Xây dựng ngành chăn nuôi hiện đại, bền vững
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 1520/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045. Mục tiêu của chiến lược trên đến năm 2030 là phát triển chăn nuôi toàn diện, hiệu quả, bền vững; sản xuất chăn nuôi trong nước thuộc nhóm các quốc gia tiên tiến trong khu vực.
Đồng Nai là “thủ phủ” chăn nuôi của cả nước khi thuộc tốp đầu về tổng đàn gia súc, gia cầm. Trong đó, mặt hàng heo, gà vẫn nằm trong danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh trong giai đoạn hội nhập. Bám sát mục tiêu chiến lược phát triển chăn nuôi trong giai đoạn mới của Thủ tướng Chính phủ, Đồng Nai tập trung phát triển bền vững ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao để cạnh tranh tốt khi bước vào sân chơi quốc tế.
* “Biến” chăn nuôi thành một ngành công nghiệp
Chiến lược phát triển ngành chăn nuôi trong giai đoạn mới căn cứ trên quan điểm phát huy tiềm năng, lợi thế của các vùng sinh thái phát triển chăn nuôi toàn diện, hiệu quả, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với phát triển các chuỗi giá trị. Phát triển ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đồng thời đẩy mạnh chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi truyền thống theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, an toàn. Mục tiêu của chiến lược trên đến năm 2030, sản xuất chăn nuôi trong nước thuộc nhóm các quốc gia tiên tiến trong khu vực.
Chiến lược phát triển chăn nuôi cũng đặt ra nhiều mục tiêu cụ thể đến năm 2030 như: chăn nuôi công nghiệp chiếm 70% trên tổng đàn heo; chiếm khoảng 60% trên tổng đàn gà; cả nước xây dựng được ít nhất 20 vùng chăn nuôi an toàn cấp huyện… Đồng Nai có nhiều lợi thế để phát triển ngành chăn nuôi đạt và vượt những mục tiêu của chiến lược phát triển chăn nuôi trong giai đoạn mới đặt ra.
Hiện tổng đàn heo của Đồng Nai đạt gần 2,2 triệu con, tăng 9,73% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, hơn 80% tổng đàn heo chăn nuôi theo quy mô công nghiệp. Nguyên nhân tổng đàn heo hiện nay tăng là hầu hết các đơn vị chăn nuôi có quy mô lớn có đủ điều kiện an toàn đảm bảo công tác tái đàn, đảm bảo nguồn con giống cung cấp ra thị trường. Đặc biệt, nhiều công ty lớn trong ngành chăn nuôi như: Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam, Công ty TNHH CJ Vina Agri… thuê lại các chuồng trại để trống trước đây để tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi.
Tổng đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh hiện đạt gần 29 triệu con, tăng gần 4,7% so với cùng kỳ. Trong đó, tổng đàn gà đạt gần 26,9 triệu con, tăng gần 5% so với cùng kỳ; khoảng 80% tổng đàn gà tại Đồng Nai được nuôi theo hình thức trại tập trung, áp dụng các quy trình an toàn dịch bệnh. Hiện nay, một số trang trại nuôi gà thịt đã kết nối được các doanh nghiệp tiêu thụ, tạo thành chuỗi khép kín từ trang trại đến bàn ăn, góp phần thúc đẩy hoạt động chăn nuôi phát triển.
Đồng Nai cũng đi đầu cả nước trong xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, 5 huyện được chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh trên gà đối với bệnh cúm và bệnh Newcastle. Chăn nuôi heo đã hình thành được 3 vùng GAHP (Quy trình thực hành chăn nuôi tốt) tại các huyện Thống Nhất, Xuân Lộc và TP.Long Khánh. Toàn tỉnh đã triển khai xây dựng được 42 cơ sở giết mổ theo quy hoạch giết mổ tập trung được đầu tư dây chuyền giết mổ hiện đại, an toàn. Tính đến hết năm 2019, Đồng Nai duy trì khoảng 18,6% sản lượng heo, 27% sản lượng gà đạt tiêu chuẩn VietGAHP có mặt trên thị trường.
Trong dịp về làm việc tại Đồng Nai, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá, quy mô đàn heo của Đồng Nai chiếm tỉ trọng cao trong tổng đàn heo cả nước. Đồng Nai có rất nhiều lợi thế để tái đàn, tăng đàn như: có tổng đàn nái, trong đó có đàn giống cụ kỵ cao là nguồn tài nguyên rất lớn về nguồn giống cung cấp ra thị trường. Tỉnh có nhiều cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học; là một trong những tỉnh đi đầu trong triển khai truy xuất nguồn gốc và xây dựng các chuỗi liên kết chăn nuôi an toàn… Đồng Nai cần tiếp tục cơ cấu lại hoạt động chăn nuôi, ưu tiên phát triển mô hình trang trại quy mô lớn, đảm bảo an toàn sinh học nhằm góp phần đảm bảo sự tăng trưởng của toàn ngành Nông nghiệp.
