Xây dựng những nông dân chuyên nghiệp trên đất Sen hồng - Bài 1: Tư duy mới, hành động mới

Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 nhấn mạnh 'Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn'.

Những chùm nhãn trĩu quả mang thương hiệu Nhãn Châu Thành danh tiếng tại vườn nhãn đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu của gia đình anh Huỳnh Ngọc Thái. Ảnh: Minh Hưng/TTXVN

Những chùm nhãn trĩu quả mang thương hiệu Nhãn Châu Thành danh tiếng tại vườn nhãn đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu của gia đình anh Huỳnh Ngọc Thái. Ảnh: Minh Hưng/TTXVN

Một trong các nội dung quan trọng mang tính nền tảng là xây dựng người nông dân với tư duy, hành động mới trong sản xuất, kinh doanh, đóng góp hiệu quả vào kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới hiện đại nhằm đưa nghị quyết vào cuộc sống.

Đồng Tháp - một trong những địa phương trọng điểm sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai thiết thực nội dung này xuất phát từ đặc thù, thế mạnh các ngành hàng nông sản, khơi dậy tinh thần cần cù, sáng tạo của nông dân - chủ thể phát triển kinh tế nông thôn. Nội dung này được phóng viên Thông tấn xã Việt Nam phản ánh qua hai bài viết chủ đề “Xây dựng người nông dân chuyên nghiệp trên đất Sen hồng”.

Bài 1: Tư duy mới, hành động mới

Gắn bó với miệt vườn, ruộng đồng, nhiều nông dân ở Đồng Tháp có thay đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, chủ động nắm bắt thị trường, đổi mới phương thức canh tác theo hướng ứng dụng công nghệ hiện đại, giảm chi phí, thân thiện môi trường, có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng. Họ chính là những dẫn chứng sinh động, cụ thể trong xây dựng, phát triển đội ngũ nông dân văn minh, chuyên nghiệp, nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, giàu bản sắc.

Sản xuất giỏi ở nơi từng là “túi phèn, rốn lũ”

Cuối tháng Tư, dưới cái nắng như đổ lửa mùa khô hạn ở Nam Bộ, cánh đồng lúa khoảng 2ha canh tác theo hướng hữu cơ của ông Lê Văn Hùng (ấp Phú Xuân, xã Phú Đức, huyện Tam Nông) vẫn sinh trưởng tốt. Ông Hùng hào hứng cho biết, vụ Hè Thu năm nay là vụ thứ ba ông và một số nông dân trong xã tham gia mô hình trồng lúa hữu cơ, thuộc vùng dự án sản xuất lúa sinh thái kết hợp bảo tồn, phát triển sếu đầu đỏ của tỉnh, tạo môi trường trong lành cho vùng đệm Vườn quốc gia Tràm Chim để sếu đầu đỏ - loài chim quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới về sinh sống trong Vườn quốc gia.

Tham gia mô hình trồng giống lúa chất lượng cao OM18, các hộ nông dân được hướng dẫn thay đổi phương thức canh tác theo hướng sinh thái, hữu cơ. Người trồng lúa sử dụng thuốc trừ sâu sinh học, phân bón hữu cơ, theo dõi mật độ sâu rầy, độ ẩm, nhiệt độ qua phần mềm trên điện thoại thông minh, sử dụng thiết bị bay không người lái cho một số khâu như sạ giống, bón phân, xịt thuốc… Hai vụ vừa qua, năng suất lúa trong mô hình đạt trung bình trên 6,5 tấn/ha, cao hơn so với năng suất lúa ở phần ruộng ngoài mô hình.

Đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, giờ đây nâng cao thêm một bước, phấn đấu trở thành nông dân chuyên nghiệp, với ông Hùng chính là thay đổi từ cách nghĩ đến cách làm để đạt được năng suất cao hơn, lợi nhuận cao, tốn ít công sức hơn nhưng còn phải thể hiện trách nhiệm với môi trường, sức khỏe cho bản thân và cộng đồng. Không chỉ dừng lại ở mấy vụ lúa khi tham gia mô hình, ông Hùng xác định, việc tự giác tuân thủ quy trình sản xuất này, lâu dài giảm ô nhiễm môi trường, năng suất và chất lượng lúa nâng lên, kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Đức Huỳnh Minh Mẫn cho hay, huyện Tam Nông trong đó có xã Phú Đức từng là nơi được xem là “túi phèn, rốn lũ” ở vùng Đồng Tháp Mười. Sau đó, hệ thống thủy lợi, kênh dẫn nước được xây dựng, giúp “tháo chua, rửa phèn” đã làm thay đổi vùng đất này. Nông dân vùng Đồng Tháp Mười có bước tiến mới trong sản xuất nông nghiệp, đưa Tam Nông trở thành địa phương có diện tích canh tác lúa lớn nhất tỉnh Đồng Tháp với trên 71.000 ha.

Bên cạnh đó, Tam Nông là nơi có Vườn quốc gia Tràm Chim được công nhận là khu Ramsar (vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế). Tự hào về lịch sử vùng đất, sự thay da đổi thịt của địa phương, bà con càng hiểu rõ để phát triển bền vững phải thay đổi cách sản xuất gắn với thị trường. Đặc biệt ứng dụng công nghệ hiện đại gắn với bảo vệ môi trường cho chính mình và cộng đồng.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tam Nông Bùi Văn Thì cho biết, là địa bàn sản xuất nông nghiệp, toàn huyện có trên 12.000 hội viên nông dân. Với mục tiêu phát huy vai trò chủ thể của nông dân, nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại, Hội Nông dân tỉnh phát động trong giai đoạn 2023 - 2028, hội viên nông dân phấn đấu trở thành Người nông dân chuyên nghiệp.

