện nay, đòi hỏi cần những giải pháp vừa cải thiện suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng vừa ngăn chặn thừa cân béo phì. Hiện các bộ, ngành liên quan và các địa phương đang tích cực triển khai Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030, với những mục tiêu về cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho toàn dân, nhất là nhóm trẻ em và thanh thiếu niên tuổi học đường.

Đầu tư vào dinh dưỡng học đường là một chính sách đột phá để nâng cao tầm vóc cả thể lực và trí lực của trẻ đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực của quốc gia trong tương lai.
Mô hình thí điểm bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên Việt Nam (do Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai với sự đồng hành của Tập đoàn TH thực hiện tại 10 tỉnh, thành phố trên cả nước, đại diện cho năm vùng sinh thái của Việt Nam) đã đem lại kết quả tích cực. Can thiệp chính của mô hình điểm là 400 thực đơn bữa ăn học đường đa dạng, cân đối, giàu vi chất dinh dưỡng kết hợp giáo dục dinh dưỡng và giáo dục thể chất giúp học sinh tăng cường sức khỏe và phát triển thể lực. Mô hình này hoàn toàn có thể nhân rộng ra toàn quốc.
Tại hội thảo quốc tế về dinh dưỡng học đường kinh nghiệm thế giới và khuyến nghị cho Việt Nam được tổ chức cuối năm 2024, nhiều chuyên gia dinh dưỡng quốc tế đã chia sẻ những cách làm hay.
Như Nhật Bản đã ban hành luật về dinh dưỡng học đường từ sớm và có sự thay đổi theo từng giai đoạn, để phù hợp tình hình thực tế về tình trạng dinh dưỡng, kinh tế-xã hội. Luật vừa chuẩn hóa bữa ăn học đường vừa chú trọng phát triển giáo dục dinh dưỡng. Nhờ đó, tình trạng suy dinh dưỡng giảm đáng kể, thanh niên Nhật Bản ngày càng phát triển mạnh mẽ về thể chất và trí tuệ, với tầm vóc, chiều cao trung bình tăng trưởng vượt bậc.
Tại Mỹ, dù không có luật riêng về dinh dưỡng học đường nhưng nước này đặt ra những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về dinh dưỡng, tập trung vào việc giảm lượng đường, muối và chất béo; bổ sung rau củ, ngũ cốc và sữa tươi trong các bữa ăn học đường; giáo dục dinh dưỡng cũng được tích hợp vào chương trình học chính khóa, giúp trẻ nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với sức khỏe, từ đó xây dựng và duy trì thói quen ăn uống lành mạnh…
Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Hợp, chuyên gia đầu ngành về dinh dưỡng cho rằng, việc luật hóa dinh dưỡng học đường tại nước ta là vấn đề cấp thiết, để có giải pháp bền vững và đồng bộ các hoạt động về dinh dưỡng học đường.
ĐỂ GIÁO DỤC THỂ CHẤT KHÔNG CÒN LÀ “MÔN PHỤ”
Với mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; từng bước nâng cao chất lượng giống nòi và tăng tuổi thọ khỏe mạnh của người Việt Nam, tháng 4/2011, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030.
Đề án đưa ra những mục tiêu cụ thể về cải thiện tầm vóc của thanh niên Việt Nam; cải thiện thể lực, nhất là sức bền; tăng cường chăm sóc sức khỏe trẻ em, người chưa thành niên và thanh niên nhằm giảm các bệnh về tim mạch, bệnh béo phì, bệnh gây bất bình thường về chiều cao... Để đạt các mục tiêu đề ra, đề án cũng đã xây dựng và triển khai bốn chương trình thành phần.
Tuy nhiên, sau hơn 10 năm triển khai, nhiều nội dung của đề án không đạt được như kỳ vọng đề ra.

Môn giáo dục thể chất trong trường học hiện nay vẫn chưa thật sự được quan tâm đúng mức, thể hiện khá rõ từ việc thiếu cơ sở vật chất, sân chơi đến bố trí giờ học thể chất
Giáo dục thể chất đóng vai trò quan trọng để tăng cường sức khỏe, nâng cao thể lực và tầm vóc; tạo cơ sở để phát triển toàn diện cho học sinh; cũng là hoạt động rèn luyện kỹ năng sống… Tuy nhiên, môn giáo dục thể chất trong trường học hiện nay vẫn chưa thật sự được quan tâm đúng mức, thể hiện khá rõ từ việc thiếu cơ sở vật chất, sân chơi đến bố trí giờ học thể chất…
Đặc biệt, phần lớn giáo viên, phụ huynh và học sinh đều coi giáo dục thể chất là “môn phụ”, điều này làm giảm hiệu quả cũng như vai trò của giáo dục thể chất trong nhà trường. Do vậy, thời gian tới, các địa phương, đơn vị cần có giải pháp thực hiện được mục tiêu của môn học giáo dục thể chất là nâng cao sức khỏe, thể chất, hình thành thói quen tập luyện thể dục thể thao cho học sinh, sinh viên.
Để khắc phục những khó khăn, đồng thời phát huy các kết quả đã đạt được và triển khai thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao về phát triển thể lực tầm vóc và dinh dưỡng học đường, Bộ Giáo dục và Đào tạo cam kết thực hiện công tác bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên bằng những nội dung cụ thể: tăng cường chỉ đạo các sở giáo dục và đào tạo, các nhà trường triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao về bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên để nâng cao sức khỏe, dự phòng các bệnh không lây nhiễm; triển khai nhân rộng mô hình bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường vận động thể lực phù hợp trẻ em, học sinh, đặc biệt nhóm tuổi tiền dậy thì và dậy thì. Xây dựng và triển khai có hiệu quả các dự án, chương trình, hoạt động nghiên cứu khoa học về dinh dưỡng học đường và tăng cường các hoạt động thể lực, chú trọng khu vực khó khăn.
Từ thực tế hơn 10 năm triển khai, văn phòng Ban điều phối đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030 cho rằng, việc tiếp tục triển khai đề án trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 với các mục tiêu, nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là cần thiết. Tuy nhiên, đề án cần được bố trí kinh phí bảo đảm tính khả thi của các chương trình trọng tâm: Đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ sẽ là cơ sở quan trọng để bảo đảm đạt được các mục tiêu đề ra; cần kinh phí cho việc triển khai các hoạt động: Nghiên cứu khoa học, điều tra, khảo sát, xây dựng các trung tâm, mô hình thí điểm làm cơ sơ sở triển khai quy mô rộng…
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/xay-dung-nen-tang-the-luc-cho-the-he-tuong-lai-post870021.html