Xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu - Bài 2: Giải pháp lồng ghép
Để xây dựng nông thôn mới hiệu quả, bền vững, các địa phương tại đồng bằng sông Cửu Long đang thực hiện nhiều giải pháp lồng ghép, xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp.
Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu như nước biển dâng, sụt lún ngày một nghiêm trọng, sạt lở, hạn mặn, thiếu lũ và phù sa từ thượng nguồn…
Để xây dựng nông thôn mới hiệu quả, bền vững các địa phương trong vùng đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp lồng ghép, xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu, ứng phó rủi ro thiên tai.
*Từng bước thích ứng
Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, sản xuất nông nghiệp của các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã có nhiều thay đổi, chuyển biến để thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cơ cấu sản xuất nông nghiệp được chuyển dịch theo hướng tăng diện tích nuôi thủy sản, trồng trái cây, sản xuất hoa màu, giảm diện tích canh tác lúa.
Đề cập việc xây dựng các mô hình sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu góp phần thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, lãnh đạo UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, hiện tỉnh đã có 40/85 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 47% tổng số xã của tỉnh. Hai đơn vị cấp huyện là Tiểu Cần và thị xã Duyên Hải đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Tại những khu vực ven biển như thị xã Duyên Hải và huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh đã triển khai mô hình gắn việc trồng rừng bảo vệ rừng với bảo tồn đa dạng sinh học, tạo điều kiện để người dân có thể thả nuôi nhiều loại thủy sản, vừa bảo tồn và khai thác tốt nguồn lợi thủy sản của thiên nhiên, vừa góp phần cải thiện thu nhập.
Ngoài nguồn vốn nhà nước đầu tư trồng rừng, nhiều hộ ở huyện Duyên Hải và thị xã Duyên Hải tự bỏ vốn đầu tư trồng rừng trên diện tích nuôi các loài thủy sản, nhất là diện tích nuôi tôm sú và cua biển.
Bên cạnh việc vận động người dân tham gia đầu tư trồng rừng, huyện Duyên Hải còn tiến hành giao khoán cho người dân địa phương chăm sóc và bảo vệ phần lớn diện tích rừng, góp phần nâng tỷ lệ che phủ vùng đệm và vùng phục hồi sinh thái, thực hiện các tiêu chí bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.
Với tỉnh Đồng Tháp, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hùng, Đồng Tháp chú trọng thực hiện “Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển các ngành hàng chủ lực của địa phương, khuyến khích chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, áp dụng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt thích ứng biến đổi khí hậu, đạt hiệu quả kinh tế cao.
Thị xã Hồng Ngự là một trong những địa phương hoàn thành xây dựng nông thôn mới điển hình của tỉnh Đồng Tháp, với 3 phường và 4 xã đều được công nhận hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Ông Nguyễn Huấn, Phó trưởng Phòng Kinh tế thị xã Hồng Ngự chia sẻ, ngoài cây lúa, cá tra thì nuôi lươn cũng là một trong những ngành nghề được thị xã lựa chọn thực hiện trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương, để giúp nông dân phát triển kinh tế.
Trong điều kiện biến đổi khí hậu, nguồn lươn giống ngoài tự nhiên ngày càng khan hiếm, phòng kinh tế thị xã Hồng Ngự đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn hỗ trợ một số hộ thực hiện mô hình cho lươn sinh sản nhân tạo, giúp người chăn nuôi có được nguồn lươn giống tốt, sạch bệnh, lươn giống đạt tỷ lệ sống cao.
Có hộ nông dân ở xã Bình Thạnh thực hiện mô hình này đã cung cấp cho thị trường khoảng 10 nghìn con lươn giống trong một mùa lũ, sau khi trừ chi phí thu lãi khoảng 30 triệu đồng.
* Đẩy mạnh chương trình mỗi xã một sản phẩm
Nhằm bảo tồn, phát triển các sản phẩm truyền thống theo hướng hàng hóa chất lượng cao, góp phần tăng thu nhập cho người dân, các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long đang từng bước đẩy mạnh triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) mang tính đặc trưng, lợi thế của mỗi vùng.
Đây cũng là một trong những giải pháp thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng hàng hóa.
Với chương trình OCOP, giai đoạn từ quý IV/2018 đến năm 2020, tỉnh Đồng Tháp phấn đấu tiêu chuẩn hóa ít nhất 50% số sản phẩm hiện có của tỉnh (tương ứng khoảng 31 sản phẩm).
Tiêu biểu như các sản phẩm từ bột của thành phố Sa Đéc, huyện Châu Thành, các sản phẩm từ sen ở huyện Tháp Mười, quýt hồng Lai Vung, khô cá lóc thị xã Hồng Ngự, huyện Tam Nông…
Với sản phẩm truyền thống là bột Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp và thành phố Sa Đéc tiếp tục chú trọng triển khai đề án phát triển làng nghề, hỗ trợ các hộ làm nghề trang bị các thiết bị đảm nhiệm các khâu như xay bột, đánh nhuyễn, gạn lấy tinh bột, hút chân không nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, lãnh đạo UBND thành phố Sa Đéc chia sẻ.
Tại tỉnh An Giang, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, ông Trương Kiến Thọ cho rằng, Chương trình OCOP là một trong những giải pháp phù hợp, cần thiết để thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, gắn liền với tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, giúp An Giang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Theo đó, An Giang phấn đấu có 30 sản phẩm đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên trong giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến năm 2030. Giai đoạn năm 2018-2020, tỉnh lựa chọn các sản phẩm nhóm thảo dược, thực phẩm, du lịch, đồ uống đưa vào chương trình OCOP của tỉnh.
Đó là, sản phẩm tinh dầu chúc (một loại trái cùng họ chanh của huyện Tri Tôn), bánh bò Tân Châu (thị xã Tân Châu), sản phẩm du lịch cộng đồng văn hóa (thành phố Long Xuyên), du lịch văn hóa Chăm (thị xã Tân Châu và huyện An Phú), gói sản phẩm từ cây Thốt Nốt (huyện Tri Tôn và Tịnh Biên)…/.
Bài cuối: Nhiều giải pháp gỡ khó