* Cần đầu tư mạnh cho chế biến thịt
Chiến lược phát triển ngành chăn nuôi cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2045, ngành chăn nuôi là ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại và được công nghiệp hóa ở hầu hết các khâu từ sản xuất đến chế biến, bảo quản đến kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Cụ thể đến năm 2030, tỷ trọng gia súc được giết mổ tập trung công nghiệp đạt khoảng 60% và đạt khoảng 70% với gia cầm. Trong đó, sản lượng thịt xẻ các loại đạt từ 6 - 6,5 triệu tấn; xuất khẩu từ 15-20% sản lượng thịt heo, từ 20-25% thịt và trứng gia cầm. Tỷ trọng thịt gia súc, gia cầm được chế biến so với tổng sản lượng thịt từ 40-50%...
Phát triển ngành chế biến thịt là một trong những giải pháp căn cơ để giải bài toán đầu ra bền vững cho sản phẩm chăn nuôi và mang lại giá trị gia tăng cao cho ngành này. Cũng từ lợi thế là thủ phủ chăn nuôi của cả nước, Đồng Nai thu hút được nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào ngành chế biến thịt tươi cũng như các sản phẩm khác từ thịt gia súc, gia cầm.
Theo Sở NN-PTNT, toàn tỉnh có 22 doanh nghiệp chế biến thực phẩm từ thịt động vật trên cạn. Trung bình mỗi năm, các doanh nghiệp này chế biến, cung cấp ra thị trường khoảng 30 ngàn tấn thành phẩm, tương đương với khoảng 45 ngàn tấn nguyên liệu tươi. Các sản phẩm chế biến rất đa dạng như: giò chả, chà bông, xúc xích, thịt nguội, jambon, xông khói...
Hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở có sơ chế, chế biến thực phẩm đều hình thành được chuỗi sản phẩm theo quy trình khép kín từ con giống đến chăn nuôi, giết mổ và bảo quản để chế biến. Những tập đoàn, doanh nghiệp có tiếng trong đầu tư sơ chế, chế biến gồm: Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam (TP.Biên Hòa) đã phát triển hệ thống cửa hàng tiêu thụ rộng khắp cả nước; Công ty TNHH Koyu & Unitex (TP.Biên Hòa) đi tiên phong trong cả nước xuất khẩu mặt hàng thịt gà và sản phẩm chế biến từ thịt gà vào thị trường khó tính là Nhật Bản…
Ông Lê Văn Quyết, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (H.Long Thành) chia sẻ, hiện nay nhu cầu về thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn không ngừng tăng cao tại các thành phố lớn, các tỉnh công nghiệp.
Là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về ngành chăn nuôi, Đồng Nai đang là địa chỉ thu hút nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư các nhà máy chế biến thịt hiện đại, đạt chuẩn quốc tế với tham vọng không chỉ chiếm lĩnh được thị trường nội địa mà còn vươn ra xuất khẩu. “Hiện Long Thành Phát là HTX nuôi gà xuất khẩu duy nhất trên cả nước, sản phẩm của chúng tôi được doanh nghiệp tại địa phương bao tiêu để chế biến, xuất khẩu đi Nhật Bản. Thị trường xuất khẩu các sản phẩm gia cầm chế biến còn rất giàu tiềm năng nên nguồn cung vẫn chưa đủ cầu” - ông Quyết nói.
Chỉ ra những thách thức của ngành chăn nuôi khi bước vào hội nhập, ông Phạm Đức Bình, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho rằng, nếu nhìn về lợi ích của 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam thì việc mở cửa nhập khẩu thịt ngoại là cần thiết.
“Điều cần quan tâm là ở khâu kiểm soát nguồn thịt nhập nhằm đảm bảo về chất lượng và an toàn thực phẩm. Để cạnh tranh được trong hội nhập, ngành chăn nuôi trong nước phải thay đổi theo hướng sản xuất công nghiệp đảm bảo về an toàn sinh học; thực hiện truy xuất nguồn gốc đảm bảo an toàn thực phẩm. Ngay cả các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng buộc phải tuân theo quy luật của thị trường, phải tính toán lại bài toán đầu tư chuyển đổi theo hướng chuyên nghiệp hơn” - ông Bình phân tích.
Theo Cục Thống kê Đồng Nai, trong 9 tháng của năm 2020, nhập khẩu thức ăn và nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đạt gần 745 triệu USD, tăng hơn 41,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng ấn tượng nếu so sánh với tình hình nhập khẩu chung vì Đồng Nai là thủ phủ sản xuất thức ăn chăn nuôi của cả nước.
Toàn tỉnh có khoảng 40 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đạt tổng công suất thiết kế trên 3 triệu tấn sản phẩm/năm. Trong đó, nhiều tập đoàn lớn của nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này như: Tập đoàn C.P. (Thái Lan), Cargill (Mỹ), CJ (Hàn Quốc), De Heus (Hà Lan), Haid (Singapore), Emivest (Malaysia)…