Xây dựng nhãn hiệu lúa giảm phát thải, nâng giá trị hạt gạo Việt

Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam sau khi tham quan cánh đồng sản xuất lúa ST24 và ST25 tại thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng.

Vừa qua, ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng đoàn công tác đã đến làm việc với Thị ủy - UBND thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng về tình hình sản xuất lúa đặc sản ST24 và ST25.

Tại buổi làm việc, đoàn được nghe báo cáo tình hình sản xuất lúa đặc sản trên địa bàn thị xã. Trong vụ lúa Đông - Xuân 2023 - 2024, toàn thị xã xuống giống 18.500ha, trong đó diện tích lúa đặc sản, lúa thơm chất lượng cao chiếm 99%, giống chủ lực vẫn là ST24, ST25.

Sau khi nghe báo cáo, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đánh giá cao những nỗ lực của địa phương trong quá trình thực hiện mô hình sản xuất lúa an toàn, phát triển diện tích lúa đặc sản, lúa thơm, lúa chất lượng cao trong vụ lúa Đông - Xuân 2023 - 2024.

Đoàn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham quan cánh đồng lúa ST25 tại Sóc Trăng - Ảnh: Xuân Lương

Đoàn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham quan cánh đồng lúa ST25 tại Sóc Trăng - Ảnh: Xuân Lương

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Bộ NN&PTNT đang tích cực phối hợp các đơn vị, địa phương triển khai xây dựng nhãn hiệu lúa giảm phát thải. Để thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa phát thải thấp, Bộ tăng cường đi khảo sát các địa bàn, sau đó có các chương trình cụ thể, nhất là kế hoạch chuyên đề triển khai đồng bộ.

"Chính nhãn hiệu lúa giảm phát thải mới nâng được giá trị hạt gạo Việt Nam. Mình có thể đo đếm các phần để chi trả bằng chứng chỉ cacbon. Tuy nhiên, đó không phải là mục tiêu chính, mà chỉ là thước đo công nhận lúa của mình đạt tiêu chuẩn để giảm phát thải. Vấn đề năng cao giá trị vẫn là nhãn hiệu hàng hóa.”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Đồng thời, Thứ trưởng đề nghị, từ cánh đồng chuyên canh tác lúa ST25 ở thị xã Ngã Năm, cần tiến tới thành lập hợp tác xã. Việc sản xuất trên cánh đồng lớn sẽ thuận lợi trong quản lý, hỗ trợ và đo đếm lượng phát thải hơn. Bên cạnh đó, cần lưu ý đến kỹ thuật điều tiết nước. Theo đó, từng thửa ruộng phải được rút nước kịp thời, đúng thời vụ, không để ứ đọng trên cánh đồng, đảm bảo cho lúa sinh trưởng để giảm phát thải.

“Quy trình sau khi thu hoạch phải thu gom, không để rơm rạ trên cánh đồng. Việc tận dụng rơm, rạ để làm nấm rơm hoặc cuộn lại để bán, tăng thu nhập của nông dân thị xã Ngã Năm cũng cần được nhân rộng”, Thứ trưởng cho biết.

Xuân Lương - Hồng Thắm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/xay-dung-nhan-hieu-lua-giam-phat-thai-nang-gia-tri-hat-gao-viet.html