Xây dựng nhãn hiệu nông sản ngày càng được chú trọng

Nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh ngày càng chú trọng đến việc xây dựng, phát triển nhãn hiệu cho sản phẩm nông sản. Điều này giúp các mặt hàng nông sản được nâng cao giá trị, dễ tìm kiếm thị trường tiêu thụ...

Nhiều năm nay, sản phẩm măng cụt của trang trại Gia Ân (Gia Nghĩa) đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng bảo hộ. Trang trại được bảo hộ nhãn hiệu "Gia Ân" và hình ảnh quả măng cụt.

 Sản phẩm măng cụt trang trại Gia Ân nhiều năm nay được xuất khẩu sang thị trường châu Âu

Sản phẩm măng cụt trang trại Gia Ân nhiều năm nay được xuất khẩu sang thị trường châu Âu

Theo ông Trần Quang Đông, việc xây dựng và đăng ký thành công nhãn hiệu là kết quả nỗ lực lớn của trang trại. Sau khi được bảo hộ, trang trại và sản phẩm của trang trại đã được nhiều người biết đến hơn. Sản phẩm quả măng cụt Gia Ân luôn có giá cạnh tranh hơn so với thị trường chung.

Để phát triển được nhãn hiệu, trang trại luôn tuân thủ quy trình, kỹ thuật về sản xuất an toàn thực phẩm. Trong đó, trang trại bảo đảm canh tác an toàn với môi trường, cân bằng sinh thái vườn cây, sản phẩm đạt quy trình nông nghiệp tốt toàn cầu Global GAP.

Với 8 ha măng cụt, hằng năm, trang trại Gia Ân sản xuất khoảng 60 tấn sản phẩm. Phần lớn sản phẩm được bán cho các doanh nghiệp phục vụ xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Trong quá trình xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm lúa gạo, nhiều tổ chức nông dân tại xã Buôn Choáh (Krông Nô) đã tận dụng tốt những lợi thế của lúa gạo ở địa phương để tạo sức cạnh tranh trên thị trường.

Chẳng hạn, HTX Nông nghiệp Buôn Choáh đưa hình ảnh núi lửa Băng Mo vào nhãn hiệu, bao bì sản phẩm. Điều này đã tạo sự ủng hộ tích cực từ ngành chức năng cũng như người tiêu dùng. Nhãn hiệu còn tạo dựng được tên tuổi, đặc trưng cho sản phẩm của HTX.

 Diện tích, sản lượng, chất lượng ổn định là cơ sở để phát triển nhãn hiệu cho sản phẩm gạo Buôn Choáh

Diện tích, sản lượng, chất lượng ổn định là cơ sở để phát triển nhãn hiệu cho sản phẩm gạo Buôn Choáh

Ông Phạm Xuân Lai, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Buôn Choáh cho biết, vùng sản xuất của HTX gắn liền với hệ thống hang động của Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông.

Do đó, việc đưa hình ảnh núi lửa và bông lúa vào bao bì, nhãn hiệu sản phẩm là thể hiện được sự tự hào của người dân về vùng đất quê hương mình. Qua đó, giúp nhiều người biết đến sản phẩm lúa gạo Krông Nô.
Theo báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ, giai đoạn 2015-2020, tỉnh Đắk Nông có 160 hồ sơ đăng ký xác lập quyền sở hữu sản phẩm nông nghiệp. Cơ quan thẩm quyền đã cấp 60 văn bằng bảo hộ gồm 5 giải pháp hữu ích và 54 nhãn hiệu.

Đến nay, nhiều nhãn hiệu đã phát triển tốt về mặt thương hiệu, tiêu thụ như: "Măng cụt Gia Ân", "Sầu riêng Gia Trung", "Đậu nành Tất Thắng", "Dano Coffee", "Tiêu 5 màu Hà Phát"...

Các nhãn hiệu phát triển đều có sự nỗ lực bền bỉ của chủ sở hữu trong việc đáp ứng nhiều tiêu chí. Cụ thể như về diện tích sản xuất, sản lượng, quy trình kỹ thuật, chất lượng sản phẩm...

Nhiều chủ nhãn hiệu không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị nhãn hiệu, được người tiêu dùng đánh giá cao. Hiện nay, nhiều chủ thể đã biết tận dụng những lợi thế của mình để đăng ký, phát triển nhãn hiệu cho sản phẩm.

Cũng theo Sở Khoa học và Công nghệ, việc đăng ký, bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm nông sản của tỉnh vẫn còn những hạn chế. Trong đó, việc xây dựng và thực hiện kế hoạch quản lý chưa rõ ràng, thiếu quyết tâm, nhất là đối với chủ sở hữu nhãn hiệu là tập thể, đơn vị quản lý Nhà nước.

Nhiều nông sản do sản xuất vượt quy hoạch, điều kiện sản xuất thay đổi; chất lượng cây giống, con giống không bảo đảm nguồn gốc xuất xứ; năng suất, chất lượng sản phẩm không ổn định nên khó đăng ký bảo hộ...

Bài, ảnh: Trần Lê

848

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/kinh-te/xay-dung-nhan-hieu-nong-san-ngay-cang-duoc-chu-trong-87742.html