Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Cách đây đúng 73 năm, với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra Nhà nước cộng hòa dân chủ đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Đó là một trong những thành quả vĩ đại nhất của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX, đem lại một giá trị lớn - giá trị dân chủ cho nhân dân Việt Nam. Nhà nước cộng hòa dân chủ là sự khẳng định một chính thể trong đó chủ quyền thuộc về toàn dân; nhân dân từ thân phận nô lệ, rũ bùn đứng dậy, bước lên địa vị làm chủ.

 Quốc hội ngày càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Ảnh: TTXVN

Quốc hội ngày càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Ảnh: TTXVN

Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý

Chính quyền là vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng. Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn. Hồ Chí Minh cho rằng “thắng bần cùng lạc hậu khó hơn thắng đế quốc, phong kiến”. Nhiệm vụ tổ chức và quản lý nhằm xây dựng đất nước, chống lại những gì đã cũ kỹ, lạc hậu để tạo ra những cái mới mẻ tốt tươi là một “cuộc chiến đấu khổng lồ”. Nhiệm vụ này khó vì không thể giải quyết bằng một ý chí anh hùng bốc lên một cách đơn độc, mà phải bằng phương thức quản lý đề cao pháp luật theo tinh thần “trăm điều phải có thần linh pháp quyền” theo tư tưởng Hồ Chí Minh; tăng cường pháp chế, để bảo vệ quyền tự do, dân chủ của nhân dân, khẳng định bản chất của Nhà nước ở mặt dân chủ.

Phải giải quyết tốt mối quan hệ Đảng lãnh đạo và Nhà nước quản lý, để vừa bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng vừa phát huy được vai trò quản lý của Nhà nước. Chỉ có dưới sự lãnh đạo của Đảng thì Nhà nước mới giữ vững và tăng cường được bản chất giai cấp công nhân. Đảng cầm quyền lãnh đạo Nhà nước nhưng không được đứng trên, đứng ngoài pháp luật. Đảng cầm quyền không có nghĩa là Đảng nắm tất cả mọi quyền hành, làm thay Nhà nước. Đảng cầm quyền nhưng dân là chủ, là gốc. Đảng lãnh đạo Nhà nước nhưng mọi quyền hành thuộc về nhân dân. Sự lãnh đạo của Đảng không phải là một đặc quyền, mà là một sứ mệnh phục vụ nhân dân theo quan điểm Hồ Chí Minh “lãnh đạo là làm đày tớ nhân dân và phải làm cho tốt”. Từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, nước ta trở thành nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn, lực lượng đều của dân, chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra; Đoàn thể từ trung ương đến xã do dân tổ chức nên.

Giải quyết tốt mối quan hệ Đảng lãnh đạo và Nhà nước quản lý là khâu trung tâm của việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiện nay. Nhà nước mạnh tức là Đảng mạnh. Và chỉ có một Đảng thật sự là đạo đức, là văn minh thì mới lãnh đạo được Nhà nước hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Tuy nhiên, Nhà nước phải tỏ rõ và khẳng định được sức mạnh “nội lực” tính “độc lập” tương đối của mình, tập trung ở mặt lập hiến, lập pháp. Cương lĩnh, đường lối của Đảng có đi vào được cuộc sống và trở thành hiện thực hay không tùy thuộc rất lớn ở việc thể chế hóa bằng pháp luật. Vấn đề hiện nay không chỉ là đưa pháp luật vào cuộc sống, mà trước hết là phải đưa cuộc sống vào pháp luật. Luật phải xuất phát từ cuộc sống, không thể “ngồi trong phòng lạnh” hay từ ý chí chủ quan để làm luật.

Quản lý xã hội bằng pháp luật kết hợp với giáo dục đạo đức

 Trọng dân, gần dân, hiểu dân... là mục tiêu mỗi cán bộ, công chức Thủ đô Hà Nội hướng tới. Ảnh: Bá Hoạt

Trọng dân, gần dân, hiểu dân... là mục tiêu mỗi cán bộ, công chức Thủ đô Hà Nội hướng tới. Ảnh: Bá Hoạt

Sức mạnh của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là ở sự kết hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn giữa quản lý xã hội bằng pháp luật với giáo dục đạo đức. Nhân dân thực hiện quyền dân chủ của mình bằng pháp luật và pháp luật là công cụ, là “bà đỡ” để nhân dân thực hiện quyền dân chủ “dám nói, dám làm”.

