Xây dựng nông thôn mới - cách làm sáng tạo của Thanh Hóa: Bài 1: Khó khăn, vấp váp và những thành quả ban đầu
Với số xã xây dựng nông thôn mới (XDNTM) lớn nhất cả nước, điểm xuất phát thấp, lại thường xuyên gánh chịu hậu quả nặng nề của thiên tai, nhưng tỉnh Thanh Hóa xác định phát triển nông nghiệp và XDNTM là cơ hội lớn để phát triển toàn diện, nâng cao đời sống người dân nông thôn. Ở mỗi thời điểm khác nhau, đối diện với không ít khó khăn, nhưng tỉnh Thanh Hóa luôn có phương pháp, cách làm chủ động, sáng tạo, đồng bộ và đạt được nhiều kết quả trong quá trình XDNTM.
Nông dân xã Vĩnh Hùng (Vĩnh Lộc) chăm sóc cây sâm báo. Ảnh: Xuân Hùng
Triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM, bình quân toàn tỉnh mới đạt 4,7 tiêu chí/xã, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu và thiếu, thường xuyên phải chịu hậu quả của thiên tai, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn (tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn năm 2010 là 26,96%, thu nhập bình quân đầu người 8,9 triệu đồng/năm). Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa đầy đủ, còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại; công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện ở một số nơi thiếu quyết liệt. Ở nhiều địa phương, cán bộ chưa năng động, chưa xác định được quá trình XDNTM cần phải làm việc gì trước, việc gì sau. Một số địa phương thậm chí chỉ quan tâm đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, dẫn đến thiếu kinh phí thanh toán cho nhà thầu, thậm chí sai phạm phải xử lý... 2 trong 3 xã đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn NTM, đã xuất hiện những dấu hiệu bất ổn, từ đơn khiếu nại, tố cáo, cán bộ bị xử lý kỷ luật, sai phạm trong quản lý đầu tư xây dựng. Tháng 10-2013, Thanh tra huyện Thiệu Hóa đã tiến hành thanh tra 7 công trình xây dựng cơ bản tại xã Thiệu Trung, theo đơn tố cáo của nhân dân. Kết luận thanh tra đã cho thấy nhiều sai phạm, đó là: Ban quản lý dự án XDNTM xã Thiệu Trung khi tổ chức thực hiện xây dựng các công trình không lập dự toán chi phí quản lý dự án XDNTM; không thông báo công khai và không giao cho trưởng các thôn thông báo để các nhóm thợ, cá nhân thợ trong xã đăng ký tham gia đấu thầu xây dựng... Qua thanh tra phải xuất toán, thu hồi của 7 công trình với số tiền gần 357 triệu đồng. Đối với xã Minh Dân, huyện Triệu Sơn, công trình nhà văn hóa xã được UBND xã cho nhà thầu ứng vốn nhưng chậm thu hồi; thanh toán cho nhà thầu xây lắp vượt giá trị hợp đồng. Giá trị sai phạm phải thu hồi là hơn 1,5 tỷ đồng...
Ngoài ra, còn nhiều sai phạm trong XDNTM đã được nhân dân phát hiện, tố cáo và Thanh tra tỉnh “điểm mặt, chỉ tên”. Đó là sai phạm trong việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, như ở thôn 10, xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn... Huyện Tĩnh Gia có các xã, như: Thanh Thủy nợ 5,5 tỷ đồng, Hải Bình nợ 5,2 tỷ đồng. Các xã của huyện Nga Sơn, như Nga Hưng nợ 8,7 tỷ đồng, Nga Phú nợ 7,4 tỷ đồng. Các xã của huyện Hoằng Hóa, như: Hoằng Thắng nợ 19,3 tỷ đồng, Hoằng Vinh nợ 8,8 tỷ đồng... Sai phạm trong quản lý đất đai; trong đó, một số xã giấu nguồn thu từ đất công ích, lập quỹ thu, chi trái phép không qua Kho bạc Nhà nước, thiếu sự quản lý, giám sát, chi tiêu không đúng mục đích... Vấn đề đặt ra lúc này là ngoài việc xử lý những sai phạm theo quy định, làm thế nào để các địa phương không bị động, lúng túng, xác định đúng hướng đi trong XDNTM bảo đảm sáng tạo, hiệu quả, bền vững?