Đến nay, tại huyện Tam Nông trên 90% hội viên nông dân đăng ký thực hiện với 8 tiêu chí cụ thể, gồm: Tham gia vào tổ chức chính trị - xã hội và Tổ nhân dân tự quản; là thành viên Hội quán hoặc Tổ hợp tác, Hợp tác xã; biết sử dụng máy nông nghiệp và thiết bị thông minh; đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp cơ sở trở lên; không vi phạm pháp luật; sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, an toàn; có tư duy kinh tế nông nghiệp và kiến thức thị trường; được đào tạo, bồi dưỡng nghề về nông nghiệp.

Trái ngọt, môi trường trong lành trên đất phù sa

Anh Huỳnh Ngọc Thái cân chỉnh lại đầu tưới tự động cho vườn cây ăn trái. Ảnh: Minh Hưng/TTXVN

Anh Huỳnh Ngọc Thái cân chỉnh lại đầu tưới tự động cho vườn cây ăn trái. Ảnh: Minh Hưng/TTXVN

Một địa phương khác ở phía Nam tỉnh Đồng Tháp, có sông Tiền chảy qua tạo nên vùng đất phù sa là huyện Châu Thành. Với đặc điểm địa hình cù lao và đất giồng ven sông, Châu Thành là một trong các vùng trọng điểm nông nghiệp, vựa trái cây nổi tiếng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Nhiều nông dân ở vùng đất phù sa này đã có tư duy mới, không chỉ quan tâm đến sản lượng mà chú trọng chất lượng, giá trị nông sản an toàn, từng bước thực hiện kinh tế tuần hoàn từ tận dụng phế, phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp làm phân bón sinh học, thể hiện trách nhiệm của người sản xuất gắn với bảo vệ môi trường.

Cùng cán bộ Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp qua bến đò đến cù lao Bạch Viên, chúng tôi tới thăm vườn nhãn canh tác theo hướng hữu cơ, đạt quy trình sản xuất thực hành nông nghiệp tốt của anh Huỳnh Ngọc Thái (xã An Nhơn, huyện Châu Thành) - nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc giai đoạn 2017-2021.

Dưới bóng mát của vườn nhãn trĩu quả và những cây sầu riêng 3 - 4 năm tuổi, anh Thái nhiệt tình chia sẻ, gia đình anh trồng nhãn được hơn 20 năm. Nhờ đất phù sa, các giống nhãn Ido, nhãn đặc sản Châu Thành, nhãn xuồng cơm vàng, nhãn long truyền thống đều cho chất lượng quả rất tốt. Vùng sản xuất đặc sản nhãn Châu Thành được cấp mã số vùng trồng, xuất khẩu sang nhiều nước. Phát triển thương hiệu, danh tiếng nhãn Châu Thành hạt nhỏ, cơm dày, ngọt dịu, thơm, anh chú ý điều kiện thời tiết, thích ứng biến đổi khí hậu, hạn chế phân bón hóa học, thay bằng phân bón hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp vừa tiết kiệm chi phí, vừa cho sản phẩm sạch an toàn, bảo vệ môi trường.

Với khoảng 1,7 ha trồng nhãn thu hoạch rải vụ, mỗi năm, anh Thái thu trên 30 tấn quả, đạt lợi nhuận hàng trăm triệu đồng. “Nông dân chuyên nghiệp là phải biết thích nghi nên mùa khô năm nay, hạn mặn dữ dội hơn, hiện ở cù lao này dù chưa bị ảnh hưởng, nông dân vẫn không chủ quan mà luôn sẵn sàng cách thích ứng, đề phòng. Như ở vườn nhãn và sầu riêng này, tôi chuyển sang vòi tưới nhỏ để tiết kiệm nước, phủ lá khô xung quanh gốc giữ ẩm tốt hơn cho cây...”, anh Thái cho biết thêm.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã An Nhơn Huỳnh Hữu Thuận, gia đình anh Huỳnh Ngọc Thái là một trong 32 hộ nông dân đang tích cực thực hiện mô hình tái sử dụng rác thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp để ủ, tạo chế phẩm sinh học cho cây trồng, do Hội Nông dân tỉnh và Hội Nông dân huyện triển khai. Sử dụng chế phẩm sinh học này, nông dân giảm khoảng 60% chi phí vật tư sản xuất cho mỗi ha cây ăn trái và tạo ra sản phẩm nông sản sạch, thân thiện môi trường. Cùng với đó, giữ môi trường nông thôn sạch sẽ, trong lành, hiện nay, hàng loạt phuy chứa rác thải được bố trí khắp các ấp, góp phần nâng cao chất lượng môi trường, giữ vững danh hiệu xã nông thôn mới nâng cao, tiến tới nông thôn mới kiểu mẫu An Nhơn.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Thành Nguyễn Văn Thanh Hải khẳng định, thúc đẩy chuyển đổi tư duy theo hướng phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng người nông dân chuyên nghiệp thích ứng kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường phát triển nông thôn hiện đại văn minh, hiện nay, trên 7.100 hội viên nông dân Châu Thành đăng ký phấn đấu trở thành nông dân chuyên nghiệp. Nông dân gắn bó với vùng đất phù sa, hiểu tập tính cây trồng, đất đai, nay có tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, được trang bị, cập nhật thêm kiến thức chắc chắn sẽ trở thành những nông dân chuyên nghiệp trong giai đoạn mới, xây dựng nông thôn đẹp, môi trường trong lành, đời sống người dân ngày càng sung túc.

Bài cuối: Hiệu quả thiết thực

Trà Trí Hưng - Nhung An (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/xay-dung-nhung-nong-dan-chuyen-nghiep-tren-dat-sen-hong-bai-1-tu-duy-moi-hanh-dong-moi-20240502141223121.htm