Di sản Hồ Chí Minh sáng tỏ bản chất của pháp quyền xã hội chủ nghĩa là nhân nghĩa. Vì vậy, “pháp trị” không thể tách rời “đức trị”. “Pháp trị” là nói đến tính khoa học, đồng bộ, nghiêm minh của pháp luật; là “pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”. Tuy nhiên, pháp quyền nhân nghĩa chứa đựng những giá trị lớn về đạo đức. Quan điểm của Hồ Chí Minh là Nhà nước phải dùng vừa giáo dục, vừa pháp luật để quản lý, điều hành đất nước. Pháp luật là một biện pháp để khẳng định chuẩn mực đạo đức và biến nó thành thói quen. Chuẩn mực đạo đức càng khó bao nhiêu thì vai trò của pháp luật càng quan trọng bấy nhiêu.

Vì vậy, một mặt phải chú trọng việc đưa ra những tiêu chí rèn luyện đạo đức, xác định chuẩn mực đạo đức, mặt khác phải tăng cường hoàn thiện pháp luật, xây dựng luật chặt chẽ, không để những kẽ hở của luật tạo điều kiện cho những kẻ thiếu lương tâm có thể lách luật, lợi dụng sự thiếu hoàn thiện của luật để làm ăn phi pháp. Gắn bó chặt chẽ giữa tính nghiêm minh của pháp luật với giáo dục đạo đức là đòi hỏi khách quan của xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiện nay. Nói cách khác, xây dựng tính khoa học, hoàn thiện của bộ máy nhà nước, đặc biệt là xây dựng nền dân chủ, kết hợp chặt chẽ với tu dưỡng ý thức, giáo dục đạo đức là hai phạm trù rường cột trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Khẳng định quyền lực nhà nước là thống nhất, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa phải cụ thể hóa có chất lượng và hiệu quả mệnh đề “có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Trong quá trình đổi mới theo hướng dân chủ và pháp quyền, phải xây dựng một hệ thống pháp luật phát triển về chất đáp ứng đòi hỏi của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế trong thế giới toàn cầu. Đây là nhiệm vụ đặt ra trước hết đối với Quốc hội nước ta.

Uy tín, sức mạnh của Quốc hội bắt đầu từ chất lượng của đại biểu Quốc hội, đặc biệt là đại biểu chuyên trách, với cái tâm, cái tầm, bản lĩnh trên trục suy nghĩ thường trực, xuyên suốt là đại biểu của dân. Mỗi đại biểu Quốc hội phải nhận thức sâu sắc rằng, cuộc “chiến đấu” ở nghị trường còn khó khăn, phức tạp hơn cuộc chiến đấu ở chiến trường. Trên nền trí tuệ, chỉ có đặt trách nhiệm vì Tổ quốc, vì nhân dân lên trên hết thì người đại diện cho dân mới hoàn thành được nhiệm vụ của mình, mới có được tiếng nói chất lượng ở nghị trường.

Quốc hội cần tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa phải là một nhà nước có giám sát, kiểm tra. Muốn vậy, phải tiếp tục hoàn thiện thể chế kiểm tra, giám sát, làm sao để các đoàn đại biểu Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội có điều kiện giám sát hoạt động của cơ quan hành pháp một cách hiệu quả.

Đồng thời, với tư cách cơ quan hành chính cao nhất có trách nhiệm thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ với sứ mệnh kiến tạo của mình, phải thực hiện các khâu gắn bó chặt chẽ với nhau tạo ra một chuỗi giá trị của quản lý có kế hoạch, kết hợp với thị trường có sự điều tiết hợp lý.

Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì vấn đề có ý nghĩa quyết định là xây dựng con người theo quan điểm Hồ Chí Minh “mọi việc đều do người làm ra”, “vấn đề cán bộ quyết định mọi việc”; “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Cần tập trung xây dựng “văn hóa công bộc”, “văn hóa bổn phận” cho đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước, đặc biệt là người đứng đầu theo tinh thần chất lượng quý hơn số lượng, “thà ít mà tốt”. Phải nhận thức một vấn đề có tính quy luật rằng bệnh quan liêu, tham nhũng, lãng phí của cán bộ, đảng viên, nếu không được ngăn chặn, đẩy lùi thì sớm hay muộn đất nước không tránh khỏi tai họa. Vì vậy, thành công của việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân.

PGS.TS Bùi Đình Phong

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Chinh-tri/911725/xay-dung-nha-nuoc-phap-quyen-xa-hoi-chu-nghia-theo-tu-tuong-ho-chi-minh