Xây dựng nông nghiệp thịnh vượng, nông thôn văn minh
Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang triển khai có hiệu quả nhiệm vụ tái cơ cấu ngành, xây dựng nông thôn mới, qua đó góp phần quan trọng vào thành công của công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của nông dân, khẳng định nông nghiệp tiếp tục giữ vai trò trụ đỡ, then chốt cho sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nông nghiệp giữ vai trò trụ đỡ của nền kinh tế
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2016-2020, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai có hiệu quả, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tái cơ cấu ngành, xây dựng nông thôn mới.
Nhờ đó, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta đã đạt nhiều kết quả quan trọng, khẳng định nông nghiệp tiếp tục giữ vai trò trụ đỡ, then chốt cho sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ngay cả trong bối cảnh khó khăn của toàn nền kinh tế.Trong 5 năm (2016-2020), tốc độ tăng trưởng của khu vực nông nghiệp liên tục đạt từ 2,8-3%, đây là tốc độ cao trên thế giới.
Nhờ tốc độ tăng trưởng nhanh, quy mô sản xuất nông sản của nước ta ngày một lớn mạnh, đáp ứng cơ bản nhu cầu tiêu dùng của 100 triệu dân trong nước, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia; trở thành một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa hội nhập quốc tế ngày càng sâu sắc.
Nhiều doanh nghiệp tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu; góp phần nâng cao năng lực xuất khẩu và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Một số nông sản lớn, chủ lực như: thủy sản, rau, hoa, quả, cây công nghiệp giá trị cao, đồ gỗ và lâm đặc sản... đã khẳng định được vị thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới về đích sớm hơn 1,5 năm. Trong 5 năm (2016 – 2020) đánh dấu một bước chuyển căn bản về chất, như: Hạ tầng nông nghiệp, nông thôn phát triển mạnh mẽ, làm thay đổi bộ mặt vùng nông thôn. Tổng nguồn lực huy động xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020 khoảng 2.115.677 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với 5 năm 2011 - 2015.
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đạt được nhiều kết quả tích cực, có tốc độ phát triển mạnh mẽ, góp thúc đẩy ngành nghề tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư nâng cấp và từng bước hiện đại hóa.
Sự phát triển của nông nghiệp và nông thôn đã góp phần quan trọng vào thành công của công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của nông dân, làm cơ sở ổn định và phát triển kinh tế - xã hội trong nước. Năm 2019, thu nhập của cư dân nông thôn đạt 39,3 triệu đồng/người, năm 2020 đạt 43 triệu đồng/người, tăng khoảng 1,9 lần so với năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn giảm mạnh còn 4,29% năm 2020.
Tiếp tục tập trung cơ cấu lại nền nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
Bước sang giai đoạn mới, trước những thời cơ và thách thức mới, Đảng ta tiếp tục xác định: Nông nghiệp, nông thôn và việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân là nhiệm vụ then chốt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Sự quan tâm thường xuyên của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và cả xã hội tới sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn là nguồn động viên to lớn và quan trọng nhất đối với toàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm hướng tới mục tiêu phát triển là:
“Xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh, văn minh, giàu đẹp và người nông dân mới làm chủ khoa học kỹ thuật, có trình độ văn hóa cao”.
Phát huy những kết quả đã đạt được và để thực hiện thành công các mục tiêu đề ra về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống của nông dân, thời gian tới, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôntiếp tục tập trung thực hiện hai chương trình lớn là cơ cấu lại nền nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, với các nhiệm vụ, giải pháp:
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp, nhất là tháo gỡ vướng mắc trong chính sách đất đai, đầu tư, phát triển công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ; hỗ trợ thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp một cách thực chất và hiệu quả hơn, trong đó ưu tiên điều chỉnh, xây dựng các chính sách nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp (hoàn thiện chính sách về đất đai, đầu tư, tín dụng, thương mại...).
Nâng cấp và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đáp ứng và phục vụ xây dựng, phát triển nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại, thông minh, hội nhập quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp theo chuỗi. Nâng cao trình độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ.
Phát triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp 4.0 nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng và quản trị ngành; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông sản. Phát triển thị trường công nghệ nông nghiệp trên cơ sở đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ. Thúc đẩy xã hội hóa hoạt động khoa học, công nghệ; phát triển thị trường khoa học công nghệ. Hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn phục vụ quản lý ngành; hài hòa hóa tiêu chuẩn khu vực, quốc tế để thúc đẩy mở rộng thị trường xuất khẩu.
Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả; hoàn thiện quan hệ sản xuất phù hợp, đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu. Phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò chủ đạo, nòng cốt, dẫn dắt.
Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo nguồn nhân lực của ngành, bao gồm nguồn nhân lực chất lượng cao. Đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn gắn với nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp. Đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông thôn gắn với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Phát triển mạnh công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của nông sản; khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh; chế biến công nghệ cao; phát triển công nghiệp phụ trợ. Hình thành các cụm công nghiệp dịch vụ, cung cấp dịch vụ kỹ thuật cho sản xuất; phát triển hệ thống logistic để nâng cao hiệu quả kinh tế, thương mại của hàng nông sản.Phát triển thị trường tiêu thụ nông sản gắn với hội nhập quốc tế.
Phát triển, tổ chức lại thị trường tiêu thụ nông sản, kết nối với mạng lưới tiêu thụ toàn cầu với mục tiêu chung là tiêu thụ kịp thời, hiệu quả nông sản cho nông dân; nâng cao vị thế và khả năng cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam, cả thị trường nội địa và quốc tế. Tận dụng tốt cơ hội của việc tham gia các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản.
Xây dựng nông nghiệp thịnh vượng, nông thôn văn minh. Xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông thôn. Phát triển ngành nghề nông thôn; hỗ trợ bảo tồn và phát triển các làng nghề; gắn hoạt động kinh tế của các làng nghề với dịch vụ du lịch và bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường.
Đẩy mạnh cải cách hành chính và năng lực quản lý nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tiếp tục rà soát, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành, tạo thuận lợi thu hút đầu tư tư nhân. Xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp; thực hiện Chính phủ điện tử; thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông, một cửa quốc gia, một cửa Asean./.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/xay-dung-nong-nghiep-thinh-vuong-nong-thon-van-minh-117561.html