Chúng tôi đến xã Trường Sơn (Nông Cống) vào những ngày cuối tháng 9–2019 (sau hơn 9 năm triển khai XDNTM), bộ mặt nông thôn nơi đây đã có nhiều đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao. Đồng chí Lê Ngọc Thắng, Bí thư Đảng ủy xã Trường Sơn, nhớ lại: Xuất phát điểm của địa phương thấp, nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân về XDNTM những ngày đầu còn hạn chế. Song không để bị động, lúng túng, xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm tạo đồng thuận trong nhân dân. Đồng thời, tập trung phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân; huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Qua đó, đã tạo được sự đồng lòng, hưởng ứng tham gia của các tầng lớp nhân dân với vai trò người dân là chủ thể. Với cách làm, bước đi phù hợp, phát huy dân chủ ở cơ sở, cùng với sự quan tâm, giúp đỡ của huyện và tỉnh, chương trình XDNTM của xã Trường Sơn đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Tháng 12–2013, Trường Sơn là 1 trong 2 xã đầu tiên của huyện Nông Cống được công nhận đạt chuẩn NTM. Trong những năm qua, Trường Sơn không ngừng phấn đấu vươn lên nhằm nâng cao chất lương các tiêu chí của xã NTM. Trong đó, xã đặc biệt quan tâm đến việc tiếp tục phát triển sản xuất và xác định sản xuất là nền tảng vững chắc để XDNTM nâng cao. Theo đó, nhiều mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết được hình thành; xã triển khai đăng ký sản phẩm gạo sạch – Hương quê đạt chuẩn VietGAP là sản phẩm OCOP... Với quyết tâm chính trị và sự nỗ lực phấn đấu không ngừng, cùng nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, xã Trường Sơn đã hoàn thành 15/15 tiêu chí xã NTM nâng cao và đang được các sở, ngành của tỉnh thẩm định, đánh giá mức độ đạt chuẩn các tiêu chí.
Về xã Phú Lộc (Hậu Lộc), qua tìm hiểu chúng tôi được biết: Những năm qua, HTX nông nghiệp Phú Lộc đã chủ động, tích cực tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền xã về dồn đổi ruộng đất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ ổn định vào sản xuất, như: Ớt kim lai, dưa bao tử, dưa ngọt, dưa hấu, ngô ngọt, khoai tây, cải bó xôi, hành lá, hành Pa Ro, đậu tương rau và các loại cây rau màu khác. Ông Nguyễn Văn Tú, Giám đốc HTX nông nghiệp Phú Lộc, cho biết: Ban giám đốc HTX đã tích cực tìm hiểu thông tin về thị trường thông qua các hội chợ trong và ngoài tỉnh, phần mềm kết nối cung cầu, gặp và trao đổi với các doanh nghiệp có đủ năng lực tiêu thụ hàng hóa nông sản để ký kết các hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. HTX tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các hộ thành viên HTX cùng đồng hành với nông dân trong xã đẩy mạnh phát triển sản xuất. Kết thúc các chu kỳ sản xuất, các hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa HTX với doanh nghiệp luôn được tổng kết rút kinh nghiệm. Các bên tham gia hợp đồng đều đạt kết quả tốt; mô hình sản xuất hàng hóa tập trung của HTX được duy trì và phát triển qua hàng năm, đáp ứng tốt yêu cầu của doanh nghiệp cũng như thị trường. Hàng năm, HTX đã tổ chức tiêu thụ từ 3.500 tấn đến 4.000 tấn hàng hóa nông sản theo hợp đồng liên kết, góp phần cùng địa phương phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Phú Lộc đã đạt chuẩn xã NTM, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới..., đời sống người dân đã được nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người năm 2011 là 17,3 triệu đồng, năm 2019 ước đạt 48 triệu đồng. Trong thành tích chung đó có sự đóng góp không nhỏ của HTX nông nghiệp Phú Lộc.
Kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được nâng lên, năm sau cao hơn năm trước; hàng năm, xuất hiện nhiều hơn những xã đạt chuẩn NTM. Thành quả bước đầu trong XDNTM, trọng tâm là phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân chính là bắt đầu từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, ban hành thể chế đến công tác tuyên truyền, vận động; công tác đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ, nhận thức của người dân và cán bộ cơ sở. Triển khai thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch; huy động nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; giáo dục- đào tạo, y tế, văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường; công tác quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội; xây dựng, củng cố hệ thống chính trị vững mạnh ở nông thôn... Điều quan trọng nữa là “Nếu người dân hài lòng thì chương trình XDNTM mới đạt được mục tiêu đề ra”; do đó, việc duy trì, lấy ý kiến sự hài lòng của người dân thực sự bảo đảm khách quan, đề cao vai trò chủ thể của người dân trong XDNTM. Những nội dung triển khai trong quá trình XDNTM đều được người dân đồng tình ủng hộ; phát huy được truyền thống vốn có, thể hiện được sự năng động, sáng tạo và chuyển biến mạnh mẽ cả về lượng và chất.