Xây dựng ngành công nghiệp văn hóa 'Sáng tạo - Bản sắc - Độc đáo - Chuyên nghiệp - Cạnh tranh'
Sáng 22-12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về 'Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam'.
Đồng chủ trì hội nghị có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng.
Hội nghị được tổ chức trực tuyến từ điểm cầu trụ sở Chính phủ kết nối các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với sự tham dự của đại diện các bộ, ban, ngành liên quan.
Tại điểm cầu thành phố Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà.
Xuất siêu sản phẩm công nghiệp văn hóa
Báo cáo kết quả triển khai, thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; định hướng và giải pháp phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết: Đây là lần đầu tiên, Bộ tham mưu Chính phủ tổ chức hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước. Qua số liệu ước tính, giá trị tăng thêm của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào nền kinh tế năm 2018 ước đạt 5,82% và đến năm 2022 ước đạt 4,04%. Giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018-2022 đóng góp ước bình quân đạt 1,059 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 44 tỷ USD)/ năm.
Xuất, nhập khẩu sản phẩm, dịch vụ của các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn 2018-2022 tạo ra giá trị xuất siêu: Năm 2018, xuất siêu ước đạt 37 tỷ USD; đến năm 2022, xuất siêu tiếp tục tăng, ước đạt 41,9 tỷ USD.
Lực lượng lao động thuộc các ngành công nghiệp văn hóa tăng khá nhanh, bình quân 5 năm lao động tăng 7,4%/năm; năm 2022, thu hút khoảng 2,3 triệu lao động, chiếm tỷ trọng 4,42% trong tổng lực lượng lao động của nền kinh tế.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, công nghiệp văn hóa là nhóm ngành mới, giá trị gia tăng cao, thể hiện là nhóm ngành có lợi thế quốc gia của Việt Nam, góp phần tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và quảng bá hình ảnh Việt Nam với thế giới.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề xuất 3 mục tiêu trọng tâm và 6 nhóm giải pháp để phát triển ngành công nghiệp văn hóa thời gian tới. Trong đó, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trở thành ngành kinh tế quan trọng, tập trung phát triển có trọng tâm, trọng điểm một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế nhằm đạt mục tiêu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP và tiếp tục góp phần phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khung khổ pháp lý để tạo cơ sở pháp lý, "khơi thông" nguồn lực thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế, như chính sách ưu đãi về vốn, khuyến khích sáng tạo đối với văn nghệ sĩ, các doanh nghiệp khởi nghiệp…
Sớm có tín dụng ưu đãi công nghiệp sáng tạo
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận sâu, tìm ra những giải pháp hướng đến mục tiêu thúc đẩy phát triển 12 ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam; bảo đảm phát huy vai trò của nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và khơi thông nguồn lực phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng. Đại diện các bộ, ngành liên quan đã giải đáp những kiến nghị của các đại biểu về những khó khăn, vướng mắc nhằm phát triển ngành công nghiệp văn hóa thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là hội nghị đầu tiên, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Thủ tướng cho biết, nói về công nghiệp văn hóa là đề cập đến các ngành công nghiệp sản xuất ra các sản phẩm mang tính nghệ thuật và sáng tạo, thông qua khai thác những giá trị văn hóa cùng sản phẩm và dịch vụ có tính trí tuệ, có ý nghĩa xã hội và văn hóa để thu về lợi ích kinh tế. Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật để phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa.
“Với sự đặc biệt quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, thời gian qua, công nghiệp văn hóa dần trở thành ngành kinh tế dịch vụ quan trọng. Đầu tư vốn vào ngành công nghiệp văn hóa đã thúc đẩy thị trường công nghiệp văn hóa có những bước tiến mới, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, so với một số ngành khác thì các ngành công nghiệp văn hóa nước ta vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế. Thủ tướng cho rằng, để công nghiệp văn hóa sớm phát triển nhanh, bền vững, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, cần có sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức, tư duy đến hành động, đổi mới, đột phá trong cách làm, xây dựng ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam “Sáng tạo - Bản sắc - Độc đáo - Chuyên nghiệp - Cạnh tranh”, trên nền tảng văn hóa “Dân tộc - Khoa học - Đại chúng” của Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các phát biểu, kiến nghị tại hội nghị, trong đó có nhiều ý kiến gợi mở để phát triển ngành công nghiệp văn hóa thời gian tới.
Điểm lại những kết quả nổi bật đạt được trong ngành công nghiệp văn hóa thời gian qua, đặc biệt là đóng góp vào tăng trưởng GDP trong giai đoạn 2018-2022, Thủ tướng nêu rõ tầm quan trọng cũng như vai trò của ngành công nghiệp văn hóa không chỉ đối với phát triển kinh tế - xã hội nói chung của đất nước mà còn đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, đời sống tinh thần của người dân, thu hút lực lượng lao động tham gia lĩnh vực này.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chia sẻ với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa về những khó khăn liên quan đến thủ tục hành chính, thuế, vướng mắc về cơ chế, chính sách; vấn đề vi phạm bản quyền; nguồn lực đầu tư cho văn hóa còn dàn trải, chưa tương xứng. Trong đó, nội dung, hình thức các sản phẩm công nghiệp văn hóa còn hạn chế, một số tác phẩm còn biểu hiện lệch chuẩn; đồng thời bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài.
Nguồn lực đầu tư còn dàn trải, chưa tập trung phát triển một số lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm có lợi thế, tiềm năng nhằm tạo ra các sản phẩm, dịch vụ chủ lực, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Nguồn nhân lực trong các ngành công nghiệp văn hóa còn thiếu về số lượng và có những trường hợp hạn chế về chất lượng. Chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực cho các ngành công nghiệp văn hóa còn đang gặp những khó khăn, vướng mắc…
Nêu bật những bài học kinh nghiệm cũng như thuận lợi, khó khăn trong phát triển công nghiệp văn hóa, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể để phát triển ngành công nghiệp văn hóa trong thời gian tới đối với từng bộ, ngành, địa phương. Thủ tướng cho rằng, phát triển công nghiệp văn hóa phải gắn với phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới; đồng thời gắn với du lịch và các sản phẩm công nghiệp văn hóa phải mang yếu tố sáng tạo.
Các bộ, ngành, địa phương liên quan phải quyết tâm, quyết liệt và nỗ lực hơn nữa nhằm thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển. Trong đó, chú trọng các lĩnh vực công nghiệp văn hóa mang tính sáng tạo như điện ảnh, thiết kế, quảng cáo… Trong đó, cần tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi, ưu đãi cho các doanh nghiệp làm việc trong lĩnh vực này về thuế, đất đai, vay vốn ngân hàng…
Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu các cơ chế, chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia phát triển các sản phẩm văn hóa, sáng tạo; khuyến khích thành lập các trung tâm, không gian sáng tạo kết nối với quốc tế… Trong đó, Thủ tướng yêu cầu, Ngân hàng Nhà nước sớm ban hành gói tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp làm việc trong lĩnh vực công nghiệp sáng tạo.